|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sếp Pyn Elite Fund chỉ ra ‘điều tốt đẹp, lý do chính đáng’ tin tưởng chứng khoán Việt Nam tăng mạnh 12 tháng tới

08:10 | 24/11/2022
Chia sẻ
Nhà quản lý quỹ của Pyn Elite Fund, ông Petri Deryng đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến trái ngược với những tín hiệu tốt về vĩ mô hay triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Báo cáo gửi đến nhà đầu tư mới đây, nhà quản lý quỹ Pyn Elite Fund gọi năm 2022 là một năm đầy thử thách, căng thẳng với những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Chúng tôi đã trải qua một năm bất ngờ và rất đặc biệt ở Việt Nam. Năm 2022, thị trường chứng khoán của quốc gia phát triển nhanh nhất, cạnh tranh nhất và ít mắc nợ nhất châu Á phải đối mặt với nhịp sụt giảm mạnh. Trong một năm lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng cao, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh 40% trong khi các thị trường chứng khoán khu vực ASEAN chỉ giảm vài phần trăm”, ông Petri nêu quan điểm cá nhân.

Theo nhà quản lý quỹ này, một trong những lý do khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu là những sai phạm trên thị trường chứng khoán như việc thao túng giá cổ phiếu, thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Điều này tác động đến tâm lý của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường.

Trong những tháng qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rơi vào trạng thái “đóng băng”. Nhiều cổ phiếu được sử dụng làm tài sản đảm bảo khi phát hành trái phiếu bị bán tháo.

Tuy nhiên, ông Petri đánh giá tích cực khi các cơ quan nhà nước mới đây đưa ra các biện pháp khôi phục niềm tin vào thị trường tài chính. “Có hy vọng mới cho những điều tốt đẹp hơn và có lý do chính đáng để tin rằng chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng cao hơn trong 12 tháng tới”, người đứng đầu quỹ Pyn viết trong báo cáo.

Một yếu tố khác được nhà quản lý quỹ Pyn đánh giá đó là những tín hiệu vĩ mô của Việt Nam. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm tới. Với nhận định nhu cầu của thị trường Mỹ và EU suy yếu trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của các nước châu Á sang hai thị trường này, dự báo của Pyn GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,5%, thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra.

Song, về tổng quan khi so sánh các thông tin về thị trường tài chính, kinh tế vĩ mô với những quốc gia khác trong khu vực Asean, Việt Nam vẫn được đánh giá hấp dẫn dựa trên nhiều khía cạnh.

 So sánh các chỉ số tài chính và vĩ mô của Việt Nam với các thị trường khác trong khu vực. Nguồn: Pyn.

Thứ nhất, các đồng tiền châu Á đều mất giá do đồng USD mạnh lên với triển vọng lãi suất tăng cao ở Mỹ. Khi kỳ vọng rằng các đợt tăng lãi suất tiếp theo giảm bớt có thể tạo ra phản ứng ngược đối với việc đồng đô la bị định giá quá cao.

Thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, nhưng lại tụt xuống mức định giá thấp nhất.

Thứ ba, các công ty niêm yết tại Việt Nam có cấu trúc tài chính vững chắc với tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu vừa phải (19,4%).

Thứ tư, xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh kể từ đầu năm 2022 (đạt 14%), nhưng nhà quản lý quỹ Pyn cho rằng tăng trưởng xuất khẩu sẽ yếu đi trong 6 tháng tới.

Cuối cùng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong năm nay dự kiến đạt 20 – 25%. Sang năm 2023, tỷ lệ này dự báo đạt 18%.

Hoàng Linh