|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sẽ khởi công dự án vành đai 3 TP HCM vào tháng 6/2023

06:58 | 21/06/2022
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương tập trung cao độ cho đường vành đai 3 TP HCM.

Thông tin được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết tại cuộc họp về tiến độ các dự án cao tốc phía nam ngày 20/6, theo Báo Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thực hiện đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2015-2020 (339.000 tỷ đồng/89.000 tỷ đồng). Tổng chiều dài của các tuyến đường cao tốc được triển khai và hoàn thành giai đoạn 2021-2025 gấp gần 4 lần giai đoạn trước (1.932/487 km).

Phó Thủ tướng cũng nhắc lại mục tiêu cao nhất là đến năm 2025 thông tuyến cao tốc Bắc – Nam, thông tuyến đường Hồ Chí Minh.

"Đường cao tốc đầu tư đến đâu sẽ mở ra không gian mới, giúp các địa phương phát triển mạnh mẽ đến đó", Phó Thủ tướng nói và đánh giá cao nỗ lực của TP HCM, Đồng Nai, Long An đã chủ động triển khai các dự án hạ tầng giao thông.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương tập trung cao độ cho đường vành đai 3 TP HCM, triển khai đồng thời các bước chuẩn bị để trong vòng 1 năm, đến tháng 6/2023 có thể khởi công dự án.

Đối với dự án Bến Lức – Long Thành, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay đã đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, cơ bản hình thành tuyến đường. Dự án bị chậm chủ yếu do nguyên nhân khách quan. Do đó, để phát huy hiệu quả, cần nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, trước mắt là giải phóng để bàn giao dứt điểm mặt bằng. Phó Thủ tướng nêu rõ, hiện còn một số ít hộ dân chưa được giải tỏa, TP HCM và Đồng Nai cần tập trung xử lý dứt điểm, hoàn thành trong tháng 7 năm nay.

Ngày 16/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư đường vành đai 3 TP HCM. Dự án dài khoảng 76,34 km, đoạn đi qua TP HCM dài 47,5 km, Đồng Nai hơn 11 km, Bình Dương 10,7 km, Long An gần 7 km.

Dự án được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế; đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe; phân chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công và giao các địa phương tổ chức thực hiện.

Tổng mức đầu tư dự kiến là 75.378 tỷ đồng. Từ năm 2022 chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 70,24 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 103,52 ha, đất rừng sản xuất khoảng 16,82 ha, đất dân cư khoảng 64,1 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 229,62 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 11,2 ha và đất khác khoảng 147,2 ha. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đã đầu tư.

Hồng Hà