|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Số phận không suôn sẻ của những dự án dát vàng ở Hà Nội

15:20 | 19/06/2019
Chia sẻ
Được quảng cáo rầm rộ là những dự án dát vàng với tiêu chuẩn đẳng cấp siêu sang nhưng số phận của những dự án này lại không mấy suôn sẻ.

Một thập kỷ trở lại đây, Hà Nội liên tiếp xuất hiện những dự án dát vàng với giá bán căn hộ lên tới vài chục tỉ đồng/căn. Tuy nhiên, đến nay, một số dự án vẫn đang bỏ hoang, có dự án lại trong tình trạng ế khách. Những dự án đã đưa vào sử dụng thì vướng phải không ít vụ lùm xùm và tranh chấp.

Mới đây, chủ đầu tư dự án Golden Lake (7B, Giảng Võ) vừa công bố giá bán dự kiến căn hộ dát vàng vào khoảng 6.500 USD/m2. Tương đương với mỗi căn hộ có giá dao động từ 6,4 – 14 tỉ đồng.

ảnh 3

Trước khi chính thức về tay Công ty TNHH Hòa Bình, dự án Golden Lake từng bị "đắp chiếu" gần một thập kỷ. (Ảnh: Thu Hà)

Golden Lake được mệnh danh là khách sạn phủ vàng giữa Thủ đô, theo giới thiệu được thiết kế theo tiêu chuẩn 7 sao. Tuy nhiên, số phận của dự án này cũng khá long đong. Theo tìm hiểu, đây là dự án văn phòng làm việc được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng vào tháng 9/2009 cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Mefrimex. Tháng 11/2009, dự án chính thức được khởi công trên diện tích 2.237,5 m2 với quy mô 16 -19 tầng, trong đó có 4 tầng hầm.

Tuy nhiên, sau khi khởi công, dự án bị "đắp chiếu" gần 10 năm do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính.

Đến tháng 3/2018, chủ đầu tư Dự án bất ngờ có thông báo xin tiếp tục tổ chức triển khai thi công sau 10 năm im ắng, cùng với đó, công năng của tòa nhà cũng được đổi thành "Tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp – Hà Nội Golden Lake" và chủ đầu tư Dự án cũng được thay tên, là Công ty TNHH Hòa Bình.

Sau 6 tháng tạm dừng thi công để thực hiện các thủ tục chuyển đổi công năng từ văn phòng, nhà ở sang khách sạn, nhà ở thì công trình Tổ hợp khách sạn Hà Nội Golden Lake nằm bên bờ hồ Giảng Võ đang thi công trở lại sau khi được Hà Nội chấp thuận vào ngày 29/5 vừa qua.

ảnh 2

Dự án tọa lạc tại số 7B, ngay cạnh hồ Giảng Võ và nút giao giữa phố Nam Cao và phố Trần Huy Liệu (Ảnh: Thu Hà)


ảnh 2

Ghi nhận của PV ngày 19/6, dự án đang thi công để hoàn thành tiến độ. (Ảnh: Thu Hà)

ảnh 1

Một phần mặt tiền của dự án đã được dát vàng. (Ảnh: Thu Hà)

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông ông Nguyễn Hữu Đường – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH Hòa Bình tiết lộ sẽ bán tối thiểu 100 căn hộ tại dự án khách sạn Hà Nội Golden Lake với giá khoảng 300.000 USD/căn tương đương khoảng 6.500 USD/m2.

Ông Đường cho biết thêm, khoảng 5.000 m2 bề mặt bên ngoài của tòa nhà sẽ được ốp bằng gạch phủ vàng (tương đương khoảng 50.000 viên gạch), nội thất mạ vàng 24k và một bể bơi vô cực bốn mùa dát vàng ở độ cao khoảng 90 m.

Ngoài Golden Lake, ông chủ "Đường bia" hiện đang sở hữu 2 dự án dát vàng khác là Hòa Bình Green City (Hà Nội) và Hòa Bình Green Đà Nẵng.

Dự án Hòa Bình Green City là tổ hợp căn hộ chung cư cao cấp kết hợp trung tâm thương mại. Dự án được thiết kế với 2 tòa tháp cao 27 tầng, xây dựng trên diện tích đất 1,7 ha. Dự án do Công ty TNHH Hòa Bình (ông Nguyễn Hữu Đường giữ chức Chủ tịch HĐQT) và Công ty Cổ phần Nông sản Agrexim làm chủ đầu tư. Dự án được chào bán chính thức ra thị trường hồi đầu tháng 10/2011.

ảnh 4

Chung cư Hòa Bình Green City tọa lạc tại số 505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, được chủ đầu tư quảng bá là chung cư cao cấp với chất lượng 6 sao. (Ảnh: Thu Hà)

ảnh 5

Được mệnh danh là dự án dát vàng 6 sao đầu tiên ở Hà Nội nhưng cư dân Hòa Bình Green City từng không ít lần phải xuống đường căng băng rôn đòi sổ đỏ. (Ảnh: Thu Hà)

Mặc dù được quảng cáo là chung cư dát vàng tiêu chuẩn 6 sao hiếm hoi ở Hà Nội nhưng Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, Hai Bà Trưng) lại không ít lần vướng phải "lùm xùm". Cụ thể, dự án này từng bị "tuýt còi" vì xây dựng không phép, bị tố thi công làm nứt nhà dân, chủ đầu tư không chịu bàn giao trả sổ đỏ và quỹ bảo trì cho cư dân,…

Còn dự án Hòa Bình Green Đà Nẵng của ông chủ "Đường bia" cũng từng vướng phải lùm xùm hồi năm ngoái khi nợ khoảng 600 triệu đồng tiền lương của công nhân. Thời điểm đó, có không ít công nhân đã đến vây tòa nhà để đòi chủ đầu tư tiền lương.

D'.Palai de Louis được Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng là một trong những dự án dát vàng đình đám một thời ở Hà Nội. Được khởi công xây dựng vào năm 2009 với tuyên bố chất lượng hạng sang, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều chi tiết được dát vàng 24K nhưng số phận của dự án này cũng không gặp suôn sẻ.

ảnh 6

Dự án chung cư cao cấp D'.Palai de Louis do Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư. Dự án này từng gây chú ý bởi giá bán căn hộ đắt đỏ. (Ảnh: Thu Hà)

Dự án được xây dựng quy mô 27 tầng cao và 4 tầng hầm, nằm trên diện tích đất là 4.791 m2, tổng số 242 căn hộ. Có nghĩa, người mua phải bỏ ra 13-27 tỉ đồng (1,3 triệu USD) để sở hữu căn hộ. Khách mua các căn penthouse tại đây thậm chí phải trả khoảng 100 tỉ đồng.

Thời điểm mở bán, mỗi m2 căn hộ được rao bán với giá trên 145 triệu đồng. Như vậy, để sở hữu, khách hàng sẽ phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng. Dự án này bị chậm tiến độ khá lâu so với thời gian ban đầu chủ đầu tư tuyên bố.

Sau đợt mở bán đầu tiên vào năm 2011, dự án D'. Palais de Louis đã có 60 khách hàng đặt cọc, đăng ký mua (chiếm khoảng một phần tư dự án). Tuy nhiên, do không thể bàn giao nhà đúng cam kết (năm 2015) nên tháng 12/2014, chủ đầu tư quyết định trả tiền (gồm cả lãi) cho những người không muốn tham gia mua dự án.

Trong giai đoạn thị trường BĐS khó khăn thời kỳ đó, Tân Hoàng Minh đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh khi mở bán lần 2 dự án này với 3 loại căn hộ với 3 mức giá khác nhau, mức giá thấp nhất là 60-65 triệu đồng/m2 đối với căn hộ bàn giao thô, 80-85 triệu đồng/m2 đối với căn hộ có nội thất cơ bản, 120-125 triệu đồng/m2 với căn hộ đầy đủ nội thất. Tới nay, số lượng căn hộ được bán tại dự án này vẫn là điều bí mật.

Dự án Habico Tower do CTCP Hải Bình làm chủ đầu tư tuy không được quảng cáo là dự án dát vàng nhưng cũng được giới thiệu là dự án cao cấp với căn hộ đắt nhất Việt Nam. Dự án có vốn đầu tư vào khoảng 220 triệu USD, giá trị căn hộ rẻ nhất là 21 tỉ đồng, cao nhất là 85 tỉ đồng. Vào thời điểm đó, mức giá này thực sự đã gây sốc trên thị trường bất động sản.

Dự án có tên thương mại Habico Tower (Tòa tháp Habico), tọa lạc trên tuyến đường huyết mạch Phạm Văn Đồng, được khởi công vào tháng 3/2008. Tuy nhiên, tháng 5/2011, khi nhà thầu dự án tiến hành căng cáp dự ứng lực tại sàn tầng 9 khối căn hộ thì xảy ra sự cố bê tông sàn bị phá hủy dẫn đến việc ngừng thi công vô thời hạn của Habico Tower.

Trước đây, chủ đầu tư khẳng định tòa nhà sẽ sử dụng toàn bộ nội thất và hệ thống thiết bị thông minh nổi tiếng thế giới đến từ Đức, Nhật, Hàn Quốc. Đặc biệt, căn hộ ở đây còn có phòng Panic Room có chức năng bảo vệ, là phòng tuyến cuối cùng của chủ căn hộ, được thiết kế chống cháy, ngăn khói bảo đảm an toàn trước súng đạn, hỏa hoạn…

Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chỉ là khối bê tông 9 tầng nằm bất động trên đường Phạm Văn Đồng, ngày ngày chứng kiến sự thay da đổi thịt của tuyến đường này.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Hà

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.