|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau thành công mang tên Go-Jek, 'ông lớn' KKR sắp mở thêm quỹ đầu tư dành riêng cho Châu Á

13:38 | 12/12/2019
Chia sẻ
Với KKR, Châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành điểm đến đầu tư an toàn hàng đầu trên thế giới.

Theo nguồn tin từ Nikkei Asian Review, công ty quỹ tư nhân Kohlberg Kravis Roberts (KKR) sẽ ra mắt quỹ đầu tư thứ tư tập trung vào thị trường Châu Á trong năm sau.

kkr1

Đà tăng trưởng ấn tượng mà Go-Jek đạt được một phần đến từ khoản đầu tư lớn của KKR. (Ảnh: Nikkei)

Mới đây, KKR đã đưa ông Hirofumi Hirano, CEO thị trường Nhật Bản, và ông Ashish Shastry, đại diện vận hành khu vực Đông Nam Á, trở thành đồng giám đốc mảng đầu tư quỹ tư nhân tại Châu Á – Thái Bình Dương.

Quy mô của ba quỹ đầu tư trước vào Đông Nam Á của KKR được ước tính vào khoảng 20 tỉ USD. Quỹ đầu tiên được lập ra vào năm 2007 và sau đó là vào năm 2013 và 2017.

KKR trước đó từng thực hiện nhiều thương vụ đầu tư trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm mục đích hỗ trợ các tập đoàn lớn dễ dàng thực hiện tái cấu trúc các mảng kinh doanh xuyên biên giới.

Hồi tháng 8, nó thâu tóm mảng kinh doanh snack tại Châu Á – Thái Bình Dương của công ty Mỹ Campbell Soup bằng số tiền đầu tư 2,2 tỉ USD.

Bên cạnh đó, KKR cũng đầu tư mạnh vào công nghệ thông tin và các công ty thuộc nhiều ngành ở Châu Á – Thái Bình Dương. Các công ty nhận được đầu tư thường đã trải qua giai đoạn phát triển ban đầu và bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng.

kkr2

Các quỹ tập trung vào thị trường Châu Á của KKR. (Nguồn: KKR/ Nikkei, Việt hoá: Thái Sơn)

"Châu Á sẽ tiếp tục là điểm sáng," ông Ashish Shastry nhấn mạnh. KKR tin rằng Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có thể tránh khỏi được các điểm nóng của kinh tế thế giới như thương chiến Mỹ - Trung hay Anh rời EU để duy trì tăng trưởng.

Sự phát triển của Châu Á cũng một phần đến từ những startup công nghệ như Go-Jek, "ông lớn" gọi xe Indonesia. KKR chính là một trong những nhà đầu tư chiến lược đã giúp Go-Jek đạt được định giá 10 tỉ USD như hiện nay.

Hồi tháng 8/2016, quỹ đầu tư của KKR Mỹ Warburg Pincus và nhiều nhà đầu tư khác đã quyết định rót 550 triệu USD vào Go-Jek. Thời điểm đó, ông Nadiem Makarim, cựu CEO Go-Jek, nói rằng, "chúng tôi cảm thấy hào hứng khi được làm việc với các đối tác đăng cấp quốc tế".

Sự tham gia của KKR vào thương vụ đầu tư cho Go-Jek đã giúp thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư vào Go-Jek nói riêng và thị trường gọi xe Đông Nam Á nói chung.

Năm 2018, nhiều nhà đầu tư lớn, bao gồm cả Alphabet đã "theo bước" KKR để đầu tư vào Go-Jek. Trong cùng năm, KKR hợp tác cùng Tencent để đầu tư vào công ty thanh toán điện tử Philippines Voyager Innovations.

Trong một thương vụ khác của năm 2018, KKR đầu tư một khoản đầu tư nhỏ vào ByteDance, công ty mẹ của TikTok với định giá 73,6 tỉ USD ở thời điểm hiện tại và đầu tư 200 triệu USD vào công ty giao dịch bất động sản trực tuyến PropertyGuru.

Khoản đầu tư này được cho là sẽ được PropertyGuru sử dụng vào mục tiêu mở rộng sang Việt Nam.

kkr3

KKR đầu tư vào đa ngành ở Châu Á. (Nguồn: KKR/ Nikkei, Việt hoá: Thái Sơn)

Trong năm 2020, Nikkei nói rằng PropertyGuru nhiều khả năng sẽ mạnh dạn chi tiền để thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm và sáp nhập các công ty phân tích thông tin bất động sản và cho vay mua nhà.

KKR có thể đã đầu tư cho PropertyGuru thông qua quỹ Châu Á 9,3 tỉ USD thành lập năm 2017.

KKR đang theo đuỗi chiến lược "đầu tư tăng trưởng" với nhiều khoản đầu tư vào các công ty ở giai đoạn tăng trưởng thông qua Emerald Media có trụ sở ở Mumbai, Ấn Độ. Năm 2017, Emerald Media đã dẫn dắt vòng gọi vốn 65 triệu USD cho aCommerce (Thái Lan).

Thái Sơn