|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Siết chặt quy định về ví điện tử

13:22 | 23/05/2024
Chia sẻ
Nghị định yêu cầu các tổ chức cung cấp ví điện tử phải có nhân sự quản lý bằng đại học, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và có người đại diện cư trú tại Việt Nam.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định quy định rõ các dịch vụ trung gian thanh toán và điều kiện cung ứng dịch vụ. Các dịch vụ thanh toán được liệt kê gồm dịch vụ chuyển mạch tài chính, quốc tế, bù trừ điện tử, ví điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ và cổng thanh toán điện tử.

 Các mã QR thanh toán liên kết qua ví điện tử được trưng tại các quầy thanh toán của cửa hàng. (Ảnh: Thành Vũ).

Liên quan đến ví điện tử, Nghị định nêu rõ tổ chức không phải ngân hàng, muốn cung ứng dịch vụ này, phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Đồng thời quy định vốn điều lệ tối thiểu cho doanh nghiệp cung cấp ví điện tử là 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, các tổ chức này phải có nhân sự quản lý bằng đại học, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và có người đại diện cư trú tại Việt Nam. Yếu tố kỹ thuật cũng được xem trọng khi Nghị định quy định các tổ chức nói trên phải đảm bảo an toàn thông tin cấp độ 3.

Theo báo cáo của FiinGroup, tính đến cuối năm ngoái, có 36 triệu ví điện tử hoạt động tại Việt Nam. Giai đoạn 2018-2023, số lượng và giá trị giao dịch thông qua ví điện tử liên tục đạt mức tăng trưởng hai con số, với tốc độ hàng năm lần lượt là 80,4% và 83,5%. Còn theo nền tảng dữ liệu Statista, năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á về lượng ví điện tử, sau Indonesia và Philippines.

 

Giải thích động lực tăng trưởng này, theo báo cáo phát hành năm 2023 của Nextrans Vietnam, có hai yếu tố.  Đầu tiên, Việt Nam có lợi thế về nhân khẩu học, với hơn 70,3% dân số có truy cập internet. Hơn nữa, dự báo cho thấy rằng đến năm 2028, số lượng người sở hữu điện thoại thông minh sẽ vượt quá 74 triệu, chiếm hơn 85% dân số. Với lượng sở hữu điện thoại thông minh rộng rãi, sẽ giúp mọi người dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại và tiện lợi.

Theo Khảo sát Thái độ Thanh toán Tiêu dùng của Visa năm 2022, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực về thái độ tích cực đối với thanh toán không dùng tiền mặt, cho thấy sự phát triển nhanh chóng của việc sử dụng thanh toán kỹ thuật số.

Sự tích hợp công nghệ tiên tiến đã tăng khối lượng giao dịch thanh toán kỹ thuật số, tăng hơn 60% trong 9 tháng đầu năm 2023, nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ, đầu tư từ các ngân hàng và sự phổ biến của mã QR. Xu hướng này được dự đoán sẽ tăng tốc khi ngân hàng nhà nước thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở các khu vực nông thôn.

Thành Vũ