Shark Phú: Thị trường đang khó khăn, đây là cơ hội để thâu tóm với giá rẻ
Trong tháng đầu năm nay, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã lên tới gần 43.900 doanh nghiệp, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn nhiều so với doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, dự báo đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể đến hết quý I, thậm chí đến hết quý II/2023… Do đó, để ứng phó với bối cảnh này, các doanh nghiệp cần đưa ra những kịch bản chi tiết, đối sách hợp lý để có thể tiếp tục trụ vững và phát triển trong thời gian tới.
Cơ hội ngược dòng
Nói về vấn đề này, tại toạ đàm mới đây, ông Nguyễn Xuân Phú, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, cho rằng: “Sẽ không có một nhận định nào đúng cho tất cả, song trong hoàn cảnh nào thì cũng có ba lời khuyên chung và tùy thuộc vào nội lực từng doanh nghiệp”.
"Nếu anh là doanh nghiệp mà có dư năng lực trong lúc này thì đây là cơ hội, vì thị trường đang khó khăn, nhiều người không trụ được, và đó là thời cho mình đi mở rộng, thâu tóm thị trường với giá rẻ nhất.
Ngược lại, những doanh nghiệp do trước đây mình bung tiền quá tay, lúc này sức mỏng thì cần phải dự báo khó khăn đến bao giờ, ước nguồn lực để tồn tại, nếu không thể đi tiếp được thì phải cắt bỏ bớt những "chân phụ" ngay lập tức để trang trải, vượt qua giai đoạn khó khăn. Còn lại một loại doanh nghiệp đang ngắc ngoải, tức là cân đi cân lại thì phải cắt bỏ hết chỉ giữ lại một số trụ chính, để chờ cơ hội phục hồi", ông Phú nhận định.
Vị Chủ tịch Sunhouse nhấn mạnh: "Thời nào cũng vậy, việc muốn ổn định trong mọi giai đoạn, điều then chốt nhất là phải quản trị doanh nghiệp, khi ấy chúng ta sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực một cách hiệu quả nhất.
Khó nhất là làm thế nào có thể huy động được tiền trong lúc khó khăn? Thì nó nằm ở uy tín, mọi doanh nghiệp đều phải coi chữ tín là kim chỉ nam thì mới có khả năng huy động tiền trong lúc khốn đốn, mà khi lúc khó khăn có tiền thì mọi việc đều được giải quyết hết, đó là lời khuyên của tôi”.
Đồng quan điểm với ông Phú, ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Hà Nội cho biết ba năm trước khi dịch COVID-19 bùng phát, ông Phú cũng từng chia sẻ như vậy. “Tôi còn nhớ khi ấy, anh Phú cũng phân tích như cách chia sẻ với anh em hôm nay, rõ ràng chiến lược doanh nghiệp vô cùng quan trọng, nghe lời khuyên từ anh Phú, tôi thấy rất nhiều cơ hội sáng và đã họp lại anh em trong công ty để quyết định làm chiến lược tấn công, đây là một câu chuyện có thật”.
Ông Nam nói rằng: “Từ lúc doanh nghiệp cả hệ thống chỉ có 4.000 tỷ, đến năm 2022, hệ thống của tôi đã tăng lên gấp 250 lần, tất nhiên logistics là mảnh đất đầy tiềm năng nên có cơ hội rất nhiều.
Những buổi tọa đàm như thế này cực kỳ có giá trị, giúp chúng ta có bức tranh tổng thể về những khó khăn của thị trường và liên hệ cho chúng ta trong năm 2023 sẽ phải làm gì”.
Nhìn thấy thị trường ngách
Chia sẻ kinh nghiệm vượt khủng hoảng, ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM, CEO CTCP Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận, kể lại câu chuyện năm 2020-2021, khi thành phố giãn cách nghiêm ngặt 4 tháng, toàn thị trường của trang sức rớt 36%, song PNJ vẫn tăng trưởng 11%.
"Vì chúng tôi tìm ra những khe hở của thị trường, đó là câu chuyện về tái tạo doanh nghiệp, cả thị trường giảm xuống, điều đó có nghĩa nếu muốn tăng lên thì chúng tôi phải tìm thị trường mới mà trước giờ chúng tôi chưa nhìn thấy và bằng mọi cách lấy thị phần đó về", ông Thông lý giải.
CEO PNJ cho rằng, phải giải quyết bài toán năng lực. ”Trước kia chúng tôi bán những gì chúng tôi sản xuất, do đó tập trung vào độ chính xác, tuân thủ tuyệt đối, nhưng khi chuyển qua bán lẻ chuyên nghiệp thì phải chuyển hướng vào cảm xúc.
Thị hiếu của khách hàng, nói cách khác, tư duy của người sản xuất và tư duy của người bán lẻ khác nhau nên chúng tôi phải chuyển biến nhanh để tăng thêm thị phần ngay trong "mùa gió ngược”, ông Thông chia sẻ.