|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Sẽ cưỡng chế kê biên tài sản nếu chủ đầu tư không đủ khả năng bàn giao phí bảo trì

08:23 | 30/03/2021
Chia sẻ
UBND cấp tỉnh sẽ được cung cấp thông tin về tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư và số tiền trong tài khoản này trong trường hợp tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì của chủ đầu tư không còn đủ hoặc không còn kinh phí để bàn giao.
Chính phủ vào cuộc xử lý tình trạng 'om' quỹ bảo trì chung cư - Ảnh 1.

Đã có quy định mới về cưỡng chế thu hồi quỹ bảo trì chung cư. (Ảnh: Hoàng Huy).

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, trong đó có thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Cụ thể, đối với trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí đã thu theo quy định, Ban quản trị nhà chung cư có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị nhà chung cư, UBND cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì cung cấp thông tin về số tài khoản, số tiền trong tài khoản. 

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin cho UBND cấp tỉnh.

Căn cứ vào thông tin do tổ chức tín dụng cung cấp, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư. 

Quyết định cưỡng chế này được gửi đến Sở Xây dựng, chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản để thực hiện chuyển giao kinh phí bảo trì.

Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì có trách nhiệm chuyển kinh phí này sang tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Sau khi chuyển kinh phí bảo trì sang tài khoản của Ban quản trị nhà chung cư, tổ chức tín dụng phải có văn bản thông báo cho UBND cấp tỉnh, Sở Xây dựng, chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư biết.

Nghị định nêu rõ, trường hợp trong tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì của chủ đầu tư không còn đủ hoặc không còn kinh phí để bàn giao thì UBND cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư và số tiền trong tài khoản này

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan cho UBND cấp tỉnh.

Căn cứ vào thông tin do tổ chức tín dụng cung cấp, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư để chuyển giao cho Ban quản trị nhà chung cư. 

Quyết định cưỡng chế này được gửi đến Sở Xây dựng, chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản để thực hiện.

Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế, tổ chức tín dụng có trách nhiệm chuyển tiền từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư sang tài khoản của Ban quản trị nhà chung cư theo đúng số tiền ghi trong quyết định cưỡng chế. 

Sau khi hoàn tất việc chuyển tiền, tổ chức tín dụng phải có văn bản thông báo đến UBND cấp tỉnh, Sở Xây dựng, chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư biết.

"Chủ đầu tư lớn thường minh bạch về phí bảo trì"

Từng trao đổi với người viết trước đó, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Quản và bảo trì toà nhà Việt Nam (VBMA) cho biết, khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, tình trạng chậm bàn giao phí bảo trì chung cư nhìn chung đã giảm. Các chủ đầu tư ngày càng làm việc chuyên nghiệp, công khai và minh bạch.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm bàn giao quỹ bảo trì: Do năng lực của chủ đầu tư; do thỏa thuận khi mua bán nhà không rõ ràng hoặc chủ đầu tư chiếm dụng sai mục đích, nhập số tiền này vào tài khoản của mình để kinh doanh...", ông Hùng nói.

Cũng theo vị này, người mua nhà cần ý thức được lợi ích của mình, đầu tiên cần tìm hiểu về năng lực của chủ đầu tư, về những dự án đã đi vào hoạt động trước đó của họ.

Bên cạnh đó, khi thực hiện hợp đồng mua bán, ưu tiên lựa chọn điều khoản nộp phí bảo trì vào một tài khoản được chủ đầu tư lập riêng, không liên quan đến tài khoản mua bán căn hộ. Những chủ đầu tư lớn thường công khai, minh bạch số tiền 2% này.

Hoàng Huy