|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhà đầu tư Thái Lan đã mua 71% tổ hợp hóa dầu Long Sơn

20:34 | 29/07/2017
Chia sẻ
Tập đoàn SCG (Thái Lan) đóng góp 71% cổ phần tại tổ hợp hoá dầu Long Sơn sau khi mua lại 25% cổ phần từ Tập đoàn Qatar Petroleum International.
nha dau tu thai lan da mua 71 to hop hoa dau long son

Tổ hợp hoá dầu Long Sơn sẽ tăng vốn đầu tư lên 5,4 tỷ USD, thay vì 3,7 tỷ USD như ban đầu.

Trong thông tin mới phát đi, ông Roongrote Rangiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn SCG (Thái Lan) cho biết, gần đây, tập đoàn đã thông qua khoản đầu tư vào tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam - Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn (LSP).

"Đây là dự án liên doanh cùng với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) có tổng giá trị đầu tư lên đến 5,4 tỷ USD, trong đó SCG đóng góp 71% cổ phần sau khi mua lại 25% cổ phần từ Tập đoàn Qatar Petroleum International. Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng trong 4 năm rưỡi và bắt đầu hoạt động thương mại vào khoảng nửa đầu năm 2022”, ông Roongrote cho biết.

Với giá trị lên tới 5,4 tỷ USD, đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của SCG tại ASEAN. Đến nay, SCG đã đầu tư 30 tỷ baht (khoảng 20,4 nghìn tỷ đồng) vào dự án tổ hợp hoá dầu Long Sơn, chủ yếu để mua quyền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng.

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của SCG cho biết, tổ hợp lọc hóa dầu này sẽ là một trong số những khoản đầu tư lớn nhất của tập đoàn tại ASEAN.

Tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam khởi công từ năm 2008 nhưng do đối tác từ Qatar xin rút lui nên 8 năm qua, dự án trong tình trạng “ngủ đông”. Tuy nhiên, hồi cuối năm ngoái, sau khi phía Qatar rút lui, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có yêu cầu phía PVN điều chỉnh nâng tỷ lệ vốn tại công ty TNHH Hoá Dầu Long Sơn lên 29%.

Tổ hợp có tổng diện tích trên 460ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn; trong đó, 398 ha xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến đạt 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm, sử dụng nguồn khí Etan trong nước), 66 ha đất xây dựng cảng.

Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: bao bì, tơ sợi, ôtô, điện tử… Các sản phẩm của nhà máy dự kiến sẽ thay thế các sản phẩm nhập khẩu ở Việt Nam. Dự án có tỷ lệ hoàn vốn nội bộ ở khoảng 13-14%.

Liên quan tới dự án tổ hợp hoá dầu Long Sơn, tại buổi làm việc với Tổ công tác Chính phủ diễn ra đầu tháng 7, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng Giám đốc PVN cho biết, những vướng mắc về cơ chế bão lãnh cũng đang khiến dự án này chưa thể khởi công dù cho đến nay mọi điều kiện cuối cùng đã chuẩn bị xong.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, PVN chỉ có thể cấp bảo lãnh vốn vay cho công ty con mà Tập đoàn nắm giữ phần vốn từ 51% trở lên, trong khi PVN chỉ nắm giữ 29% vốn tại công ty con tham gia dự án Long Sơn. Trong khi đó, PVN và SCG dự kiến vay vốn ngân hàng 3,2 tỷ USD trong tổng số 5,4 tỷ USD cho dự án này và sẽ góp phần còn lại từ vốn tự có.

Một vướng mắc khác, việc chưa phê duyệt phương án giá khí Lô B cũng đang khiến thời gian thỏa thuận với đối tác nước ngoài bị kéo dài.

Phương Dung