|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sau 'đường lưỡi bò', phát hiện thêm giáo trình đại học xâm phạm chủ quyền

09:00 | 05/11/2019
Chia sẻ
Không chỉ cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 có in bản đồ “đường lưỡi bò”, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn có hai 2 cuốn giáo trình khác cũng có những sai sót tương tự.
anh_sach_luoi_bo_moi_yidu

Phát hiện thêm hình ảnh bản đồ in "đường lưỡi bò" nằm ở trang 32 cuốn Nghe sơ cấp 1 - "Developing Chinese" của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Thêm hai giáo trình có sai sót

Trong danh sách các giáo trình, ngoài môn Đọc, Hội đồng thẩm định của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ còn phát hiện ra cuốn giáo trình “Tổng quan về Trung Quốc” (Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 2018” ghi quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là quần đảo Hoàng Sa (ghi sai thành Tây Sa), quần đảo Trường Sa (ghi sai là Nam Sa).

Trao đổi với PV chiều 4/11, ông Nguyễn Thế Nhị, Chánh Văn phòng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, quá trình thẩm định giáo trình tại trường thông qua 2 bước là Hội đồng cấp khoa và Hội đồng cấp trường. 

Cuốn sách này do các giáo viên đi thực tập bên Trung Quốc sưu tầm, không phải do Nhà xuất bản của Việt Nam làm. Khoa Tiếng Trung và tiếng Nhật nhận thấy có thể giúp ích cho quá trình học tập, nghiên cứu của sinh viên nên đã đưa vào làm giáo trình.

“Tổng số sách photo copy bán cho sinh viên là 716 cuốn, đến nay đã thu hồi là hơn 900 cuốn (nhiều học sinh photo copy của nhau)”, ông Nhị cho biết.

Theo ông Nhị, hiện nay, sau khi thu hồi và cho hủy toàn bộ giáo trình trên, nhà trường đã yêu cầu khoa biên tập lại giáo trình khác cho sinh viên nghiên cứu học tập. Tài liệu này sẽ được phát miễn phí cho sinh viên.

Như Tiền Phong thông tin, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sử dụng giáo trình dạy tiếng Trung tại Khoa Tiếng Trung và tiếng Nhật có bản đồ Trung Quốc kèm hình lưỡi bò làm tài liệu giảng dạy trong một thời gian dài.

Sách lậu, chưa được cấp phép

Hai tài liệu mà phóng viên mua và được cung cấp cho thấy, cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 (tên đầy đủ là “Developing Chinese - Emlementary Reading and Writing Course”) và cuốn “Elementary Listening Course” đều là bản photo copy. Hai cuốn có bìa cứng, tương đối giống nhau, trang cuối là bìa carton màu xanh. 

Trên giáo trình này không ghi những thông tin bắt buộc như tên nhà xuất bản tại Việt Nam hoặc cơ quan tổ chức được cấp giấy phép xuất bản, tên người dịch, người phiên âm, số lượng in, tên và địa chỉ cơ sở in, thời gian nộp lưu chiểu… theo quy định.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông - TTTT) cho biết, theo quy tắc, sách nhập về Việt Nam phải xin phép. Cục đã nắm được thông tin cuốn sách có in “đường lưỡi bò” và đang cho kiểm tra xem nguồn cuốn sách vào từ đâu.

PGS. TS Trần Văn Hải, nguyên Trưởng khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, nếu nhập nguyên bản về in sao bán cho sinh viên mà không thông qua nhà xuất bản nào, rõ ràng là sách lậu. 

Nguyên tắc, sách ở nước ngoài về Việt Nam muốn nhân bản, phát hành phải thông qua một nhà xuất bản và phải xin phép.

Theo PGS. TS Hải, một cuốn sách nước ngoài muốn in ấn phát hành ở Việt Nam đảm bảo điều kiện: Thứ nhất, phải có giấy phép do Cục Xuất bản (Bộ TTTT) phát hành cho đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu sách nước ngoài. Trong lô hàng nhập khẩu, không có trong danh mục, hoặc sai danh mục, hoặc có nội dung trái với Luật Xuất bản không được nhập khẩu. 

Thứ 2, nhập khẩu sách về để bán, in, nhân bản phải thông qua nhà xuất bản chuyên trách. "Nhà trường không được phép in ấn, phát hành sách. Nếu in ấn phát hành chỉ có cách photo copy, nên việc để lọt sai sót trường, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm", PGS. TS Hải nói.

Theo Luật Xuất bản số 19/2012/QH13, để xuất bản tác phẩm, tài liệu của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam phải được nhà xuất bản Việt Nam thực hiện.

Ngoài ra, luật này cũng nghiêm cấm việc xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản, in lậu, in giả, in nối bản trái phép, phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu.


Đức Anh