Sét đánh trúng máy bay, hành khách ngồi trong có gặp nguy hiểm không?
Sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và mặt đất hoặc giữa các đám mây mang các điện tích khác dấu.
Theo thống kê của tạp chí National Geographic, cứ mỗi giây trên thế giới lại có 100 tia sét từ các đám mây đánh xuống mặt đất. Các tia sét mạnh yếu khác nhau với hiệu điện thế trung bình có thể lên tới 300 triệu vôn, cường độ dòng điện 30.000 ampe. Để so sánh, dòng điện dân dụng tại Việt Nam có hiệu điện thế 220 vôn và cường độ khoảng 5 ampe.
Nhiệt độ của tia sét có thể nóng tới 28.000 độ C, tức là gấp 5 lần bề mặt mặt trời. Đã có nhiều trường hợp sét đánh dẫn tới sập nhà, đổ cây, gây thiệt hại nghiêm trọng cho con người và nhiều đồ vật. Vậy khi luồng năng lượng khổng lồ của một tia sét đánh trúng một máy bay thì điều gì sẽ xảy ra?
Máy bay bị sét đánh, hành khách không biết gì
Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, cho biết sét có thể đánh vào máy bay khi đang bay cũng như khi đang đậu ở mặt đất. “Bình quân một máy bay bị sét đánh 1 - 4 lần trong một năm”, ông Tống nói.
Đa số máy bay đang hoạt động hiện nay được sản xuất từ nhôm – một loại vật liệu có khả năng dẫn điện rất tốt. Khi sét đánh trúng một máy bay, dòng điện sẽ đi theo con đường có điện trở thấp nhất, tức là chạy theo phần thân bằng nhôm rồi thoát ra ngoài, sau đó luồng điện tiếp tục di chuyển trong không khí và có thể xuống đất.
Ngày 3/10/2016, một chiếc Airbus A330 của hãng hàng không WOW Air vừa cất cánh từ Reykjavik (Iceland) thì bị sét đánh trúng. Chuyến bay vẫn tiếp tục hành trình dài 3,5 giờ đồng hồ và hạ cánh ở Paris (Pháp) an toàn.
Điểm khác biệt giữa lần sét đánh này với những lần khác là một người đàn ông sống ở Reykjavik đã ghi lại được khoảnh khắc tia sét đi vào phần mũi của chiếc A330 rồi sau đó thoát ra qua phần cánh và đuôi. Hình ảnh này là câu trả lời trực quan nhất cho câu hỏi: Sét đi đâu sau khi đánh trúng máy bay?
Bên trong máy bay có nhiều bộ phận bằng nhựa và các vật liệu tổng hợp không dẫn điện khác nên điện không đi vào trong khoang hành khách mà sẽ chỉ chạy ở lớp vỏ kim loại bên ngoài với điện trở thấp.
PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cho biết máy bay hiện đại được chế tạo với những biện pháp bảo vệ để không bị hư hại hoặc chỉ hư hại rất ít khi bị sét đánh, và “hành khách thường không biết có chuyện gì xảy ra”, tức là không biết chiếc máy bay mà mình đang ngồi bị sét đánh trúng.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Vietnam Airlines khẳng định hành khách sẽ không bị nguy hiểm điện giật khi sét đánh trúng máy bay do điện đã được hệ thống chống tĩnh điện, chống sét dẫn và phóng ra ngoài không gian.
Dấu vết tia sét để lại
Trước khi được đưa vào khai thác, máy bay đã được nhà sản xuất thử nghiệm xem có khả năng chống chịu sét hay không. Thông thường, máy bay bị sét đánh vẫn có thể tiếp tục hành trình như trường hợp của chiếc WOW Air A330 đã nói ở trên. Tuy nhiên, sét đánh vẫn có thể để lại những dấu vết.
“Khi bị sét đánh với cường độ mạnh, bề mặt ngoài máy bay chỗ bị sét đánh có vết lõm, cháy xém, vết nứt hoặc lỗ nhỏ, có khi rất nhỏ”, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cho hay.
Khi đang bay mà vỏ máy bay bị thủng lỗ lớn làm không khí thoát ra ngoài và áp lực trong khoang giảm thì máy bay không thể tiếp tục thực hiện chuyến bay dài được. Tuy nhiên, ông Tống cũng lưu ý rằng việc máy bay bị thủng vỏ vì sét đánh là trường hợp hy hữu.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết thông thường, sét đánh sẽ chỉ ảnh hưởng đến bề mặt thân vỏ và máy bay vẫn có thể khai thác. Tuy vậy, khi hạ cánh, nhân viên kỹ thuật vẫn sẽ kiểm tra và đánh giá lại mức độ để đưa ra kết luận cuối cùng về khả năng khai thác và sửa chữa nếu cần.
Cách bảo vệ máy bay khỏi sét đánh
Theo PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, máy bay được bảo vệ chống sét bằng nhiều cách.
Thứ nhất, phần lớn các bộ phận bên ngoài máy bay là bằng kim loại với bề dày đủ để chống lại sét đánh, hạn chế năng lượng điện từ xâm nhập hệ thống dây điện, không làm hư hại máy bay.
Thứ hai, lớp vỏ quanh buồng lái và khoang hành khách được thiết kế với một lưới kim loại để tạo thêm một lớp bảo vệ nữa. Lưới kim loại này dẫn điện đi quanh vỏ bên ngoài này của máy bay để bảo vệ người và thiết bị điện tử bên trong không bị ảnh hưởng bới điện thế sinh ra do sét đánh.
Thứ ba, những vùng hay bị sét đánh được tăng cường khả năng chống sét với lưới dây dẫn điện hay phủ lớp sơn nhôm ...
Những biện pháp chống sét đánh này luôn luôn được cải tiến dựa vào những thông tin thu được từ những trường hợp máy bay bị sét đánh.
Thân vỏ của các loại máy bay mới như Boeing 787 và Airbus 350 được chế tạo bằng sợi carbon tổng hợp không dẫn điện tốt như nhôm. Nhiều thí nghiệm cho thấy các tấm carbon tổng hợp dễ dàng bị phá hủy khi sét đánh trúng.
Do đó, Airbus và Boeing đã thêm một lớp lưới mỏng bằng kim loại vào các tấm carbon, làm tăng khả năng dẫn điện và chống chịu với sét đánh của thân máy bay. Lớp lưới kim loại này đã biến thân máy bay thành một chiếc lồng Faraday khổng lồ, đưa dòng điện của các tia sét đi dọc theo phần thân bên ngoài chứ không gây nguy hại cho hành khách ngồi trong.
Sét đánh không quá nguy hiểm đối với một chuyến bay và các nhà sản xuất máy bay đã thực hiện nhiều biện pháp để hóa giải những nguy cơ liên quan đến sét.
Khi phát hiện khu vực thời tiết xấu thông qua radar, các phi công thường bay vòng sang hai bên để tránh, lý do chủ yếu không phải vì sợ sét đánh mà là vì muốn tránh vùng không khí nhiễu loạn có khả năng làm máy bay chao đảo.
Vietnam Airlines khẳng định các máy bay của hãng đều được trang bị hệ thống radar thời tiết có thể phát hiện và cảnh báo các khu vực giông sét giúp phi công có quyết định sớm tránh được vùng có khả năng sét cao. Hãng thực hiện chương trình nâng cấp thường xuyên với nhiều tính năng mới, đảm bảo giảm thiếu khả năng sét đánh cho tàu bay. Phi công khi phát hiện các vùng có khả năng giông sét cao có thể bay vòng hoặc thay đổi độ cao để tránh các khu vực thời tiết xấu.