Sẽ chuyển đổi ba “ngân hàng 0 đồng” sang ngân hàng 100% vốn nước ngoài?
Tại Diễn đàn phát triển Việt Nam năm 2016 (VDF 2016) vừa diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam đang có kế hoạch xử lý mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam (bị mua lại với giá 0 đồng) và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém.
Hiểu thế nào cho đúng về thông tin ngân hàng 0 đồng có thể được ADB mua lại? Trao đổi với Dân Việt, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất rõ ràng là chúng ta sẽ bán cả ngân hàng 0 đồng cho các đối tác nước ngoài để họ chuyển đổi thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Bán 100% cổ phần ngân hàng 0 đồng cho đối tác nước ngoài
“Thay vì chúng ta tìm nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần bị giới hạn bởi room 30% thì chúng ta chuyển thành 100% vốn nước ngoài bằng cách bán cả cho đối tác nước ngoài. Đứng về mặt pháp lý, nó là một phương án xử lý triệt để những ngân hàng 0 đồng này và không sai luật tổ chức tín dụng, vì chúng ta đã cho thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài”, ông Kiên phân tích.
Theo ông Kiên, năm 2015 NHNN đã mua lại 3 ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng là OceanBank, VNCB và GP.Bank. Sau hơn 1 năm bị mua lại 0 đồng, những ngân hàng này vẫn đang hoạt động tốt dần lên, không xảy ra đổ vỡ lan truyền trong hệ thống, quyền lợi người gửi tiền vẫn được đảm bảo, nợ xấu vẫn đang được xử lý đúng hướng, đảm bảo khả năng thanh toán nội bảng của ngân hàng 0 đồng ổn định.
“Bước tiếp theo chúng ta cho đối tác mua lại 100% cổ phần là một giải pháp để xử lý dứt điểm 3 ngân hàng 0 đồng này. Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến với nhà đầu tư trên thế giới quan tâm tới M&A, các tổ chức tín dụng muốn mua lại ngân hàng… rất rõ ràng. Điều đó chứng tỏ Chính phủ rất kiên quyết xử lý nợ xấu để tổ chức tín dụng mạnh lên”, ông Kiên bình luận.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội |
Theo ông Kiên, mục tiêu của Chính phủ là đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong 2 năm tới để tổ chức tín dụng từng bước mạnh lên và hạ được lãi suất cho vay sao cho tương đương với mặt bằng lãi suất trong khu vực.
“Cứ mỗi năm chúng ta hạ được khoảng 0,5 – 1% mặt bằng lãi suất là tốt rồi và đây là điều kiện tốt để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp, nhất là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) khó thành hiện thực trong 1 -2 năm tới”, ông Kiên phân tích.
Ông Kiên cũng cho rằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phát đi thông điệp Chính phủ sẵn sàng làm mọi thứ để củng cố lại sự ổn định của thị trường tiền tệ và nhà đầu tư nào có khả năng quản trị tốt trong nước hay nước ngoài đều có cơ hội sở hữu các ngân hàng này và làm mọi phương pháp trong phạm vi pháp luật cho phép để hỗ trợ.
“Ngân hàng 0 đồng” nào sẽ vào tầm ngắm của ADB?
Ngân hàng Xây dựng (VNCB) là trường hợp đầu tiên bị NHNN mua lại với giá 0 đồng. Sau khi Phạm Công Danh của Tập đoàn Thiên Thanh mua lại đã đổi tên từ Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) sang VNCB.
Trước khi bị mua lại 0 đồng, NHNN đã cho VNCB tự tái cơ cấu bằng cách cho nhà đầu tư mới vào đó là Tập đoàn Thiên Thanh. Tuy nhiên, sau khi trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này, ông Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT VNCB và đồng bọn gây nhiều sai phạm khiến ngân hàng này ngày càng thua lỗ và không thể khắc phục được buộc NHNN phải mua lại 0 đồng.
Không những vậy, Phạm Công Danh đã đẩy VNCB vào vụ án gây thất thoát 9.000 tỷ đồng hiện chưa xử xong. Vì vậy, khả năng ADB mua lại ngân hàng 0 đồng VNCB không mấy khả thi.
OceanBank là ngân hàng thứ 2 được NHNN mua lại với giá 0 đồng vào ngày 25.4.2015. OceanBank là ngân hàng được đánh giá có nhiều tài sản là bất động sản nhưng chất lượng không tốt. Trong số 3 ngân hàng 0 đồng, OceanBank là ngân hàng có thương hiệu hơn cả với vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng nên có thể sẽ lọt vào tầm ngắm của ADB ?
Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP.Bank) là ngân hàng thứ 3 bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng kể từ ngày 7.7.2015.
Trước thời điểm bị mua lại 0 đồng, GP.Bank đã gây chú ý trên thị trường tài chính với thông tin sẽ được Ngân hàng UOB (ngân hàng của Singapore) mua lại 100% cổ phần. Sau khi thương vụ này đứt gánh, GP.Bank lại tiếp tục gây sự chú ý với thông tin đang đàm phán với một đối tác trong nước để bán cổ phần. Tuy nhiên, thương vụ này cũng đứt gánh và GP.Bank đã bị mua lại 0 đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng những thương vụ này không thành công là do mức giá đưa ra không được “thuận mua vừa bán”. Nếu lọt vào tầm ngắm của ADB, GP.Bank liệu còn "dính dớp" về giá bán?