Sau năm 2018 rớt thảm, chứng khoán Trung Quốc có nguy cơ tăng trưởng quá nóng
Đầu năm tươi sáng với chứng khoán Trung Quốc
Từ tháng 1 đến nay, chứng khoán Trung Quốc liên tục hồi phục, cùng với đó là giá trị vốn hóa của thị trường này tăng thêm 893 tỉ USD. Nước lên thuyền lên, cả những doanh nghiệp startup đầy rủi ro trên sàn Thẩm Quyến và những doanh nghiệp nhà nước khổng lồ đều được lợi.
Đợt hồi phục diễn ra nhanh và rộng đến nỗi đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy 4 chỉ số chính chứng khoán Trung Quốc đang tăng trưởng quá nóng.
Chỉ số CSI 300 với mức tăng 15% đang có khởi đầu thuận lợi nhất trong 10 năm trở lại đây. Và giá trị giao dịch trên tất cả sàn chứng khoán tại Trung Quốc đều đang gần mức cao kỉ lục hồi tháng 3/2018.
Định giá trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã ở mức thấp trong nhiều tháng nay, tuy nhiên thị trường này chỉ thực sự “thăng hoa” sau khi một loạt số liệu kinh tế tiêu cực khiến cho nhiều người phỏng đoán việc nới lỏng chính sách tiền tệ là gần như chắc chắn.
Thị trường càng tăng mạnh sau khi tân Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nới lỏng các hạn chế giao dịch và khuyến khích các giao dịch kí quĩ. Thanh khoản dư thừa và việc khối ngoại mua ròng liên tục đã đẩy doanh số giao dịch của thị trường lên cao.
Ông Wang Chen, một lãnh đạo tại công ty quản lí tài sản XuFunds Investment Management Co nhận định: “Diễn biến thị trường gần đây phản ánh sự thay đổi trong kì vọng của nhà đầu tư. Đợt hồi phục này diễn ra là nhờ nhà đầu tư tăng khẩu vị rủi ro trở lại và đưa định giá thị trường lên mức hợp lí hơn."
Nguồn: Bloomberg. |
Đợt tăng điểm đầu năm 2019 hoàn toàn trái ngược với diễn biến tiêu cực của năm 2018 khi chiến dịch giảm đòn bẩy vay nợ do chính phủ thực hiện đã gây ra những đợt co thắt tín dụng va số vụ vỡ nợ trái phiếu tăng cao kỉ lục.
Cụ thể, chỉ số CSI 300 giảm hơn 26% trong năm 2018, trong khi đối thủ gần nhất là Nikkei 225 tại Nhật Bản chỉ mất 14%.
Chỉ số Shanghai (Thượng Hải) Composite mất 24,6% và Shenzen (Thẩm Quyến) Composite mất 33,25%.
Hơn 2.300 tỉ USD vốn hóa đã bị thổi bay, tâm lí thị trường bi quan tới mức doanh số giao dịch trung bình tháng 12 vừa qua tụt xuống gần mức thấp nhất trong gần 4 năm trở lại đây. Năm 2018 là năm tồi tệ nhất của chứng khoán Trung Quốc trong một thập kỉ, cũng là năm mà chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất so với các thị trường lớn trên thế giới.
Diễn biến chỉ số CSI 300 của Trung Quốc trong năm 2018. Nguồn: Business Insider |
Lạc quan thiếu căn cứ
Tháng 2/2019, các nhà đầu tư nhanh chóng bỏ lại phía sau hàng loạt cảnh báo lợi nhuận hồi tháng trước cũng như triển vọng kinh tế u ám của Trung Quốc, thay vào đó họ tập trung vào những lí do có thể khiến thị trường cải thiện. Chẳng hạn như một lần cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang được nhà đầu tư xem xét, hội nghị thường niên các quan chức cấp cao tổ chức vào tháng sau có thể sẽ cho ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng vào cuộc, tuyên truyền mạnh mẽ triển vọng tươi sáng của thị trường chứng khoán.
Trong tuần sau, tổ chức MSCI sẽ quyết định có đưa thêm cổ phiếu loại A của Trung Quốc vào rổ chỉ số hay không. Đây có thể là một chất xúc tác nữa giúp thị trường đi lên.
Điều đáng lo ở đây là đợt hồi phục vừa qua của thị trường chứng khoán Trung Quốc không có nền tảng vững chắc, chủ yếu là do tâm lí nhà đầu tư rất dễ dao động. Đã có những bằng chứng cho thấy giao dịch đầu cơ bước đầu xuất hiện tại những phân khúc rủi ro nhất của thị trường. Nhiều nhà đầu tư cũng đã vay thêm tiền để “mua đuổi” đợt tăng điểm này.
Những người thận trọng và hoài nghi thì cho rằng chỉ có những thông tin về lợi nhuận cao hơn mức kì vọng mới có thể thực sự đẩy thị trường đi lên.
Ông Jeff Chang, Chủ tịch Công ty Cathay Securities Investment Trust Co. tại Đài Bắc nhận xét: “Đợt tăng vừa qua thiếu sự hỗ trợ căn bản. Các chỉ số khó có thể tăng nhiều nữa nếu lợi nhuận không vượt kì vọng của nhà đầu tư”.
Mức định giá thấp vẫn tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư lao vào bắt đáy. Chỉ số CSI 300 hiện vẫn có P/E dự báo dưới 11 lần – thấp hơn khoảng 25% so với mức đỉnh hồi năm ngoái. Ngay cả chỉ số ChiNext gồm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng đang có P/E thấp hơn 35% so với trung bình 5 năm.
Ông Arthur Kwong, Trưởng bộ phận chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương tại công ty quản lí tài sản BNP Paribas Asset Management tại Hong Kong nhận định: Điều này có nghĩa là vẫn còn khá nhiều cơ hội tại thị trường Trung Quốc mặc dù đợt hồi phục vừa qua sẽ khó kéo dài. “Giá đã hồi phục khá nhiều và bây giờ là lúc phải chọn lọc, thay vì mua cả rổ như trước”, ông nói.