|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

S&P: Techcombank duy trì vị thế dẫn đầu trong bối cảnh tác động từ COVID-19

08:00 | 23/09/2021
Chia sẻ
Với nguồn vốn vững mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao, chiến lược đa dạng hóa nguồn thu thành công và kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P tin tưởng Techcombank sẽ duy trì vị thế trên thị trường và giữ vững ổn định kinh doanh trong 12 – 18 tháng tới.
S&P: Techcombank duy trì vị thế dẫn đầu trong bối cảnh tác động từ COVID-19 - Ảnh 1.

(Ảnh: Techcombank).

"Techcombank là một trong những ngân hàng có lợi nhuận cao nhất tại Việt Nam nhờ tệp khách hàng rộng lớn, chất lượng dịch vụ tốt, hiệu quả và nhiều dịch vụ sản phẩm riêng biệt", hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ S&P nhận định trong báo cáo mới đây.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 11.500 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 71% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt trên 18.100 tỷ đồng, tăng hơn 52%.

Trong đó, thu nhập từ lãi chiếm 12.700 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ, dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM) đạt 5,6%, nằm trong top cao nhất toàn ngành.

S&P: Techcombank duy trì vị thế dẫn đầu trong bối cảnh tác động từ COVID-19 - Ảnh 2.

(Nguồn: Báo cáo nhà đầu tư của Techcombank).

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2021 đạt mức 15,2%, cao hơn nhiều so với mức tối theo 8% theo quy định. Với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) duy trì ở mức 46,1% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) là 3,7%, Techcombank đang dẫn đầu toàn ngành ở cả hai chỉ tiêu này.

S&P: Techcombank duy trì vị thế dẫn đầu trong bối cảnh tác động từ COVID-19 - Ảnh 3.

Khả năng sinh lời vượt trội của Techcombank so với các ngân hàng khác. (Nguồn: Báo cáo của S&P).

Bên cạnh đó, với hệ thống phân phối rộng khắp, gồm 309 chi nhánh và điểm giao dịch, hơn 1.000 máy ATM, Techcombank đã đa dạng hóa cơ cấu cho vay theo hướng đẩy mạnh vào phân khúc bán lẻ (chiếm 40% vào cuối năm 2020), doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 58%) và hạn chế cho vay các doanh nghiệp nhà nước (chiếm còn khoảng 2%). 

Hiện nay, mức độ thâm nhập bán lẻ của các dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khi nền kinh tế đang trên đà phát triển, tiền lương thực tế đang tăng lên và quá trình đô thị hóa đang tiếp tục cho thấy tiềm năng của mảng này là rất lớn.

S&P nhận định việc Techcombank tập trung vào mảng bán lẻ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho ngân hàng khi rủi ro sẽ được phân tán. Hơn nữa, lợi suất có được từ các khoản vay này thường lớn hơn so với các khoản cho vay bán buôn đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Đa dạng hoá nguồn thu và nỗ lực số hoá

 Mặt khác, S&P cũng đánh giá cao Techcombank là một trong những ngân hàng nổi bật trên thị trường trái phiếu, thẻ, tiền mặt, thanh toán và bảo hiểm tại Việt Nam, qua đó tạo ra thu nhập phí khá lớn. 

S&P: Techcombank duy trì vị thế dẫn đầu trong bối cảnh tác động từ COVID-19 - Ảnh 4.

(Nguồn: Báo cáo nhà đầu tư của Techcombank).

Đơn cử, trên thị trường trái phiếu, Techcombank đã chiếm khoảng 1/3 thị phần bảo lãnh phát hành tại Việt Nam. Hoạt động này đã mang về cho ngân hàng 420 tỷ đồng trong hai quý đầu năm, chưa kể 865 tỷ đồng phí từ các dịch vụ khác như ủy thác, tư vấn và đại lý, phí môi giới,...

Hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ kỳ vọng thu nhập từ phí sẽ tiếp tục đóng góp khoảng 30% vào doanh thu ngân hàng, mức tương đối cao so với các nhà băng khác.

Ngoài ra, S&P nhận định việc đa dạng hoá các sản phẩm và nỗ lực số hoá để mở rộng lợi thế cạnh tranh sẽ tiếp tục giúp Techcombank hưởng nhiều lợi ích trong tương lai. Việc đẩy mạnh nâng cấp các nền tảng số đã giúp Techcombank phát triển tích cực về giao dịch của khách hàng cũng như các ứng dụng phụ trợ khác.

Tính trong 6 tháng đầu năm, Techcombank đã thu hút thêm gần nửa triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng phục vụ lên 8,9 triệu. Trong đó, khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân lần lượt đạt 296,9 triệu giao dịch (tăng 94,5% so với cùng kỳ) và gần 4,3 triệu tỷ đồng (tăng 122,5%).

Mới đây, Techcombank đã lựa chọn Amazon Web Services (AWS), một công ty thuộc tập đoàn toàn cầu Amazon, làm đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, AWS sẽ hỗ trợ Techcombank xây dựng và thúc đẩy các chương trình sáng tạo và phát triển nhân lực số hóa. Những năng lực mới này sẽ giúp ngân hàng thích ứng nhanh hơn với các yêu cầu của khách hàng, rút ngắn thời gian triển khai giải pháp tới khách hàng, giúp gia tăng sự khác biệt của Techcombank với các tổ chức dịch vụ tài chính khác trên thị trường.

Cùng với AWS, Techcombank sẽ bảo đảm tính ổn định và khả năng mở rộng của hệ thống công nghệ, từ đó cung ứng dịch vụ tài chính số tốt nhất đến khách hàng, đồng thời tuân thủ cao nhất quy định về bảo mật và an toàn.

Techcombank được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao nhờ nền tảng vốn vững chắc, tỷ suất sinh lời cao. Ngân hàng được Moody's xếp hạng tín nhiệm Ba3, mức cao nhất trong số các ngân hàng ở Việt Nam với triển vọng tích cực. S&P cũng tiếp tục mức xếp hạng BB- và triển vọng ổn định đối với Techcombank.

Mới đây nhất, The Asian Banker đã vinh danh Techcombank là "Ngân hàng Bán lẻ được tin dùng nhất" tại Việt Nam và là ngân hàng Việt Nam duy nhất có tên trong bảng xếp hạng khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trước đó, ngân hàng cũng được nhận danh hiệu "Ngân hàng cung cấp giải pháp tốt nhất cho khách hàng doah nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam năm 2020", "Ngân hàng cung cấp sản phẩm cho vay mua nhà tốt nhất Việt Nam năm 2020" từ tổ chức này.

Ngoài ra, ngân hàng cũng được Euromoney trao giải "Ngân hàng tốt nhất Việt Nam" năm 2018, 2021 và được FinanceAsia vinh danh "Ngân hàng tốt nhất Việt Nam" năm 2020, 2021.

Bích Thu