Sẽ có nhiều chính sách mới giúp vực dậy thị trường bất động sản
Tại Diễn đàn bất động sản 2021: Động lực mới cho thị trường bất động sản diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2021, thị trường có nhiều biến động. Đặc biệt, hiện tượng giá đất nền tăng nóng, cục bộ thời gian vừa qua gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, có những giao dịch không đủ điều kiện pháp lý, nhiều giao dịch hoàn toàn là đất rừng, nông nghiệp,… chưa được chuyển đổi muc đích sử dụng. Đây là những giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng khuyến cáo người dân bình tĩnh, cẩn thận trước những thông tin được đồn thổi. Cụ thể, người dân khi thực hiện các giao dịch bất động sản cần xem xét cần thận các hồ sơ pháp lý và chỉ giao dịch với các dự án pháp lý rõ ràng.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), bất động sản xây dựng là ngành cấp I, tương đương với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
Cụ thể, đóng góp của lĩnh vực xây dựng, bất động sản vào GDP các năm gần đây khoảng 11%. Trong đó, bất động sản đóng góp khoảng 4,5% và xây dựng khoảng gần 6%. Doanh thu của bất động sản chiếm khoảng hơn 2% và lợi nhuận chiếm khoảng 7% của toàn bộ khu vực doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy tới 35 % ngành nghề lĩnh vực của nền kinh tế.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, chắc chắn sẽ có những chính sách, quyết sách mới và những chính sách này sẽ tác động đến thị trường bất động sản. Vấn đề là thời gian, thời điểm và mức độ tác động như thế nào.
“Từ nay đến cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ có một loạt những chính sách mới ban hành. Chúng tôi đang nghiên cứu sửa đổi trình Chính phủ vào quý III - IV/2021 để Chính phủ ban hành những quy định cụ thể hơn, nhằm hạn chế hoặc kiểm soát các hoạt động giao dịch của thị trường, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến đất nền, kinh doanh bất động sản", ông Khởi nói.
Vẫn còn tình trạng đầu cơ
Đánh giá thị trường bất động sản thời gian vừa quan, ông Khởi cho rằng, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực này dù đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn những quy định cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để hỗ trợ thị trường.
Cơ cấu sản phẩm bất động sản vẫn còn chưa phù hợp với nguồn cung trong thị trường thời gian qua. Đặc biệt là chung cư cao cấp trở nên nhiều hơn, mặc dù đầu vào không có nhiều thay đổi, nhưng bất động sản trung bình, giá rẻ phục vụ cho đại đa số tầng lớp có nhu cầu thì chưa phải là phát triển.
Trong khi đó, giá bất động sản đâu đó đã thiết lập một mặt bằng mới mặc dù có đại dịch COVID-19 xảy ra.
Ngoài ra, theo vị này, tình trạng đầu cơ vẫn còn diễn ra phổ biến ở các nơi, nhất là các đô thị lớn, các khu vực có chủ trương tách nhập, nâng cấp, xuất hiện các tình trạng thổi giá cục bộ,...
Dự báo thị trường bất động sản thời gian tới, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định, thị trường vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Dù bất động sản không phải là ngành chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch nhưng sự kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đầu tư từ các thị trường khác tác động vào.
Thứ hai, nhiều cơ chế về đất đai vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời, dù các hoạt động đầu tư liên quan đến xây dựng đã được tháo gỡ. Do đó, các vấn đề về giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng rất khó khăn.
Thứ ba, sự thay đổi của nền kinh tế trong nước và thế giới đã tác động đến thị trường bất động sản và có thể sẽ kéo dài ít nhất đến hết 2022 mới có tác động lớn, góp phần giúp thị trường phát triển thuận lợi.
"Các chính sách liên quan đến bất động sản có độ trễ tương đối lâu so với chính sách khác, thường thường từ 6 tháng mới có tác động nhiều đến thị trường. Như vậy, ở góc độ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà hoạt động kinh doanh bất động sản và người tham gia thị trường cần phải có cách nhìn hết sức thận trọng, có chiến lược kinh doanh bảo đảm để tránh bị tác động xấu ảnh hưởng", ông Khởi nói.