|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sở hữu của 20 cổ đông lớn nhất tại Vinamilk giảm nhẹ

15:51 | 20/03/2024
Chia sẻ
Tổ chức sở hữu ít nhất trong danh sách 20 cổ đông lớn nhất của Vinamilk cuối năm ngoái có gần 7,3 triệu cổ phiếu, với giá thị trường khi đó là 485 tỷ đồng.

Theo báo cáo thường niên mới ra mắt, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) tiếp tục công bố danh sách 20 cổ đông nắm giữ lượng cổ phần lớn nhất tính đến 31/12/2023.

Tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông tổ chức này là hơn 1,6 tỷ cổ phiếu, tương đương 76,9% vốn công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu này đã giảm về mức thấp nhất kể từ khi công bố danh sách. 

Trong Top20 này, tổ chức nắm giữ ít nhất là Goverment of Singapore với 7,27 triệu cổ phiếu VNM, tương đương với 0,35% cổ phần. Lượng cổ phần này tính theo thị giá cuối năm ngoái là vào khoảng 485 tỷ đồng. 

Ở ba năm trước đó có cùng quy mô vốn điều lệ, để lọt danh sách cổ đông này, tổ chức thấp nhất phải nắm giữ khoảng 8 triệu cổ phiếu (giá trị cổ phiếu khoảng 550 - 750 tỷ đồng). 

 Nguồn: HL tổng hợp.

Nhà đầu tư lớn nhất tại Vinamilk vẫn là SCIC với sở hữu 36%. Nhóm cổ đông ngoại F&N Dairy (liên quan đến Thaibev) nắm giữ 20,39% và Platinum Victory (thuộc JC&C) có 10,62% cổ phần. Hai nhóm cổ đông lớn này duy trì tổng sở hữu khoảng 67%. 

Ngoài cổ đông nhà nước và nhà đầu tư chiến lược trên, Vinamilk còn là điểm đến của nhiều tổ chức đầu tư chuyên nghiệp khác. Nhóm còn lại trong top 20 thường có sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu và vị thế trong danh mục. 

Chẳng hạn, Fubon FTSE trở thành nhà đầu tư lớn thứ 5 tại doanh nghiệp sữa khi tăng tỷ lệ sở hữu lên 1,28% vốn (từ mức 1,04%) trong năm ngoái. Quỹ Vanguard gia tăng từ mức 0,8% lên 1,05%. Vaneck Vietnam ETF tăng từ 0,41% lên 0,72%. Norges, KIM Vietnam, Pzena, Invesco lọt vào danh sách. 

Ở chiều ngược lại, Schroder Fund thoái vốn từ mức 1,07% (khoảng 22,3 triệu cổ phiếu VNM) ra khỏi danh sách. Tương tự là Umbrella Fund (sở hữu gần 20 triệu cổ phiếu) hay Prudential Vietnam (sở hữu 14,5 triệu cổ phiếu) đã bán mạnh và không còn thuộc top 20.

Quỹ của Citigroup bán ra hơn 10 triệu cổ phiếu trong năm ngoái để giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,9% về còn 0,41%. BL hạ tỷ lệ sở hữu từ 0,86% xuống 0,43%, Merrill Lynch bán từ 0,67% về 0,45%, Mawer Global giảm từ 0,68% về 0,46%... 

 Danh sách 20 cổ đông lớn nhất tại Vinamilk cuối năm 2023. Nguồn: Vinamilk.

Nhìn chung các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có xu hướng bán ròng cổ phiếu của Vinamilk không chỉ trong năm 2023 mà còn đang kéo dài đến năm 2024.

Tính đến hết ngày 19/3, VNM là mã chứng khoán bị khối ngoại rút ròng mạnh nhất trên sàn chứng khoán, với giá trị 2.764 tỷ đồng thông qua kênh khớp lệnh từ đầu năm 2024. Kể từ khi đảo chiều tháng 10 năm ngoái, khối ngoại đã bán ròng 5 tháng liên tiếp trên cổ phiếu này. 

Áp lực từ khối ngoại là một trong những nguyên nhân khiến Vinamilk chưa có sóng dài. Cổ phiếu này đứng tại mức 67.800 đồng/cổ phiếu (19/3), nhích nhẹ 1,6% so với thời điểm đầu năm. 

Giá trị vốn hóa thị trường theo đó đạt khoảng 141.000 tỷ đồng (5,7 tỷ USD), rời khỏi top 10 cổ phiếu niêm yết giá trị nhất sàn chứng khoán. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh cao đầu năm 2018 khi giá trị vốn hóa lúc đó đạt hơn 10 tỷ USD. 

Nguyên nhân khối ngoại ít mặn mà với cổ phiếu VNM có thể đến từ bài toán tăng trưởng kinh doanh vẫn chưa có lời giải. Vinamilk đã bị chững lại sau khi quy mô doanh thu chạm mốc 60.000 tỷ đồng và lãi ròng vượt mức 10.000 tỷ đồng. 

Doanh nghiệp sữa đầu ngành sau đó tìm nhiều phương án mới để cải tổ hoạt động kinh doanh, bao gồm cả M&A, tăng xuất khẩu, mở rộng ngành hàng mới hay tiếp cận đối tượng khách hàng mới...

Tình hình kinh doanh trong năm 2023 đã bắt đầu khả quan khi có sự hồi phục trở lại. Công ty ghi nhận tổng doanh thu đạt 60.479 tỷ đồng, tăng 404 tỷ đồng so với cùng kỳ và hoàn thành 95% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 9.019 tỷ đồng, tăng 472 tỷ đồng so với cùng kỳ và vượt kế hoạch 5%.

Bước sang năm 2024, CEO Mai Kiều Liên tin rằng doanh thu và lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng trưởng. Vinamilk ưu tiên phục hồi thị phần và doanh số bán hàng, tối ưu ngân sách để phát triển thị trường, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ.     

Hiện Vinamilk có 14 trang trại trong nước với đàn bò 40.000 con và 6.000 đối tác nông hộ độc quyền sở hữu 100.000 con bò, lớn nhất Việt Nam. Công ty sở hữu hệ thống 190.000 điểm bán truyền thống và 8.000 điểm bán hiện đại.

Huy Lê

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.