|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sớm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về vốn, cổ phần hóa tại Vinafood 2

05:05 | 11/02/2022
Chia sẻ
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh đã ghi nhận nỗ lực của Vinafood 2 thời gian qua và đề nghị Tổng công ty chủ động xử lý những khó khăn còn tồn đọng.
Sớm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về vốn, cổ phần hóa tại Vinafood 2 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh chủ trì buổi làm việc. Ảnh: http://cmsc.gov.vn/

Tại buổi làm việc với Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) vừa diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh đã ghi nhận nỗ lực của Vinafood 2 thời gian qua và đề nghị Tổng công ty chủ động xử lý những khó khăn còn tồn đọng.

Sớm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về vốn, cổ phần hóa tại Vinafood 2 - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: http://cmsc.gov.vn/

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, năm 2021 là năm vô cùng khó khăn do ảnh hưởng và những hệ lụy hết sức nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nhưng Vinafood 2 và cổ đông chiến lược đã khắc phục khó khăn về kinh doanh, tài chính, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn cán bộ nhân viên và người lao động, nhất là tham gia bình ổn giá lương thực.

Phó Chủ tịch Ủy ban đề nghị Vinafood 2 thực hiện tốt giải pháp nâng cao giám sát, đảm bảo vốn nhà nước sử dụng đúng mục đích, không thất thoát; đồng thời, các đơn vị liên quan của Ủy ban tiếp tục tham mưu để sớm giải quyết các vần đề còn tồn đọng về vốn, cổ phần hóa... tại Vinafood 2 trong thời gian tới.

Theo báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinafood 2, hợp nhất toàn Tổng công ty, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt hơn 410 triệu USD, nhập khẩu hơn 8,33 triệu USD; tổng doanh thu đạt hơn 16.797 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách gần 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2021, Vinafood 2 tiếp tục thua lỗ 200 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Huy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty lý giải việc thua lỗ này là do Tổng công ty thiếu vốn lưu động nên hoạt động kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay tín dụng, trong khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng còn hạn chế. Bên cạnh đó, Vinafood 2 phải chịu gánh nặng chi phí tài chính đối với phần vốn thiếu hụt không phục vụ hoạt động do xử lý tài chính.

Ngoài ra, thị trường năm 2021 diễn biến phức tạp, khó lường; tác động của dịch bệnh COVID-19 như hệ thống logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề, cước vận chuyển tăng đột biến; lưu thông hàng hóa hạn chế gây khó khăn trong thu mua, sản xuất, chế biến và hoạt động kinh doanh. Mặt khác, năng lực sản xuất, công nghệ chế biến lạc hậu… cũng làm ảnh hưởng đến giá thành dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu.

“Về tổ chức cán bộ, nhân sự lãnh đạo cấp cao trong những năm gần đây thay đổi liên tục, lãnh đạo các Ban chuyên môn và đơn vị phụ thuộc chưa được kiện toàn. Đặc biệt, bộ máy quản lý trong toàn Tổng công ty cồng kềnh, chồng chéo không hiệu quả; Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban điều hành Tổng công ty thiếu sự gắn kết, đồng thuận trong định hướng hoạt động và chậm trễ trong phối hợp xử lý công việc", ông Nguyễn Huy Hưng cho biết.

Khắc phục những tồn tại, năm 2022, Vinafood 2 tập trung vào 2 giải pháp quan trọng. Đó là củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức nhân sự toàn Tổng công ty theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý đoàn kết, thống nhất, đồng lòng vì sự phát triển chung của toàn Tổng công ty; tổ chức lại mô hình hoạt động từ chỗ phân tán sang tập trung ở các khâu tổ chức - tài chính - kinh doanh và đầu tư.

Đồng thời, Vinafood 2 sẽ sắp xếp, kiện toàn bộ máy tại các đơn vị phụ thuộc theo cơ chế khoán sản lượng, chi phí quản lý, chi phí hoạt động và tiền lương; tạm dừng hoạt động các chi nhánh chưa có phương án hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống kế toán, tài chính tập trung; thực hiện quản lý nguồn vốn, quản trị dòng tiền; tăng cường cạnh tranh, phân chia thị trường, điều phối hoạt động kinh doanh mua bán tại các đơn vị phụ thuộc.

Về đầu tư, quản lý tài sản sẽ tạm dừng hoặc đóng cửa đối với các nhà máy, xí nghiệp, chi nhánh hoạt động không hiệu quả; điều tiết, luân chuyển tài sản hợp lý giữa các đơn vị để tiết kiệm chi phí đầu tư; khai thác sử dụng tối đa tài sản được giao quản lý sử dụng.

Theo ông Nguyễn Huy Hưng, nếu thực hiện thành công các giải pháp này, năm 2022 sẽ tiết kiệm được khoảng 30 tỷ đồng các khoản chi phí quản lý; giảm 70 tỷ đồng chi phí khấu hao tài sản; thanh lý tài sản không dùng đến và thu hồi vốn về được khoảng 80 tỷ đồng. 

Dự kiến, Tổng công ty sẽ thu cổ tức từ các công ty cổ phần là 55,9 tỷ đồng; thu về 60 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại các công ty cổ phần có vốn góp của Tổng công ty.

Lê Phương