|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Siêu dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn hơn 5 tỷ USD sẽ đi vào hoạt động giữa năm 2023

10:43 | 03/02/2023
Chia sẻ
Theo kỳ vọng, với sự đóng góp thêm của mảng hóa dầu đi vào hoạt động, doanh thu của Tập đoàn SCG từ Thái Lan sẽ tăng trưởng 10% năm 2023, tức 627 triệu baht.

Ảnh tư liệu: Alex Chu.

Tờ Bangkokpost dẫn lời ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc của The Siam Cement Group (Tập đoàn SCG), dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn tại Việt Nam sẽ bắt đầu vận hành thương mại vào giữa năm 2023. Đây cũng sẽ là nguồn doanh thu chính, đóng góp 10% trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn trong năm nay.

Năm 2022, SCG ghi nhận tổng doanh thu 570 triệu baht, tăng 7% so với năm 2021, nhờ ba mảng chính là bao bì, xi măng và vật liệu xây dựng. Theo kỳ vọng, với sự đóng góp thêm của mảng hóa dầu, doanh thu của tập đoàn sẽ tăng trưởng 10% năm 2023, tức 627 triệu baht.

Kế hoạch đầu tư của SCG năm nay cho thấy, tập đoàn sẽ dành 40 - 50 tỷ baht, trong đó khoảng 50% là rót vốn vào tổ hợp Hóa dầu Long Sơn cũng như những dự án tại Thái Lan và nước ngoài. 

Nói thêm, The Siam Cement Group (Tập đoàn SCG) là một trong những tập đoàn lớn nhất tại Thái Lan hoạt động trên ba mảng chính là vật liệu, hoá chất và bao bì.

SCG bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1992 và từng bước thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành nhựa, từ hạ nguồn cho đến thượng nguồn, khép kín chuỗi giá trị ngành tại Việt Nam.

Với hạ nguồn, SCG đầu tư trực tiếp cũng như thâu tóm các doanh nghiệp nhựa đầu ngành của Việt Nam như Nhựa Duy Tân, Nhựa Bình Minh (Mã: BMP), Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) - top 5 công ty lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm bao bì,...

Chiến lược thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành trong chuỗi giá trị trong ngành nhựa tại Việt Nam được hậu thuẫn bởi mắt xích quan trọng ở thượng nguồn là Tổ hợp hóa dầu Long Sơn có tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD, được nhận quyết định đầu tư vào năm 2008 và được khởi công tháng 2/2018.

Dự án nằm tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được đầu tư trên diện tích khoảng 464 ha và 194 ha mặt nước cho cảng biển.

Đây là tổ hợp hoá dầu được tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin lên tới 1,6 triệu tấn/năm và được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hoá dầu, bao gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác, công suất hơn 2 triệu tấn/năm. Các sản phẩm này có thể giúp thay thế các sản phẩm polyolefins hiện đang phải nhập khẩu.

 Vị trí dự án Hóa dầu Long Sơn. (Ảnh: bariavungtau.city.vn).

Minh Hằng