|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SSI Research: Dịch vụ Hàng hóa Sài gòn có thể lên HOSE vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7

17:11 | 25/06/2018
Chia sẻ
Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn hiện đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất suất ăn tại TP HCM, cùng  với đó là kế hoạch M&A với một công ty xếp dỡ hàng hóa tại sân bay khác để xếp dỡ hàng hóa quốc tế. 

Niêm yết trên HOSE cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7

Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI) vừa có báo cáo cập nhật chuyến thăm CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS).

Hiện tại, SCS đang cung cấp dịch vụ cho 24 hãng hàng không, bao gồm 23 hãng hàng không nước ngoài và Vietjet Air, tăng thêm hai hãng hàng không so với cuối năm 2017.

Công suất tại cảng hàng hóa hiện tại là 200.000 tấn/năm. Công ty lên kế hoạch tăng công suất lên 350.000 tấn/năm trong năm 2019. Vốn đầu tư ước tính khoảng 7 - 10 triệu USD.

SCS đang lên kế hoạch xây 2 tòa nhà để cho thuê, tổng vốn đầu tư khoảng 9 triệu USD. Ngoài ra, công ty cũng đang xem xét thành lập một nhà máy sản xuất thức ăn tại TP HCM để phục vụ các khách hàng hiện tại. Vốn đầu tư ước tính khoảng 7 triệu USD.

SCS đang trong quá trình đàm phán thương vụ M&A với công ty xếp dỡ hàng hóa tại các sân bay khác để xếp dỡ hàng hóa quốc tế. SSI Research thông tin, hiện chỉ 4 sân bay phù hợp với tiêu chí của thương vụ M&A: Sân bay Nội bài, Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Đà Nẵng và Sân bay Cát Bi.

Đáng chú ý, SCS có thể hoàn tất việc niêm yết tại HOSE vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2018.

ssi research dich vu hang hoa sai gon co the len hose vao cuoi thang 6 hoac dau thang 7

Định giá SCS đang cao so với các công ty cùng ngành

Theo SSI Research, hiện tại SCS đã đạt công suất thiết kế hiện tại và hoạt động khoảng 101% công suất ở mức 200.000 tấn (158.000 tấn hàng hóa quốc tế và 44.000 tấn hàng nội địa trong 12 tháng qua). Vì vậy, SCS đang đứng giữa nhiều lựa chọn, trong đó đầu tư mở rộng công suất là rất quan trọng để duy trì tăng trưởng và giành thêm thị phần trong vòng 3-5 năm tới.

SCS hiện nắm giữ 33% thị phần quốc tế và 25% thị phần nội địa trong số tất cả hàng hóa vận chuyển tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên theo SSI Research, cả hai con số này có thể tăng trong tương lai, do công ty cạnh tranh trực tiếp là TCS (Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất) cũng đã đạt công suất tối đa.

Do việc nâng cấp đơn thuần là vấn đề mua thiết bị và giá đỡ theo nhu cầu, SSI Research cho rằng công ty khó có thể trả nợ vay cho các nhu cầu tài chính của mình.

Bộ phận phân tích của SSI đánh giá, ý tưởng thành lập một nhà máy sản xuất suất ăn ở TP HCM khá tiềm năng. Hiện tại, ở miền Nam chỉ có một nhà máy cung cấp suất ăn hàng không của VACS (Vietnam Air Caterer, một công ty con của Vietnam Airlines).

Theo khuyến nghị của ICAO, bất kỳ sân bay nào có hơn 5 triệu hành khách đều cần ít nhất 2 nhà cung cấp suất ăn hàng không. Năm 2017, sân bay Tân Sơn Nhất đón 36 triệu hành khách, trong khi công suất thiết kế của VACS chỉ khoảng 8 triệu suất ăn/năm.

Theo ban lãnh đạo, công suất ban đầu là 1,5 triệu suất ăn/năm. Công ty đã mua lại đất dự án. Việc xây dựng có thể bắt đầu vào năm 2019 và hoàn thành vào năm 2020.

SSI Research kỳ vọng công ty cần 1 - 2 năm để hoà vốn, do đó công ty có thể ghi nhận lợi nhuận dự án này từ năm 2022 trở đi. Dự án này có thể tài trợ một phần bằng nợ vay, do SCS đã trả phần lớn lợi nhuận bằng cổ tức tiền mặt.

Hiện, SAS chưa công bố cụ thể tiêu chí cho thương vụ M&A. Theo ý kiến của SSI Research, nếu SCS đang nhắm đến một đơn vị xếp dỡ hàng hóa với đơn hàng quốc tế để mở rộng kinh doanh, thì mục tiêu có thể là một trong ba công ty tại sân bay quốc tế Nội Bài (NCTS, ACSV và ALSC), do hầu hết hàng hóa của Samsung và LG đều xếp dỡ tại đây.

Theo tài liệu ĐHCĐ, công ty đặt kế hoạch sản lượng hàng hóa đạt 210.000 tấn vào năm 2018, tăng trưởng 13%. Kế hoạch doanh thu đạt 694 tỷ đồng, tăng 17%. Ban lãnh đạo cũng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 466 tỷ đồng, tăng trưởng 21%.

Lợi nhuận ròng sau thuế năm 2018 theo kế hoạch là 419 tỷ đồng, tăng trưởng 21%, tương ứng EPS 2018 là 8.480 đồng. Ở mức giá hiện tại, SCS đang giao dịch ở mức PE 2018 là 20x, nằm trong mức định giá cao so với các công ty cùng ngành (từ 8x-20x).

Theo quan điểm của SSI Research, kế hoạch mở rộng công suất có thể giúp SCS tăng sản lượng lên 15%/năm (cao hơn tăng trưởng thị trường là 10%/năm) trong ít nhất 3 năm tới.

Công ty cạnh tranh duy nhất của SCS đã đạt hoạt động hết công suất, và khó có thể mở rộng công suất do diện tích đất hạn chế, do đó SCS có thể chịu cạnh tranh ít hơn.

Xem thêm

Đông A