Trong năm 2022, chất bán dẫn tiếp tục trở thành chủ đề được bàn luận nhiều bậc nhất. Sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành chip toàn cầu lại chứng kiến những sự kiện quan trọng khác trong năm nay, khiến nhiều lĩnh vực khác chịu ảnh hưởng theo.
Việt Nam cũng không nằm ngoài guồng quay chịu ảnh hưởng bởi sự biến động của ngành chip. Giữa những khó khăn mà toàn ngành đang gặp phải, một đơn vị tại Việt Nam lại đạt được bước tiến quan trọng trong lĩnh vực chip vào năm 2022, đó là FPT Semiconductor, một “startup” thuộc hệ sinh thái trong Tập đoàn FPT.
Tháng 9/2022, FPT Semiconductor, công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch đã chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế, qua đó hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt.
Đứng sau dấu mốc quan trọng đó có sự đóng góp không nhỏ của hai nhà lãnh đạo Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Information System, và Nguyễn Vinh Quang – CEO FPT Semiconductor.
Chào anh Hòa. Lĩnh vực chip ít nhiều đã có sự thay đổi và dường như được mọi người quan tâm hơn kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Anh có nhận định thế nào về ngành chip trước và sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện?
Anh Trần Đăng Hòa: Ngành chip thực ra đã được mọi người quan tâm từ trước đó. Vấn đề thiếu hụt chất bán dẫn được châm ngòi từ sự kiện liên quan tới ông lớn Huawei, khiến Mỹ nhận thấy rủi ro từ phía Trung Quốc và bắt đầu đưa ra một số lệnh cấm vận đối với công ty này.
Trong quá khứ, đã từng có thời điểm ngành chip Nhật Bản chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Thời điểm đó, Mỹ đã công bố một loạt biện pháp cấm vận để chặn đà phát triển của Nhật Bản, qua đó lấy lại được vị trí số một.
Hiện tại, câu chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc trong ngành chip đang có những diễn biến có phần tương đồng, thêm vào đó là việc đại dịch COVID-19 bùng phát, đã khiến thế giới vốn thiếu hụt chấn bán dẫn nay lại càng thiếu hơn.
Trong năm 2022, cuộc chiến lĩnh vực chip giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những sự kiện được quan tâm bậc nhất trong ngành bán dẫn. Anh Hòa có nhận định gì về cuộc chiến này?
Anh Trần Đăng Hòa: Trong quá khứ, Mỹ đã từng đưa ra các biện pháp để ngăn đà phát triển ngành chip của Nhật Bản. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, việc Mỹ có các biện pháp ngăn đà thăng tiến của ngành bán dẫn Trung Quốc là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Điểm khác biệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản đó là Nhật Bản không có thị trường nội địa rộng lớn như Trung Quốc. Do đó, cuộc chiến lần này giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn kéo dài.
Trước đây, khi Mỹ và Nhật Bản tạo ra cuộc chiến trong ngành chip, một thị trường khác đã được hưởng lợi là Đài Loan (Trung Quốc). Hiện tại, chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ được hưởng lợi tương tự khi Trung Quốc và Mỹ tạo ra một cuộc chiến mới.
Cũng trong năm nay, Mỹ đang có ý tưởng thành lập “liên minh Chip 4” với Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu liên minh này được thành lập, anh có nghĩ rằng họ sẽ đủ sức “kiểm soát” ngành chip toàn cầu?
Anh Trần Đăng Hòa: Có lẽ nếu liên minh này được thành lập, họ sẽ có khả năng “kiểm soát” ngành chip toàn cầu bởi mỗi quốc gia thuộc liên minh này đều có thế mạnh riêng. Dù vậy, Trung Quốc vẫn có những lợi thế nhất định.
Anh Nguyễn Vinh Quang: Tôi cho rằng liên minh này đủ khả năng chi phối ngành chip toàn cầu, tuy nhiên liên minh này sẽ chỉ tập trung chi phối ở mặt công nghệ cao. Điều này có nghĩa là các công nghệ, sản phẩm liên quan tới chip 3 nm, 2 nm và cao cấp hơn sẽ bị chi phối một cách triệt để.
Dù vậy, những dòng chip thuộc phân khúc low-performance hoặc mid-range performance sẽ không bị chi phối nhiều. Đây sẽ là cơ hội cho các quốc gia khác muốn phát triển ngành chip theo những phân khúc này.
Thực ra, câu chuyện về chip 4 chắc chắn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi có hy vọng và niềm tin về việc sau chip 4 sẽ là những liên minh lớn hơn, chẳng hạn như chip 20, và Việt Nam có thể nằm trong số này.
Trung Quốc đang đặt ra mục tiêu tự chủ trong ngành công nghiệp chip. Anh Quang có nhận định gì về mục tiêu này của Trung Quốc? Liệu quốc gia này có đạt được mục tiêu đề ra?
Anh Nguyễn Vinh Quang: Tôi cho rằng mục tiêu tự chủ ngành chip của Trung Quốc là rất khả thi. Thời điểm hiện tại, Trung Quốc chưa đạt được mức độ tự chủ trong ngành chip, nhưng để Mỹ có thể cấm vận và hạn chế hoàn toàn khả năng của Trung Quốc trong lĩnh vực này như những gì từng làm với Nhật trước đây là rất khó.
Công nghệ trong lĩnh vực chip của Trung Quốc cũng đã được cải thiện. Nội lực của họ đủ khả năng để làm ra những con chip dùng process 3 nm hay 7 nm. Tuy nhiên, từ thời điểm sở hữu công nghệ sản xuất cho tới khi sản xuất hàng loạt sẽ là tương đối lâu đối với các doanh nghiệp Trung Quốc bởi vấn đề này còn liên quan tới nhiều yếu tố khác.
Liên quan tới bài toán kinh tế, một số nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp chip có thể chứng kiến doanh thu sụt giảm trong năm 2023. Theo dự đoán của anh Hòa, liệu doanh thu của các doanh nghiệp chip trong năm 2023 có giảm như những nghiên cứu này?
Anh Trần Đăng Hòa: Tôi cho rằng doanh thu của các doanh nghiệp chip trong năm 2023 sẽ giảm trong ngắn hạn và có thể tăng trở lại trong giai đoạn cuối năm, có thể đạt đỉnh vào năm 2025 khi công nghệ 5G được phủ sóng toàn cầu.
Trong quá khứ, ngành chip đã từng trải qua hai giai đoạn sụt giảm là sự kiện “bong bóng dot-com” và “sự sụp đổ của Lehman Brother”, sau đó lại tiếp tục đi lên. Nhìn tổng quan, chu kỳ của ngành chip về cơ bản là đi lên.
Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong ngành bán dẫn toàn cầu năm 2022 là Đạo luật CHIPS được chính phủ Mỹ ban hành để giúp bảo vệ các doanh nghiệp bán dẫn của quốc gia này cũng như kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc.
Bên cạnh đó, theo bảng xếp hạng của Omdia được công bố trong tháng 9, có tới 7/10 doanh nghiệp Mỹ góp mặt trong bảng xếp hạng 10 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới về doanh thu.
Theo anh Hòa, liệu Đạo luật CHIPS mà chính phủ Mỹ ban hành có thực sự phát huy tác dụng và giúp quốc gia này tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu đối với lĩnh vực bán dẫn?
Anh Trần Đăng Hòa: Nhận định chủ quan của chúng tôi về đạo luật CHIPS mà chính phủ Mỹ ban hành vừa có tác dụng giúp Mỹ tiếp tục vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực bán dẫn, vừa có tác dụng kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.
Sâu xa hơn, đạo luật CHIPS không chỉ giúp kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc mà còn làm cho các công ty sản xuất wafer của Đài Loan (Trung Quốc) dịch chuyển dần các nhà máy bán dẫn dịch chuyển dần từ Đài Loan (Trung Quốc) về Mỹ.
Đây là chiến lược của Mỹ. Mỹ sẽ bảo vệ các công ty sản xuất chip bán dẫn ở Đài Loan (Trung Quốc), nhưng để tránh rủi ro, đảm bảo an toàn thì việc dịch chuyển nhà máy sản xuất chip bán dẫn ra khỏi Đài Loan (Trung Quốc), trở về Mỹ hoặc các quốc gia không nằm trong sự ảnh hưởng và kiểm soát của Trung Quốc, sẽ là chiến thuật của Mỹ.
Đạo luật CHIPS, sẽ còn ảnh hưởng đến cả vị thế của các nước như Nhật, Hàn Quốc, là những đồng minh lâu năm và ít rủi ro cho Mỹ. Hai nước này sẽ có cơ hội rất lớn, nhất là Nhật Bản, để lấy lại vị thế trước đây trong ngành thiết kế, sản xuất chip bán dẫn.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là ở trong năm 2022, Việt Nam đã ghi nhận một số bước tiến đối với lĩnh vực bán dẫn. Anh Hòa có thể đánh giá về bối cảnh chung của ngành bán dẫn hiện tại ở Việt Nam và tiềm năng phát triển trong tương lai?
Anh Trần Đăng Hòa: Xét trong bối cảnh Việt Nam từ những năm 1979, và đặc biệt là bối cảnh năm 2022 hiện nay, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành chip bán dẫn. Tuy nhiên kết quả còn khá khiêm tốn, chúng ta đã có một số bước tiến, nhưng còn khá nhỏ so với tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Việt Nam là một trong những thị trường startup hàng đầu khu vực Đông Nam Á, nhưng trong xu hướng phát triển chung của hệ sinh thái startup Việt lại không có nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chip. Theo anh Hòa, vì sao startup Việt lại chưa thực sự quan tâm tới lĩnh vực mà vẫn còn dư địa phát triển lớn như ngành chip?
Anh Trần Đăng Hòa: Lĩnh vực startup có nhiều rào cản. Chẳng hạn, ngay từ việc đầu tư vào các công cụ thiết kế đã tiêu tốn chi phí hàng triệu USD.
Ngoài ra, chip là lĩnh vực cần sự chính xác 100%, vì vậy có thể nói ngành bán dẫn không dành cho những “tay mơ”. Các đơn vị cần có đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm và am hiểu về ngành chip.
Cuối cùng, một vấn đề khác khiến nhiều người không chọn “khởi nghiệp” trong ngành chip là liên quan tới vấn đề cung – cầu. Khi bạn tham gia vào lĩnh vực chip mà không có những đơn hàng trị giá triệu USD thì rất khó để tồn tại trên thị trường.
Chip là lĩnh vực tiềm năng, nhưng lại có nhiều rào cản cho người mới. Chúng tôi đã rất dũng cảm thì mới dám dấn thân, bản thân FPT Semiconductor cũng là một đơn vị startup.
Tại Trung Quốc, để giải bài toán thiếu nhân lực ngành bán dẫn, nhiều công ty chip đã liên kết với các trường đại học nhằm mở ra các ngành học chuyên sâu về lĩnh vực này. Theo anh Hòa, Việt Nam có nên làm theo cách tương tự Trung Quốc?
Anh Trần Đăng Hòa: Hiện chưa có ngành học chuyên sâu về ngành chip tại các đơn vị đào tạo giảng dạy tại Việt Nam. Đó cũng là một trong những mục tiêu của FPT Semiconductor, là liên kết với các trường nước ngoài để mang các chương trình đào tạo về ngành chip về Việt Nam.
Anh Nguyễn Vinh Quang: Có hai loại công ty trong ngành chip trên toàn cầu, đó là công ty chuyên về thiết kế và công ty chuyên về sản xuất. Ở Việt Nam hiện chưa có bất kỳ ngành học nào liên quan tới IC Design, nhưng lại có một ngành học liên quan tới lĩnh vực bán dẫn là ngành vật liệu.
FPT Semiconductor đang liên kết với một số trường tại Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) để có thể mang những môn học liên quan tới ngành IC Desgin về Việt Nam. Ở trong nước, đại học Bách Khoa Hà Nội và trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là 2 đơn vị đang rất chú trọng tới lĩnh vực này.
Sau khi cuộc chiến ngành bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến tiềm năng cho các công ty sản xuất chip nước ngoài. Anh Hòa có thể chỉ ra điểm nổi bật của Việt Nam so với các thị trường Đông Nam Á khác trong việc thu hút các công ty sản xuất chip nước ngoài?
Anh Trần Đăng Hòa: Yếu tố quan trọng nhất là về mặt con người. Những quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia chủ yếu mạnh về mặt sản xuất, có thể là nơi phù hợp để đặt nhà máy sản xuất. Trong khi đó, nếu nói về việc dùng con người để thiết kế, Việt Nam có thể là điểm đến phù hợp bởi chúng ta có rất nhiều nhân tài.
Tại FPT, chúng tôi luôn nói với nhau rằng những quốc gia dùng đũa, chẳng hạn như Trung Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam, đều là những quốc gia “thông minh”. Trong khi các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản đã “cất cánh”, đây có thể là thời điểm để Việt Nam làm điều tương tự.
Anh Nguyễn Vinh Quang: Ngoài những lý do đã được đề cập nhiều trên truyền thông, còn một lý do khác giúp thị trường Việt Nam được quan tâm là tệp khách hàng của các công ty sản xuất và thiết kế chip đã có sẵn ở Việt Nam.
Các công ty sản xuất chip sẽ còn tiếp tục chuyển sang Việt Nam, kéo theo đó là các tệp khách hàng mới. Điều này có thể trở thành yếu tố tiềm năng giúp thị trường Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm hơn.
Mới đây, ông Đỗ Cao Bảo, một trong những thành viên trong HĐQT FPT đã có một nhận định gây bão khi cho rằng Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu mới. Theo anh Hòa, liệu nhận định của ông Đỗ Cao Bảo được đưa ra vào thời điểm này có là quá sớm hay không bởi thực tế, dấu ấn của Việt Nam trên ngành chip toàn cầu là chưa thực sự rõ ràng?
Anh Trần Đăng Hòa: Quy mô thị trường bán dẫn toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 1000 tỷ USD vào 2030-2031 với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 6%.
Theo tổng kết của Statista doanh thu ngành bán dẫn thế giới tăng trung bình 6.3% từ năm 1987 đến 2017.
Báo cáo gần đây nhất của Technavio về thị trường bán dẫn Việt Nam có update lại chỉ số tăng trưởng hàng năm là 6.52% cho giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên cũng chính Technavio trước đó dự đoán thị trường bán dẫn Việt Nam có khả năng tăng trưởng 19% giai đoạn 2020 – 2024.
Đã mơ thì sao lại mơ nhỏ. Nếu dự đoán tốc độ tăng trưởng của Việt Nam theo một con số lý tưởng 20%, thì sau 15 năm, năm 2035, quy mô thị trường bán dẫn của Việt Nam sẽ đạt 100 tỷ USD. Với quy mô thị trường 100 tỷ USD, chúng ta hoàn toàn có thể mơ về việc Việt Nam sẽ cất cánh.
FPT Semiconductor được thành lập từ đầu năm 2022. Anh Hòa có thể chia sẻ liệu FPT đã có định hướng về ngành chip ngay từ đầu hay bắt đầu suy nghĩ về ngành này trong quá trình hoạt động mà FPT Semiconductor lại được thành lập có phần “hơi muộn”?
Ngoài ra, cuối tháng 9, FPT Semiconductor đã chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế, qua đó hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt. Anh Hòa có đánh giá như thế nào về cột mốc quan trọng này và việc FPT sản xuất thành công chip vi mạch đầu tiên tại Việt Nam có tác động như thế nào tới chiến lược trong lĩnh vực chip của tập đoàn?
Anh Trần Đăng Hòa: Chúng tôi đã có kế hoạch từ 10 năm trước. Đầu tiên chúng tôi cũng đi từng bước một, từ việc đi làm thuê cho tới sau đó là tự chủ về mặt công nghệ. Đây là thời điểm thích hợp, thiên thời địa lợi nhân hòa cho việc làm ra “chip make in Vietnam, made by FPT”.
Chúng tôi không coi đây là cột mốc hay một sự kiện kinh thiên động địa gì cả, đây đơn giản là 1 cộc mốc sẽ phải diễn ra mà thôi. Và điều này cũng không thay đổi chiến lược của tập đoàn. Chúng tôi đã có chiến lược từ trước, và vẫn đang từng bước trên con đường thực hiện chiến lược đó.
Được biết, FPT Semiconductor có kế hoạch IPO vào năm 2027. Anh Hòa có thể chia sẻ thêm về kế hoạch này của FPT Semiconductor?
Anh Trần Đăng Hòa: Đó là một giấc mơ. Hiện tại, FPT Semiconductor là một startup, và điều quan trọng nhất bây giờ là có thể “sống”. Chúng tôi cũng giống như nhiều startup khác trong năm 2022, đó là không đi theo chủ trương “đốt tiền để mở rộng quy mô”, xu hướng đã xuất hiện trong nhiều năm trước.
Chúng tôi hướng tới mục tiêu có lãi, và thực tế đã có lãi từ ngày đầu tiên. Bên cạnh đó, FPT Semiconductor chắc chắn sẽ tuyển dụng thêm nhiều nhân sự, bao gồm cả những người Việt Nam ở nước ngoài cũng như các kỹ sư ngoại quốc.
Ngoài ra, FPT Semiconductor đã và sẽ có thêm những nhà đầu tư chiến lược, không chỉ đơn thuần góp vốn mà còn đồng hành về nhiều lĩnh vực khác. Hiện chúng tôi đã có một nhà đầu tư chiến lược và sẽ liên tục có thêm những đơn vị khác.
Khách hàng đầu tiên và cũng là đối tác chiến lược sẽ phối hợp để phân phối các sản phẩm chip của FPT Semiconductor ở các thị trường Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc.
Với việc phân phối sang Trung Quốc, liệu FPT trong tương lai có nhắm tới việc phối hợp với đối tác chiến lược để đưa sản phẩm chip của mình tới những thị trường khác, đặc biệt là Mỹ?
Anh Nguyễn Vinh Quang: Chúng tôi có kế hoạch tập trung ở thị trường Việt Nam. Hiểu một cách đơn giản, FPT Semiconductor có kế hoạch “đứng vững hai chân” ở Việt Nam, còn “đi và chạy” ở thị trường nước ngoài.
Các công ty nước ngoài đặt nhà máy sản xuất ở Việt Nam chính là những khách hàng tiềm năng của FPT Semiconductor. Ở nước ngoài, chúng tôi có kế hoạch nhắm tới các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), EU và Mỹ.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, về việc thiết kế chip, lãnh đạo tập đoàn đã cho biết không có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy bán dẫn tại Việt Nam và sẽ duy trì mô hình kinh doanh thiết kế chip vào năm 2023.
Anh Hòa có thể giải thích lý do FPT không theo đuổi kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy bán dẫn tại Việt Nam?
Anh Trần Đăng Hòa: Để xây dựng và vận hành một nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam cần rất nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm các yêu cầu về vốn và đầu ra.
Hiện tại, chúng tôi đang đề xuất để thành lập một liên minh phục vụ cho việc xây dựng nhà máy sản xuất. Chúng tôi đã đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền Thông cùng Bộ Khoa học Công nghệ. Về cơ bản, nếu liên minh này được thành lập, đây sẽ là chương trình quốc gia, có thể có Phó Thủ tướng chuyên trách điều hành Đây là một chương trình quy mô rất lớn.
Anh Nguyễn Vinh Quang: Trên thế giới, vốn để xây dựng các nhà máy sản xuất chip có thể lên tới vài chục tỷ, vài tram tỷ USD. Tại Việt Nam, chúng ta không nên làm những nhà máy có quy mô như vậy mà nên làm những nhà máy có quy mô hợp lý hơn, nhưng nguồn vốn cũng có thể lên tới 250 triệu – 300 triệu USD.
Với khoản vốn như vậy, chính phủ hoàn toàn có khả năng hỗ trợ, nhưng nếu tính tới các yếu tố như thị trường hay lợi nhuận thì việc xây một nhà máy như vậy là không hợp lý. Vì vậy, việc thành lập liên minh là một lựa chọn hợp lý hơn.
Một số doanh nghiệp sản xuất chip hàng đầu thế giới như Intel hay Synopsys đã bắt đầu mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, FPT có lo ngại về việc phải cạnh tranh với những ông lớn thế giới? Theo anh Hòa, lợi thế cạnh tranh của FPT nói riêng và những doanh nghiệp Việt khác nói chung (nếu có thêm đơn vị trong nước tham gia vào lĩnh vực sản xuất chip) so với các đối thủ lớn trên thế giới tại thị trường trong nước là gì?
Anh Trần Đăng Hòa: Doanh nghiệp Việt khi thiết kế, sản xuất chip sẽ đóng góp vào tỷ lệ nội địa hóa cho các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam. Doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Việt khi bắt tay với nhau làm những việc to lớn hơn sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho Việt Nam nói chung và người dân Việt Nam nói riêng.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra giai đoạn phát triển mạnh của Nhật những năm 70-80, của Hàn Quốc những năm 80-90, hay của Đài Loan (Trung Quốc) những năm 90-2000, hay gần đây nhất là Trung Quốc, thì việc các tập đoàn lớn trong nước của họ bắt tay nhau cùng tạo ra sản phẩm chính là điểm quan trọng trong những giai đoạn phát triển vũ bão đó. Việt Nam chúng ta cũng đang ở thời điểm phù hợp cho việc này.
Về cạnh tranh thì FPT không lo ngại việc phải đối đầu với các ông lớn. Chúng tôi lại cho rằng đó là việc tốt khi có nhiều ông lớn vào Việt Nam, điều đó sẽ giúp cho ngành bán dẫn ở Việt Nam phát triển.
Anh Quang có thể chia sẻ về kế hoạch về năm 2023 với FPT Semiconductor?
Anh Nguyễn Vinh Quang: FPT Semiconductor đặt mục tiêu tăng trưởng từ 200% trở lên trong năm 2023. Và chúng tôi cũng có kế hoạch cho ra đời thêm 12 con chip mới trong năm sau.
Lời cuối, nhân dịp đầu năm mới khi Tết đến xuân về, thông qua bài viết này anh Hòa và anh Quang có cần nhắn nhủ điều gì tới ngành chip Việt Nam không ạ?
Anh Trần Đăng Hòa và Anh Nguyễn Vinh Quang: Giấc mơ làm chip là một giấc mơ mà nhiều thế hệ đi trước đã từng mơ nhưng chưa làm được. Tiếp nối ước mơ của thế hệ đi trước, chúng tôi cũng ước mơ tự thiết kế chip và kinh doanh được chip. Chúng tôi hy vọng rằng năm 2023 sẽ là một “bước ngoặt” để ngành chip Việt Nam bước vào một kỷ nguyên tươi sáng hơn.
Cuối cùng, nhân dịp “Tết đến, xuân về”, chúng tôi xin gửi lời chúc tới mọi người một năm mới “vạn sự như ý, an khang thịnh vượng”. Đồng thời, chúc cho ngành chip Việt Nam biến giấc mơ trở thành “trung tâm bán dẫn toàn cầu” thành hiện thực. Chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam cùng bắt tay nhau làm những điều to lớn, mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, cho Việt Nam nói chung và người dân Việt Nam nói riêng. Chúng tôi cũng kêu gọi toàn bộ người dân Việt Nam chúng ta tin tưởng vào sản phẩm Việt, cùng nhau đẩy mạnh người Việt dùng hàng Việt, đây sẽ là động cơ thúc đẩy Việt Nam chúng ta đi lên mạnh mẽ.