Sơn Kim Retail rót thêm 460 tỷ đồng mở rộng chuỗi GS25
Sơn Kim Retail thuộc Tập đoàn Sơn Kim và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa ký kết hợp đồng đầu tư nhằm đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng GS25 tại Việt Nam.
IFC, một thành viên của Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân tại các thị trường mới nổi. IFC hoạt động tại hơn 100 quốc gia, sử dụng vốn, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra thị trường và cơ hội tại các nước đang phát triển.
Theo thoả thuận, nguồn vốn 460 tỷ đồng được sử dụng để phát triển hoạt động kinh doanh của chuỗi GS25 tại Việt Nam. Đại diện Sơn Kim cho biết đây là một trong những cột mốc quan trọng trong kế hoạch thu hút thêm nhiều khoản đầu tư lớn vào Sơn Kim Retail, nhằm chuẩn bị cho sự phát triển của ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam trong những năm tới.
Kế hoạch, GS25 Việt Nam sẽ triển khai mở rộng chuỗi cửa hàng với độ phủ sóng trên toàn quốc.
GS25 là thương hiệu cửa hàng tiện lợi thuộc sở hữu của GS Retail Hàn Quốc được thành lập năm 1971. Cái tên GS25 có nghĩa là “24 giờ + 1 giờ cho sự tận tâm phục vụ = 25”. Tại Hàn Quốc, GS Retail vận hành hơn 16.000 cửa hàng GS25.
Đầu năm 2018, GS25 ra mắt tại thị trường Việt Nam đánh dấu cho việc liên doanh thành công giữa tập đoàn GS Retail Hàn Quốc và Tập đoàn Sơn Kim. Sau 4 năm có mặt tại Việt Nam, hiện GS25 đang sở hữu 200 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại thị trường phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Vũng Tàu và Đồng Nai.
Cuối năm 2021, GS25 Việt Nam khai trương cửa hàng nhượng quyền đầu tiên, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chiến lược phát triển mở rộng trên khắp Việt Nam. Với chiến lược nhượng quyền thương hiệu, thương hiệu đang từng bước thực hiện hóa mục tiêu của mình - trở thành thương hiệu cửa hàng tiện lợi hàng đầu Việt Nam với hơn 2.000 cửa hàng sau 10 năm hoạt động.
Việc Sơn Kim rót thêm 460 tỷ đồng mở rộng chuỗi GS25 tại Việt Nam diễn ra trong bối cảnh bán lẻ tại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng đang gặp khó khăn, theo đánh giá từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).
Dấu hiệu khó khăn đầu tiên là hiệu ứng mức nền thấp đang dần phai nhạt và tăng trưởng của lĩnh vực du lịch, lưu trú ăn uống đang giảm tốc. Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 12,6% so với cùng kỳ, giảm nhẹ so với mức tăng 12,8% của 4 tháng 2023. Nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ số này tăng trưởng 8,4% so với cùng kỳ, tăng nhẹ so với mức tăng 8,3% của 4 tháng đầu năm.
Theo VDSC tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hoá, dịch vụ cũng đang giảm tốc ở hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội trong tháng vừa qua.
Bằng chứng là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP HCM tháng 5 ước tăng 3,1% so với tháng trước (giảm so với mức tăng 3,2% trong tháng 4).
Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội tháng 5 tăng 1,9% so với tháng trước (tăng nhẹ so với mức tăng 1,7% trong tháng 4).