Hà Nội 15 °C | 02:10AM, 10/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sếp tổng FPT hiến kế để mang nhiều đô la về cho Việt Nam

21:03 | 02/02/2023
Chia sẻ
Năm 2023, FPT dự kiến sẽ xuất khẩu 25 triệu chip vi mạch sử dụng trong y tế và IOT.

Cán mốc doanh thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT nhận định năm 2022 là một năm khó khăn, đặc biệt với nền kinh tế toàn cầu biến động liên tục. “Chúng tôi thường nói với nhau rằng đây là những biến động hàng ngày, chứ không phải là hàng tháng hay hàng quý”, ông Khoa nói trong một buổi toạ đàm do báo Chính phủ tổ chức ngày 2/2.

Theo ông Khoa, đây là năm FPT phải nỗ lực nhiều hơn năm COVID-19 (2021), một số hoạt động: kết nối giao thương tại một số vùng lãnh thổ, quốc gia,… bị rất nhiều hạn chế. Đặc biệt ở những nước COVID-19 đã đi qua nhưng di chứng để lại rất khó khăn, từ việc cấp visa, hẹn họp với các tập đoàn lớn đến triển khai, cung cấp các giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số,… rất khó.

Tuy nhiên, với những nỗ lực đó, theo vị CEO, FPT đã hái được quả ngọt. Quả ngọt đầu tiên là FPT đã cán mốc 60.000 nhân viên. Nhân viên thứ 60.000 của tập đoàn là một bạn nhân viên là về phần mềm, người Nhật.

 CEO FPT Nguyễn Văn Khoa. (Ảnh: FPT).

Điểm thứ hai là FPT đã ký được hợp đồng dấu mốc, khi đạt giá trị 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài. “Đây là minh chứng về trí tuệ và chất xám của người Việt Nam chúng ta, vươn ra toàn cầu đã tạo ra những dấu ấn rất đặc biệt. 

Và đặc biệt trong năm 2022, khi mọi thứ rất khó khăn, FPT nói riêng hay Việt Nam chúng ta đã vượt qua những tên tuổi lớn trong làng công nghệ thông tin như Ấn Độ hay một số đơn vị đến từ châu Âu để thắng một số hợp đồng rất lớn. Và chúng ta đã đem về cho Việt Nam 1 tỷ USD bằng chất xám của người Việt”, ông Khoa chia sẻ.

Theo chia sẻ, khối công nghệ thông tin của FPT ở trong nước cũng cán mốc 1 tỷ USD về doanh số. Chính vì những điểm này đã tạo ra tốc độ tăng trưởng cho FPT. FPT tăng trưởng 23% về doanh thu, và 20,8% về lợi nhuận so với năm 2021.

“Một lần nữa, điều này khẳng định rằng trong lúc càng khó khăn thì sức bật nội lực của chúng ta càng mạnh. Một điểm hay nữa là năm 2022, FPT cán mốc 200 sản phẩm Made in Vietnam, do người Việt Nam làm ra.

Trong đó có rất nhiều sản phẩm được thế giới công nhận. Chúng tôi đã mang sản phẩm đó ra bên ngoài và các tập đoàn lớn công nhận, sử dụng”, ông Nguyễn Văn Khoa nói.

Làm chuyển đổi số cho thế giới

Theo ông Khoa, một điểm sáng nữa của FPT trong năm qua là doanh thu về chuyển đổi số. Năm vừa qua FPT đạt doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng từ chuyển đổi số trong cả thị trường trong nước và nước ngoài. Vị CEO nói rằng câu chuyện 7.000 tỷ đồng chỉ là con số thôi, chưa đầy đủ. Câu chuyện đầy đủ hơn phải nói về động lực cả trong nước và quốc tế đang tạo ra một thị trường về chuyển đổi số vô cùng lớn. 

“Tôi nhận ra một điểm sáng ở Việt Nam như thế này. Đó là rất nhiều doanh nghiệp Việt, đặc biệt doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty điện lực TP HCM, năm vừa rồi họ đã đạt được giấy chứng nhận chuyển đổi số của Bộ TT&TT. Điều này cho thấy là không chỉ doanh nghiệp ngoài quốc doanh mà ngay cả các tập đoàn lớn quốc gia cũng đang hướng đến câu chuyện chuyển đổi số rất rõ”, ông Khoa nói.

Ông kể, ngoài ra có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Tôi lấy ví dụ như là trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi đã ký với Công ty Ba Huân. Có lẽ rằng có rất nhiều công ty làm nông nghiệp lớn ở Việt Nam, nhưng vừa lớn, vừa có câu chuyện lại có bề dày lịch sử như Ba Huân là rất khó. 

Thực ra Ba Huân không phải là doanh nghiệp có doanh thu quá lớn. Nhưng Ba Huân có một cái làm chúng tôi hết sức thấy đặc biệt là, trong giai đoạn COVID-19 tại TP HCM, Ba Huân đã không tăng giá trứng, vẫn giảm giá thậm chí sản xuất ra nhiều trứng hơn nữa để cung cấp cho bà con. 

Trong thời gian đó, chúng tôi vẫn làm với Ba Huân để thúc đẩy chuyển đổi số. Dự án Ba Huân sẽ đi vào hoạt động trong tháng 6/2023. Đây là một điểm nhấn cho thấy doanh nghiệp Việt Nam cũng đang bắt nhịp với câu chuyện chuyển đổi số.

Xuất khẩu chip vi mạch ra toàn cầu

CEO Nguyễn Văn Khoa nói rằng năm 2022, FPT đã đưa Việt Nam lên bản đồ sản xuất chip thế giới. “Tôi nghĩ đây là một điểm nhấn rất lớn. Chúng tôi đã cho ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên để ứng dụng trong lĩnh vực y tế, IOT,… Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp khoảng 25 triệu chip này ra toàn cầu”, ông Khoa cho biết.

FPT xác định năm 2023 Việt Nam nói chung và FPT nói riêng còn nhiều khó khăn nhưng tập đoàn sẽ đi tìm cơ hội trong lúc mọi thứ khó khăn. “Như chúng tôi hay nói rằng “trong nguy có cơ” và chúng tôi phải tìm bằng được cơ hội ấy”, vị CEO khẳng định.

 Chip vi mạch do FPT sản xuất. (Ảnh: FPT).

Cơ hội ở đây là gì? Theo ông Khoa, chuyển đổi số vẫn là câu chuyện dẫn dắt cho quốc gia. Trong chuyện đổi số, dữ liệu là rất quan trọng, gần như là yếu tố quyết định thành bại của một dự án chuyển đổi số. Thay đổi ý thức hành vi người dùng cộng với dữ liệu sẽ tạo ra kết qua. Kết quả ấy có đem lại lợi ích hay thành quả tốt hay không lại do cách chúng ta áp dụng.

Ông Khoa khẳng định cơ hội của FPT hiện diện trên toàn cầu. Rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới họ đang nhìn Việt Nam như một điểm sáng, không những chỉ vì thu hút đầu tư, mà như ở FPT còn đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn. 

“Có lẽ FPT là một trong số ít doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài mạnh mẽ, nhưng cái khác của chúng tôi là chúng tôi đầu tư bằng chất xám, bằng khoa học công nghệ. Với những nền tảng được đào tạo từ cấp phổ thông từ đại học và sau đại học, chúng tôi đang tạo ra nguồn lực vô cùng lớn cho FPT. Các bạn học sinh ở FPT sẽ được học trí tuệ nhân tạo từ cấp 1, cấp 2, cấp 3”, ông Khoa so sánh.

Vị CEO FPT chia sẻ rằng trong năm 2023, cơ hội của FPT đến từ hai phần. Trong nước, FPT đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, làm giàu và xây dựng hệ thống dữ liệu. Các hệ thống công nghệ thông tin sau dịch, và hiện tại đang ngày càng chứng minh rằng nếu đơn vị hoặc tổ chức nào không áp dụng CNTT vào sẽ tụt hậu.

Với thị trường nước ngoài, ông Khoa thừa nhận tập đoàn không đủ nguồn lực để làm. “Chúng tôi cũng đang phải tìm cách thu hút thêm nguồn lực lao động từ các thị trường khác như Ấn Độ hay Đông Âu. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng đang thành lập khu phần mềm, khu công nghệ tập trung trải dài từ Bắc vào Nam. Chúng tôi mang nguồn lực từ nước ngoài đến Việt Nam để làm việc cho chúng ta”, ông Khoa nói.

Trước câu hỏi về kiến nghị chính sách, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT mong muốn rằng Chính phủ quan tâm nhiều hơn tới cộng đồng CNTT, không chỉ riêng FPT. “FPT đã làm công nghệ trong suốt 30 năm nay, chúng tôi tự làm và đôi lúc cũng tự thấy tủi thân vì không được quan tâm đúng đắn.

Do đó, đề xuất đầu tiên là trong ngoại giao, hợp tác song phương với Việt Nam và các nền kinh tế lớn, chính phủ dành thời gian hỗ trợ cho cộng đồng công nghệ, để cùng vươn ra, từ đó chúng ta có thể đến các nước khác, đầu tư ở nước khác, sau đó mang được giá trị, kinh nghiệm, sản phẩm, mang được tiền đô về cho Việt Nam”, ông Khoa hiến kế.

Ngoài ra, đại diện FPT cũng mong muốn Chính phủ có các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam nhanh hơn, kể cả ở doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Đó là ưu tiên giao cho các doanh nghiệp, cộng đồng CNTT Việt Nam những bài toán lớn. Có những bài toán không chỉ một mình FPT giải, mà phải nhiều đơn vị giải cùng, chuẩn hoá về mặt khoa học, dữ liệu,… 

Chí Dũng

Nhóm ngành hút mạnh dòng tiền thời gian tới qua lăng kính các nhà quản lý quỹ
Theo các chuyên gia, một số nhóm ngành được kỳ vọng thu hút dòng tiền đầu tư thời gian tới kể đến tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng, công nghệ thông tin, đầu tư công…