|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Siết cấp phép xây condotel, cơ hội thanh lọc doanh nghiệp yếu kém

14:12 | 13/09/2020
Chia sẻ
Sau thời kì hoàng kim, thị trường condotel đang trong giai đoạn chững lại. Động thái mới đây của Bộ Xây dựng được đánh giá sẽ phần nào tác động đến doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Siết cấp phép xây condotel, cơ hội thanh lọc doanh nghiệp yếu kém - Ảnh 1.

Thị trường condotel đang chững lại. (Ảnh: FLCHomes)

Trong khi nguồn cung căn hộ tại các TP lớn như Hà Nội và TP HCM đang trở nên khan hiếm thì lượng condotel tồn kho lên đến hàng nghìn căn.

Theo thống kê của DKRA từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Quốc, vẫn còn gần 5.000 căn condotel chưa được tiêu thụ tính đến nửa đầu năm nay. 

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cân nhắc việc cấp mới các thủ tục pháp lí cho phép đầu tư xây dựng một số loại hình bất động sản mới như condotel, officetel, shophouse.

Nguyên nhân theo Bộ Xây dựng là do quá trình đầu tư xây dựng, vận hành các công trình có loại hình BĐS nêu trên vẫn còn một số vấn đề tồn tại liên quan đến việc tính toán dân số, pháp lí, vận hành,..

Tin vui cho chủ đầu tư đã có giấy phép

Liên quan đến động thái mới của Bộ Xây dựng, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, đây có thể là một tin vui cho các chủ đầu tư đã có giấy phép xây dựng.

"Điều này là hiển nhiên vì sẽ giúp hạn chế nguồn cung, khi đó các dự án condotel được cấp giấy phép sẽ thuận lợi hơn trong việc quảng cáo, bán hàng.

Tuy nhiên, số căn condotel đã ra hàng hiện nay đã lên tới vài chục nghìn căn, chưa kể nhiều người đang muốn thoát hàng. Do đó, nếu khách hàng tăng mua sẽ có người bán ra, có thể sẽ không thiếu nguồn cung", TS Đinh Thế Hiển cho hay.

Còn đối với khách hàng, việc siết cấp phép sẽ khiến không ít người lo ngại. Chuyên gia kinh tế ví dụ, với các mặt hàng tiêu dùng cụ thể như xe hơi nhập khẩu, sữa hộp,... nếu bị siết thì lập tức sẽ khiến khách hàng lo ngại về việc thiếu hàng và tăng mua. Do đó, người kinh doanh đang có hàng sẽ bán "sướng tay", thậm chí còn tăng giá.

Còn với loại hình BĐS cụ thể như condotel, việc siết cấp phép sẽ tạo ra mối lo ngại về tính pháp lí của loại hình này. Trong khi thời gian gần đây, thông tin về loại hình này khá xấu.

Cơ hội thanh lọc doanh nghiệp yếu kém

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARs) đánh giá, condotel là một sản phẩm lưu trú rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch theo chiến lược mà Thủ tướng đã phê duyệt.

"Để đáp ứng được nhu cầu theo chiến lược của Thủ tướng, Việt Nam cần rất nhiều dự án lưu trú như condotel. 

Tuy nhiên, việc triển khai loại hình này cần có lộ trình và theo từng giai đoạn. Bởi theo thống kê của hiệp hội, những dự án condotel được cấp phép và đang triển khai đã tăng lên một con số khá lớn", ông Đính cho biết.

Theo vị chuyên gia này, động thái của Bộ Xây dựng là cần thiết. Bởi nếu cứ cho phát triển một cách ồ ạt và dồn dập sẽ gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung như hiện nay.

Chưa  kể, theo ông Đính, trên thị trường đang còn rất nhiều dự án dở dang và chuẩn bị triển khai. 

Nếu trong một, hai năm tới mà phát triển hết lượng dự án này, tình trạng lệch pha cung cầu sẽ là tất yếu. Điều này gây lãng phí nguồn tài nguyên và ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Ngoài ra, theo ông Đính, trong việc rà soát khâu cấp mới chắc chắn sẽ rà soát cả những chủ đầu tư đã triển khai dự án. Đây cũng là cơ hội để thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém.

"Quan trọng nhất vẫn là phải có sự tham gia của các nhà đầu tư bởi nếu không, doanh nghiệp sẽ buộc phải tính đường khác như  bán hay chuyển nhượng dự án...", Phó Chủ tịch VARs nhấn mạnh.

Liên quan đến việc dòng vốn đầu tư rót vào loại hình này bị chậm lại, ông Đính đã dẫn ra một số nguyên nhân.

Thứ nhất, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động đến thị trường chung chững lại. Thứ hai, vụ việc Cocobay Đà Nẵng xảy ra vừa qua đã làm tăng tâm lí e ngại cho các nhà đầu tư. 

Thứ ba, liên quan đến vấn đề pháp lí, mặc dù các bộ ngành cũng đã có văn bản hướng dẫn liên quan đến condotel nhưng vẫn chưa đủ.

"Đối với các nhà đầu tư, việc không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến họ có tâm lí lo ngại. Chỉ khi khẳng định được quyền sở hữu mới dễ định đoạt tài sản, trong trường hợp cần tiền còn có thể chuyển nhượng,...", ông Đính nói.

Vì vậy, theo vị chuyên gia này, để giải quyết bài toán trên, các địa phương cần xem xét sự cần thiết của việc phát triển dự án và đáng giá năng lực của các doanh nghiệp. 

Nếu một chủ đầu tư không có năng lực, đặc biệt là năng lực trong khai thác, quản lí vận hành thì không nên cấp phép.

"Các nhà đầu tư cần có những đánh giá kĩ càng để lựa chọn những dự án có vị trí tốt, có tiềm năng khai thác kinh doanh tốt và được phát triển bởi các chủ đầu tư có năng lực, uy tín trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng", ông Đính cho hay.

Theo Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cả nước hiện có khoảng 82.900 căn condotel, 28.100 căn resort villa, 15.660 căn shophouse.

Trong đó, các dự án condotel tập trung chủ yếu tại các địa phương có thế mạnh du lịch như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu,… với tổng nguồn vốn đầu tư vào các dự án ước khoảng 100.000 tỉ đồng.

Còn số liệu từ Bộ Xây dựng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 10.812 căn condotel được cấp phép. Tính riêng trong quí II, số căn condotel được cấp phép ghi nhận 6.300, tăng gần 40% so với quí I.

Hà Lê