|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SCIC lãi sau thuế 8.253 tỉ đồng năm 2018, vượt 52% kế hoạch

14:01 | 07/01/2019
Chia sẻ
Gia nhập cộng đồng Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, SCIC kỳ vọng có thể tìm kiếm được những khoản đầu tư mới từ nhóm 19 Tập đoàn, Tổng công ty. 

SCIC lãi 8.253 tỉ đồng năm 2018, vượt 52% kế hoạch

Sáng 7/1, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức buổi gọp mặt tổng kết hoạt động năm 2018.

Tính đến 31/12/2018, doanh thu của SCIC ước đạt 12.582 tỉ đồng, vượt 59% kế hoạch.

Trong đó cả ba mặt hoạt động đều có doanh thu tăng trưởng và vượt kế hoạch: doanh thu cổ tức ước 3.399 tỉ đồng, vượt 38% kế hoạch; doanh thu bán vốn ước 7.692 tỉ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 5.076 tỉ đồng, vượt 87% kế hoạch; doanh thu tài chính ước là 1.480 tỉ đồng, vượt 14% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế SCIC ước đạt 8.253 tỉ đồng, vượt 52% kế hoạch.

SCIC dự kiến nộp ngân sách Nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp trên 6.990 tỉ đồng, vượt 54% kế hoạch. Ngoài ra, chênh lệch từ bán vốn các doanh nghiệp lớn không được hạch toán doanh thu mà nộp trực tiếp vào Quỹ Hỗ trợ Sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp 2.185 tỉ đồng.

SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 14 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là hơn 4.055 tỉ đồng (tăng mạnh so với 2 năm trước liền kề, vốn tiếp nhận chỉ ở mức khoảng 1.000 tỉ đồng/năm), trong đó có một số DN lớn như: Tập đoàn Dệt may, TCT Thủy sản Việt Nam - Seaprodex, TCT Ligogi… Đến nay, SCIC đã hoàn thành tiếp nhận 30/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 4.069 tỉ đồng. Sau năm 2007, đây là con số vốn lớn nhất mà SCIC tiếp nhận được.

Trong năm, SCIC thực hiện bán vốn thành công tại 9 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 7 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 2 doanh nghiệp) và ghi nhận doanh thu bỏ cọc tại 2 doanh nghiệp, với tổng giá trị doanh thu ghi nhận là 7.693 tỉ đồng, chênh lệch bán vốn là 5.706 tỉ đồng trên giá vốn là 2.617 tỉ đồng đạt tỉ lệ 2,94 lần.

Khoản thoái vốn thành công như Nhựa Bình Minh, hiện thị giá còn nửa giá thoái hay thoái vốn Vinaconex gấp 3 lần giá vốn đều là những kết quả ấn tượng mà doanh nghiệp này có được.

Báo cáo của ông Nguyễn Chí Thành – Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC cho biết, quá trình thoái vốn, cổ phần hóa bị chậm nhưng SCIC vẫn là đơn vị bán vốn lớn nhất cả nước. Về công tác đầu tư, trong năm công ty triển khai triển khai nghiên cứu 20 cơ hội đầu tư mới, tuy nhiên đều không đáp ứng được yêu cầu.

Đến 31/12/2018, danh mục doanh nghiệp của SCIC gồm 145 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước gần 16.740 tỉ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 85.082 tỉ đồng. Trong đó có: 22 doanh nghiệp nhóm A1 chiếm tỉ trọng 60% giá trị vốn nhà nước, 9 doanh nghiệp nhóm A2 chiếm tỉ trọng 1,1% giá trị vốn nhà nước, 34 doanh nghiệp nhóm B1 chiếm tỉ trọng 15,6% giá trị vốn nhà nước và 79 doanh nghiệp nhóm B2 chiếm tỉ trọng 23,3% giá trị vốn nhà nước.

Sang năm 2019, SCIC tiếp tục định hướng đầu tư tài chính, đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ, SCIC sẽ có vai trò đầu tư mồi, đặc biệt công ty sẽ phối hợp với hệ sinh thái Siêu ủy ban nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.

scic lai sau thue 8253 ti dong nam 2018 vuot 52 ke hoach
SCIC đặt kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong năm 2018 (Ảnh: ĐA)

Tìm kiếm cơ hội đầu tư mới từ nhóm "Siêu ủy ban"

Theo ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐTV SCIC, năm 2018 mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc, nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn là thuận lợi. Kết quả mà SCIC có được đến từ nỗ lực và cộng thêm sự may mắn, ngoài ra còn do đặc thù hoạt động kinh doanh.

Nói về khoản đầu tư vào Vinaconex, ông Nguyễn Đức Chi nhớ lại, thời điểm SCIC rót vốn hơn 2.000 tỉ đồng, nếu không đầu tư doanh nghiệp này có nguy cơ vào cảnh phá sản. SCIC được Chính phủ giao, đưa khoản đầu tư vào, cùng quản lý đưa Vinaconex vượt khó khăn. SCIC nhận về những khoản cổ tức đầu tiên từ 4%, 8%... rồi thoái vốn thu về gần 7.400 tỉ đồng.

Sau khi thoái vốn, SCIC linh động phương án tổ chức đại hội đồng cổ đông sớm (ngày 11/1 này), đưa nhóm cổ đông mới vào nắm quyền tại Vinaconex thay vì phải đợi 6 tháng theo quy định.Theo ông Nguyễn Đức Chi, quy định này có lẽ cần thay đổi nhằm tăng tính hấp dẫn đối các thương vụ thoái vốn Nhà nước cũng như tránh mâu thuẫn.

Năm 2018, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước chính thức hoạt động, Chính phủ tách biệt chức năng quản lý nhà Nhà nước và quản trị vốn, từ đó các bộ ngành chuyển giao phần vốn quản lý của mình về cho SCIC. Thuộc cộng đồng Siêu ủy ban cùng với 19 Tập đoàn, Tổng công ty, ông Nguyễn Đức Chi kỳ vọng SCIC có thể tìm kiếm được những cơ hội đầu tư mới từ nhóm này.

Bổ nhiệm Tổng giám đốc SCIC đầu năm 2019

Về vấn đề quản trị, hiện SCIC vẫn chưa có người đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc và đại diện pháp luật, tuy nhiên thực hiện xong quy hoạch cán bộ. Ông Chi tin tưởng vấn đề này sẽ được thực hiện trong đầu năm 2019 này.

Việc Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, SCIC là đơn vị nhiều kinh nghiệm và có năng lực có nhiệm vụ phải hoàn thành. Theo ông Chi, xác định giá trị sử dụng đất của doanh nghiệp là vấn đề khó khăn nhưng cần thiết; cơ quan Nhà nước phải có chỉ đạo đồng bộ, với các đại phương không có phản hồi, SCIC sẽ báo cáo.

Ông Chi cho rằng, chỉ thị 01 của Thủ tướng sẽ đi vào thực tế, SCIC sẽ hết sức mình thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao.

Hiện SCIC đã tiếp nhận được 30 đối tượng doanh nghiệp bàn giao, nhiệm vụ trong thời gian tới còn hơn 100 doanh nghiệp, bao gồm còn tồn dư 32 doanh nghiệp và 70 doanh nghiệp nhận chuyển giao.

Với việc năm 2018 kết quả kinh doanh đột biến, ông Nguyễn Đức Chi và ban lãnh đạo SCIC xác định tinh thần khó có thể đạt mức tăng trưởng tối thiểu 7 – 8% trong năm 2019. Hội đồng thành viên SCIC đang bàn thống nhất lại nhằm đưa phương án khả thi.

Trong khi chờ kế hoạch phê duyệt chính thức, những công việc còn tồn đọng SCIC vẫn tiếp tục làm, còn tồn dư trong kế hoạch thoái vốn 2018 sẽ được thực hiện sớm trong năm 2019.

Xem thêm

Đông A