|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sẽ không thể phục hồi kinh tế nếu đặt mục tiêu an toàn 100%

15:47 | 16/12/2021
Chia sẻ
Giám đốc Thương mại Bamboo Airways cho rằng việc đặt ra mục tiêu 100% an toàn không có vấn đề gì xảy ra sẽ khiến chúng ta không bao giờ phục hồi được kinh tế, tình trạng đứt gãy logistics sẽ vẫn tiếp diễn và có thể dẫn tới việc doanh nghiệp FDI sẽ rời Việt Nam.

Theo chia sẻ của Cục phó Hàng không Võ Huy Cường tại tọa đàm về giải pháp mở lại các đường bay quốc tế sáng 16/12, trong kịch bản mới nhất, giai đoạn 1 Việt Nam sẽ mở 9 đường bay quốc tế với điểm đến là những thị trường truyền thống của các hãng hàng không Việt Nam cũng như của các hãng sở tại.

Cụ thể 9 đường bay này sẽ bao gồm các đường bay nối Việt Nam với Bắc Kinh/Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles.

Sẽ không thể phục hồi kinh tế, hàng không nếu đặt mục tiêu an toàn 100% - Ảnh 1.

Việt Nam dự kiến sẽ mở lại đường bay quốc tế thường lệ theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một kết nối với 9 thị trường và giai đoạn hai nâng lên 15. (Ảnh minh họa: Người lao động).

Giai đoạn 2, thực hiện từ khi kết thúc giai đoạn 1, ngoài 9 thị trường nêu trên, ngành giao thông đề xuất mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur, HongKong, Paris, Frankfurt, Sydney và Moscow.

Các phương án trên vẫn đang tiếp tục được Cục Hàng không hoàn thiện, đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải. Chính phủ mới đây đã đồng ý kế hoạch khôi phục chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ 1/1/2022.

Sẽ không thể phục hồi nếu đặt mục tiêu an toàn 100%

Đánh giá về yêu cầu hiện nay người nhập cảnh vào Việt Nam vẫn phải cách ly tập trung 7 ngày và theo dõi sức khoẻ 7 ngày theo quy định của Bộ Y tế, ông Hoàng Ngọc Thạch, Giám đốc Thương mại Bamboo Airways, cho rằng: "Chúng ta đặt ra 7 ngày (7 ngày cách ly với khách nhập cảnh) an toàn hay không, chúng ta đặt ra 100% an toàn không có vấn đề gì xảy ra thì chúng ta sẽ không bao giờ phục hồi được kinh tế, sẽ đứt gãy logistics, doanh nghiệp FDI sẽ rời Việt Nam, chúng ta sẽ mất khả năng cạnh tranh quốc tế".

Theo ông, chúng ta phải tiến tới làm chủ vắc xin, sau 6-12 tháng thì kháng thể, kháng nguyên giảm xuống thì chúng ta lại tiêm và coi đó là cúm mùa. Chúng ta tuân thủ 5K, coi đó là bình thường, có vắc xin, có thuốc chữa trị nữa thì ông hy vọng dần dần nó trở thành bình thường như các bệnh hàng ngày khác.

Sẽ không thể phục hồi kinh tế, hàng không nếu đặt mục tiêu an toàn 100% - Ảnh 2.

Tọa đàm Giải đáp "nóng" mở lại đường bay quốc tế. (Ảnh: Chụp màn hình sự kiện).

Ông cũng chia sẻ về chuyến bay sang New York hồi cuối tháng 9, ông không hề bị cách ly ở Mỹ khi đã tiêm phòng vắc xin đầy đủ và test PCR. Các nhà hàng, quán ăn tại đây cũng chỉ yêu cầu test nhanh đầy đủ. 

Ngoài ra, khi bay sang Edinburgh (Anh) cuối tháng 10 đầu tháng 11, ông cũng không hề bị cách ly, dù mỗi ngày họ vẫn ghi nhận có mấy chục nghìn ca.

"Tôi đi các chuyến nội địa ở Mỹ và chuyến tàu ở Anh, gần như họ đã bình thường hóa dù hàng ngày vẫn hàng chục nghìn ca. Lúc đó chúng ta mới chỉ có hơn một nghìn ca một ngày. Câu hỏi đặt ra là điều kiện cho người nhập cảnh và cần có những cơ sở hạ tầng như thế nào?", ông Hoàng Ngọc Thạch chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, cho biết để cho việc mở cửa các đường bay quốc tế bền vững, đạt mục tiêu mong muốn, ông đề xuất một số giải pháp như bỏ quy định liên quan đến xét duyệt từng hành khách như hiện nay. Hành khách có visa, hộ chiếu hợp lệ là có thể nhập cảnh. 

Quy định liên quan đến bảo đảm y tế phòng chống dịch cần đơn giản dễ hiểu, chi tiết cụ thể để mọi người tiếp cận được thông tin dễ dàng. 

Theo ông, để phục hồi hiệu quả nhanh chóng thì công tác truyền thông phải làm thật tốt, để du khách hiểu và tin tưởng rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn và an toàn.

Đề xuất rút ngắn thời gian cách ly tại nhà với người nhập cảnh xuống 3 ngày  

Tại tọa đàm, việc tháo gỡ rào cản về cách ly người nhập cảnh cũng được đưa ra thảo luận. 

Chia sẻ về phương án kiểm soát dịch với người nhập cảnh, TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết Bộ đã phối hợp với các đơn vị liên quan soạn thảo, xin ý kiến về hướng dẫn phòng chống dịch đối với người nhập cảnh. Dự kiến hôm nay (16/12), Bộ Y tế sẽ phê duyệt quy định này.

Dự thảo quy định nêu người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin tự theo dõi sức khỏe tại nhà ba ngày, không được tiếp xúc với người khác; xét nghiệm một lần vào ngày thứ ba. Người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin thì cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm hai lần.

Người dưới 18 tuổi và từ 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền được cách ly cùng người chăm sóc với điều kiện là người chăm sóc phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc từng là F0 khỏi bệnh.

Sẽ không thể phục hồi kinh tế, hàng không nếu đặt mục tiêu an toàn 100% - Ảnh 3.

Đề xuất rút ngắn thời gian cách ly tại nhà với người nhập cảnh xuống 3 ngày. (Ảnh minh họa: Người lao động).

Dự báo về "bức tranh" hàng không thời gian tới, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết qua thực tiễn chúng ta đã làm rất nhiều giai đoạn thí điểm, từ đường bay nội địa rồi mở dần, giờ là đường bay quốc tế. 

Giai đoạn đầu chúng ta ưu tiên cho người có hộ chiếu vắc xin, theo dõi sức khỏe người bay tại nhà, tại khách sạn trong ba ngày. Sau đó, tiến tới như Singapore là chỉ còn một ngày, xét nghiệm xong, âm tính là có thể đi lại ngay.

Còn tương lai, khi vắc xin đã tiêm đầy đủ trên thế giới, COVID-19 sẽ được coi chỉ như dịch bệnh cúm mùa phổ biến chẳng hạn, thì tình hình sẽ khả quan hơn. Đã có dự báo COVID-19 sẽ kết thúc trong 2022.

"Tôi tin rằng chúng ta sẽ không quay trở lại tình trạng đóng cửa nữa. Có thể khi có sự cố phát sinh ở đâu thì khoanh ở đó chứ không đóng chặt cửa, bế quan tỏa cảng như giai đoạn trước nữa. Chúng ta đã rất có kinh nghiệm trong việc đối phó, kiểm soát dịch bệnh", ông chia sẻ.

Đầu tháng 12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế phải ban hành hướng dẫn mới về việc cách ly, theo dõi sức khỏe đối với người nhập cảnh vào Việt Nam chậm nhất trước 15/12 "trên tinh thần tương tự như đối với người từ vùng dịch đến các địa phương khác ở trong nước".

Người nhập cảnh đã tiêm đủ hai mũi vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính, chỉ tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà với thời gian nhất định, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Hiện nay, người nhập cảnh vào Việt Nam vẫn phải cách ly tập trung 7 ngày và theo dõi sức khoẻ 7 ngày theo quy định của Bộ Y tế.

Phương Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.