|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các hãng ô tô điện Trung Quốc lãi không nhờ xe thuần điện

08:09 | 24/02/2025
Chia sẻ
Dòng xe hybrid và xe điện mở rộng phạm vi (EREV) giúp biên lợi nhuận và doanh số các hãng xe điện Trung Quốc tăng mạnh trong năm qua.

Ngày càng nhiều hãng xe điện và xe năng lượng mới của Trung Quốc bắt đầu có lãi sau nhiều năm thua lỗ. Họ đang dần theo bước BYD nhờ vào các dòng xe không thuần điện, giúp giảm bớt chi phí pin, theo Nikkei Asia.

Seres Group dự kiến sẽ đạt lợi nhuận từ 5,5 đến 6 tỷ nhân dân tệ (750 đến 820 triệu USD) trong năm 2024. Đây là lần đầu tiên hãng có lãi sau 5 năm, đảo ngược khoản lỗ 2,4 tỷ nhân dân tệ trong năm 2023.

Seres hợp tác với Huawei để sản xuất và bán xe thương hiệu Aito, bao gồm xe điện và hybrid sạc điện (PHEV). Sau khi mẫu SUV Aito M5 ra mắt vào năm 2022, doanh số của thương hiệu này tăng mạnh, giúp Seres cải thiện tình hình tài chính.

Năm ngoái, Seres bán được 497.000 xe, gần gấp đôi năm trước. Riêng dòng Aito tăng gấp 3,7 lần, đạt khoảng 389.000 xe. Để so sánh, BYD - hãng xe năng lượng mới lớn nhất Trung Quốc, ghi nhận mức tăng doanh số 41%.

 

Mẫu xe nổi bật nhất của Seres là Aito M7, thuộc dòng xe điện mở rộng phạm vi (EREV). Đây là phiên bản nâng cấp của hybrid sạc điện, có thêm máy phát chạy xăng để tạo điện nhưng không trực tiếp vận hành xe.

Chiếc SUV này có giá từ 249.800 đến 329.800 nhân dân tệ. Xe được trang bị công nghệ Huawei, hệ thống hỗ trợ lái và nội thất sang trọng.

Trong năm 2023, 197.100 chiếc Aito M7 được bán ra, đưa nó vào top 6 mẫu xe hybrid sạc điện bán chạy nhất Trung Quốc. Đây cũng là mẫu xe không thuộc BYD có doanh số cao nhất trong phân khúc, theo dữ liệu từ nền tảng ô tô Yiche.

Hãng xe năng lượng mới Leapmotor Technology cũng vừa có lãi trong quý cuối năm 2024, sớm hơn một năm so với dự kiến. Trước đó, hãng liên tục báo lỗ từ năm 2019.

Leapmotor đã bán 294.000 xe trong năm 2023, trong đó 120.000 xe được bán riêng trong quý IV. Mẫu SUV C16, ra mắt vào tháng 6, đóng góp đáng kể vào doanh số. Xe có hai phiên bản EREV và thuần điện, với giá lần lượt 150.000 nhân dân tệ và 160.000 nhân dân tệ.

EREV (Extended-Range Electric Vehicle) là xe điện mở rộng phạm vi. Đây là một loại xe điện có thêm một máy phát điện chạy bằng xăng để sạc pin khi dung lượng pin thấp, giúp xe có thể chạy xa hơn so với xe thuần điện (EV - Electric Vehicle).

Seres đạt lợi nhuận sau Li Auto - hãng xe đang khẳng định vị thế trong phân khúc cao cấp với mức giá từ 250.000 đến 500.000 nhân dân tệ. Giống Seres, Li Auto cũng tập trung vào các mẫu SUV EREV.

Các hãng xe điện Trung Quốc ngoài BYD đang có những đồng tiền lãi đầu tiên sau nhiều năm theo đuổi ô tô điện. (Ảnh: Thành Vũ).

Li Auto lên sàn vào năm 2020 nhưng vẫn thua lỗ cho đến khi có lãi vào năm 2023. Khi đó, doanh số của hãng tăng gần gấp ba, đạt 376.000 xe. Đến năm 2024, tổng số xe bán ra đã vượt 500.000 chiếc.

Mặc dù Seres, Li Auto và Leapmotor có mô hình kinh doanh và phân khúc giá khác nhau, nhưng để có lợi nhuận, các hãng xe năng lượng mới dường như cần đạt doanh số ít nhất 300.000 xe mỗi năm.

Bên cạnh doanh số, việc tập trung vào các mẫu xe có biên lợi nhuận cao cũng rất quan trọng. Ngay cả Leapmotor, dù có mức giá trung bình thấp hơn Seres và Li Auto, cũng cho biết “dòng xe C cao cấp chiếm hơn 77% tổng doanh số”, giúp hãng có lãi trong quý vừa qua.

Năm 2023, nhiều hãng xe Nhật Bản nhận định rằng dù xe điện phát triển mạnh ở Trung Quốc, chỉ có BYD là công ty xe năng lượng mới duy nhất có lợi nhuận. Nguyên nhân là chi phí pin chiếm 30-40% giá thành xe, khiến xe điện thuần túy khó có biên lợi nhuận tốt như xe chạy xăng.

Nhưng tình hình đang thay đổi. Xe hybrid sạc điện (PHEV) và xe điện mở rộng phạm vi (EREV) ngày càng phổ biến. Những mẫu xe này sử dụng pin nhỏ hơn, giúp các hãng dễ đạt lợi nhuận hơn so với xe điện thuần túy. Seres và Li Auto cũng hưởng lợi nhờ thương hiệu cao cấp và mức giá cao.

Chủ tịch Seres, Zhang Xinghai, đặt mục tiêu lớn hơn. Theo truyền thông Trung Quốc, ông nói với nhân viên rằng công ty muốn đạt 1 triệu xe bán ra trong vòng ba năm tới.

Đức Huy