Sớm vượt mục tiêu lợi nhuận, Thiên Long chuẩn bị chia cổ tức tổng tỷ lệ 20%
CTCP Tập đoàn Thiên Long (Mã: TLG) thông báo ngày 15/11 là ngày đăng ký cuối để nhận cổ tức năm 2023 và tạm ứng cổ tức tiền mặt 2024 với tổng tỷ lệ 20%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/11.
Theo đó, Thiên Long sẽ phát hành hơn 7,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ thực hiện là 10:1 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới).
Sau phát hành, số cổ phiếu lưu hành của Thiên Long sẽ tăng từ 78,5 triệu lên 86,3 triệu cổ phiếu.
Thiên Long lên kế hoạch cổ tức năm 2023 với tổng tỷ lệ 35% (25% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu). Trước đó, công ty đã tiến hành trả cổ tức tiền mặt với tổng tỷ lệ 25%, như vậy, “vua bút bi” đã hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Bên cạnh đó, Thiên Long sẽ tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2024 cho cổ đông với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu sẽ nhận được 1.000 đồng).
Với hơn 78,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi hơn 78,5 tỷ đồng trả cổ tức. Thời gian thực hiện dự kiến là 29/11.
Trong đợt chia cổ tức này, CTCP Đầu tư Thiên Long An Thịnh sẽ nhận hơn 37 tỷ đồng do nắm 47,52% vốn, Chủ tịch HĐQT Cô Gia Thọ sở hữu 6,27% vốn dự kiến bỏ túi gần 5 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông công ty đặt mục tiêu cổ tức năm 2025 là 35%. Như vậy, tỷ lệ cổ tức còn lại cần chi trả có thể là 25%.
Về tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm, Thiên Long ghi nhận 2.912 tỷ đồng doanh thu thuần và 421 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 5%, 28% so với cùng kỳ.
Năm nay, tập đoàn kỳ vọng đạt doanh thu 3.800 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và cũng là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 380 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2023
Với kết quả trên, Thiên Long vượt 11% kế hoạch lợi nhuận chỉ sau 9 tháng.
Trong báo cáo hồi tháng 10, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng trong dài hạn, với vị thế đứng đầu về cung ứng các loại văn phòng phẩm tại Việt Nam và mạng lưới phân phối rộng khắp, Thiên Long sẽ có nhiều thuận lợi tiếp cận khách hàng (cá nhân, tổ chức) khi nền kinh tế phục hồi.
Nền kinh tế của Việt Nam đã ghi nhận kết quả rất tốt, vượt kỳ vọng trong 3 quý cuối năm 2024 cùng với dòng vốn FDI không ngừng đổ vào Việt Nam trong vài năm gần đây sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sự sôi động trở lại của các doanh nghiệp SME cùng các hoạt động đầu tư, học tập.
Theo TPS, đây là những yếu tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của nhóm văn phòng phẩm, tăng trưởng mảng văn phòng trong nước được kỳ vọng khá cao trong giai đoạn 2023 – 2029 (8,37%).
Bên cạnh đó, tương lai xuất khẩu nhóm văn phòng phẩm của Thiên Long được kỳ vọng rất khả quan khi các thị trường xuất khẩu chính như Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Philippines, Cambodia, Lào và Châu Âu phục hồi trở lại sau khi xu hướng thực hiện chính sách nới lỏng lan rộng.