|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

SSI Research: Giá cước vận tải có thể vẫn chịu áp lực cho đến năm 2023

16:01 | 05/10/2022
Chia sẻ
Theo SSI Research, thị trường vận tải biển đã có nhiều thay đổi lớn, tình hình xấu đi nhanh chóng theo xu hướng kinh tế toàn cầu. Sản lượng vận tải biển đã giảm tốc, trong khi giá cước vận tải có thể sẽ vẫn chịu áp lực cho đến năm 2023.

Giá cước vận tải giảm mạnh 

Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) về ngành cảng và vận tải biển cho rằng ngành hàng này sẽ đối mặt với thách thức do nhu cầu toàn cầu giảm nhanh hơn dự kiến trong năm 2023.

Theo SSI Research, trên thị trường quốc tế, giá thuê tàu với các cỡ tàu khác nhau giảm 30 - 50% chỉ trong một tháng và giảm 30 - 60% so với đỉnh vào tháng 3 năm nay là hệ quả của nhu cầu yếu trong bối cảnh thị trường lo ngại nguồn cung tàu mới sẽ tham gia vào thị trường trong 2 năm tới (làm tăng 28% tổng trọng tải hiện tại).

Giá thuê hiện tại vẫn cao hơn 3 - 4 lần so với 2 năm trước, nhưng tốc độ giảm đã khiến thị trường ngạc nhiên và được dự báo có khả năng giảm sâu hơn trong ngắn hạn.

Trong khi đó, giá cước vận tải giao ngay tiếp tục giảm khi chỉ số giá cước vận tải container (World Container Index) giảm 28% trong tháng qua, tương đương mức giảm 54% kể từ tháng 2.

Nhiều chuyên gia trong ngành đồng ý rằng mùa cao điểm vận tải biển thường thấy hàng năm có khả năng sẽ không xảy ra trong năm nay do hàng tồn kho của nhà bán lẻ ở mức cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu. 

 

Tại thị trường nội địa, SSI Research cho biết sản lượng hàng hóa thông qua cảng đã chậm dần trong những tháng gần đây. Tổng sản lượng container thông qua cảng tăng 17,5% so với cùng kỳ trong tháng 8 và chỉ tăng 2,2% trong 8 tháng đầu năm.

Tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ đã phục hồi kể từ tháng 8 do mức nền so sánh thấp của năm ngoái nhưng sản lượng vận tải hàng tháng đang giảm dần. Ngoài ra, sản lượng xuất khẩu sang thị trường quốc tế (như Mỹ và châu Âu) tiếp tục giảm trong tháng 9 tại các cảng lớn như Cái Mép và Lạch Huyện.

Trong khi đó, 8 tháng đầu năm vận tải nội địa chịu ảnh hưởng bởi chính sách giãn cách xã hội tại Trung Quốc, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Do đó, giá cước vận tải nội địa đã giảm 5 - 10% trong quý III.

SSI Research lưu ý rằng giá cước vận tải nội địa tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung thấp do số lượng lớn tàu được giữ tại thị trường quốc tế theo các hợp đồng thuê tàu. Đồng thời dự báo giá cước hiện tại có thể được duy trì trong quý IV do sản lượng vận tải sẽ cải thiện vào cuối năm.

Triển vọng nào cho ngành vận tải biển?  

Là một ngành điển hình vận động theo chu kỳ, SSI Research đánh giá ngành vận tải biển thường bùng nổ khi tăng trưởng nguồn cung chậm hơn so với tăng trưởng nhu cầu và suy thoái khi nguồn cung tàu mới gia nhập thị trường trong khi nhu cầu đột ngột giảm.

Độ biến động của chu kỳ ngành rất lớn bởi chu kỳ đầu tư dài lên đến hai năm để đóng một con tàu mới. Hơn nữa, sự phát triển của lĩnh vực vận tải container theo hướng sử dụng các tàu có kích cỡ lớn hơn và động cơ xanh sạch hơn đã khiến các hãng vận tải liên tục phải đầu tư vào các tàu mới.

 

Theo SSI Research, sự bùng nổ nhu cầu trong giai đoạn hiện tại chủ yếu là do tác động của dịch COVID-19 nên kém bền vững hơn so với giai đoạn trước cuộc khủng hoảng năm 2008, khi quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và hoạt động thương mại gia tăng trên toàn thế giới.

Ngược lại, các hãng vận tải hiện nay cũng thận trọng hơn khi đầu tư đóng mới tàu, tỷ lệ đơn đóng mới trên tổng đội tàu chỉ đạt 28%, so với mức 70% trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Trong điều kiện bình thường, tỷ lệ đơn đóng mới này không quá lớn vì quá trình bàn giao tàu sẽ diễn ra trong 2-3 năm, nhất là khi tình trạng ùn tắc cảng vẫn còn kéo dài.

Bên cạnh đó, SSI Research lưu ý rằng các quy định mới của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) về hạn chế phát thải khí carbon sẽ có hiệu lực kể từ năm 2023, các quy định này sẽ yêu cầu các hãng vận tải giảm lượng khí thải bằng cách giảm tốc độ chạy tàu, nâng cấp tàu hoặc mua tín chỉ carbon. Quy định mới ước tính sẽ làm giảm 5 - 10% năng lực hoạt động của đội tàu.

Tuy nhiên, tình trạng cung vượt cầu vẫn khó tránh khỏi nếu tất cả đơn hàng được giao xong mà nhu cầu tiêu dùng vẫn chưa phục hồi.

Đối mặt với nguy cơ cung vượt cầu trong 2 năm tới, các hãng vận tải sẽ giới hạn nguồn cung để kiểm soát giá cước, điều này hiện dễ thực hiện hơn trước đây do phần lớn năng lực vận tải toàn cầu do các hãng vận tải hàng đầu kiểm soát. Do đó, nhiều người tin rằng giá cước giao ngay sẽ tìm thấy điểm cân bằng cao hơn mức trước COVID-19 và mang lại hy vọng hạ cánh mềm cho ngành vận tải biển.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Như Huỳnh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.