Sau cơn sốt Mixue đến lượt Nước Lê mọc lên như nấm: Ai là người đứng sau?
Được phát triển theo mô hình take away (bán mang đi) và không có chỗ ngồi dùng tại chỗ, chuỗi đồ uống “Nước lê thần thánh” đã mở rộng nhanh như nấm sau mưa, đồng thời trở thành một hiện tượng trên thị trường F&B Hà Nội trong thời gian qua.
Cửa hàng Nước Lê đầu tiên đặt tại Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội, mở từ đầu tháng 4 năm nay. Hiện tại, Nước Lê đã có 31 cơ sở tại Hà Nội và 1 cơ sở tại TP HCM. Với mức giá bình dân chỉ từ 20.000 đồng/sản phẩm, chuỗi cửa hàng này đã thu hút được nhiều khách hàng, đặc biệt là giới trẻ trải nghiệm.
Ngoài ra, vì phát triển theo mô hình take away, nhiều cơ sở đơn giản chỉ là một quầy hàng pha chế đặt trên vỉa hè, chi phí phát triển không quá cao đã giúp Nước Lê tăng nhanh số lượng điểm bán sau một thời gian ngắn.
Theo tìm hiểu, Nước Lê thuộc sở hữu của công ty TNHH Đầu tư Pika Lê Việt Nam, địa chỉ đặt tại Quán Thánh, Ba Đình - trùng địa chỉ quán Nước Lê đầu tiên. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hoàng Quân, sinh năm 1993.
Ngành nghề kinh doanh chính của Pika Lê theo đăng ký là sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng. Hiện, Nước Lê được phát triển theo hình thức nhượng quyền.
Mô hình take away không mới tại Việt Nam song hình thức này chỉ thực sự phát triển trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 và khoảng thời gian sau đó, khi người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, hướng đến sử dụng các sản phẩm có giá cả phải chăng và tiện lợi.
Nhiều thương hiệu lớn trong ngành đồ uống như Highlands Coffee, The Coffee House, Phúc Long… cũng đã từng phát triển mô hình này. Chẳng hạn, sau khi về tay Masan Group, Phúc Long đã phát triển hàng loạt các điểm bán take away nằm trong các cửa hàng tiện lợi, siêu thị WinMart nhằm tận dụng tập khách hàng sẵn có.
Có thời điểm, Phúc Long đạt gần 800 điểm bán như vậy trên toàn quốc, kỳ vọng doanh thu lên tới 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2023, Phúc Long thay đổi chiến lược, bắt đầu đóng các điểm bán không hiệu quả và quay về tập trung cho mô hình cửa hàng flagship truyền thống.
Tương tự, The Coffee House từng mở 8-9 kiosk trong các siêu thị King Food cùng thuộc hệ sinh thái của Seedcom. “Ông lớn” Highland Coffee cũng từng tham gia phát triển mô hình này vào năm 2020, với các quầy pha chế đặt trên vỉa hè, menu đơn giản giá bán thấp hơn cửa hàng chỉ từ 10.000 đồng/sản phẩm.
Gần đây nhất là chuỗi đồ uống Ông Bầu vốn quen thuộc tại thị trường phía Nam, cũng đã mời gọi đầu tư nhượng quyền theo mô hình xe đẩy, bán mang đi. Theo giới thiệu, nhà đầu tư chỉ cần bỏ chi phí ban đầu chưa tới 50 triệu đồng là có thể vận hành xe đẩy cà phê Ông Bầu.
Đánh giá về mô hình bán mang đi, ông Hoàng Tùng - Founder Pizza Home đồng thời là chuyên gia thương hiệu F&B từng chia sẻ trên iPOS.vn rằng: “Với mô hình kiosk hay xe đẩy, các thương hiệu F&B có thể tiếp cận đông đảo khách hàng và mở rộng nguồn doanh thu với chi phí ít hơn, triển khai bán hàng nhanh hơn. Đó cũng là hướng đi mà các ông lớn đang lựa chọn và tôi đánh giá rằng mô hình kiosk có đủ sức mạnh và tầm ảnh hưởng để làm thay đổi bộ mặt ngành F&B trong tương lai”.
Lý giải về lợi thế mô hình bán mang đi, ông Lê Bá Nam Anh, cựu CEO The Coffee House, từng chia sẻ rằng: “Do thị trường ngày càng đông đúc, các thương hiệu trong phân khúc cao cấp phải gia tăng sức cạnh tranh bằng cách “đổ tiền” vào những mặt bằng đẹp ở vị trí trung tâm.
Việc này dẫn đến tình trạng The Coffee House mặc dù sở hữu doanh thu “khủng” nhưng thực tế vẫn lỗ nặng. Trước tình hình đó, thương hiệu buộc phải thay đổi chiến lược để mở rộng nguồn doanh thu”. Và mô hình kiosk có thể là biện pháp để chuỗi đồ uống lớn này tăng doanh thu trong khi không quá mất nhiều chi phí phát triển điểm bán.
Theo báo cáo của iPOS.vn công bố hồi tháng 4 về thị trường F&B năm 2023 cho thấy tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam đang có 317.299 cửa hàng cà phê và trà, tăng 1,26%. Mặc dù tổng số cửa hàng không tăng nhiều nhưng doanh thu vẫn chạy đua, ở mức hai con số, tăng 11,6%, đạt 590.000 tỷ đồng (24,1 tỷ USD).
Còn theo báo cáo thị trường chuỗi các thương hiệu quán cà phê do Vietdata công bố, quy mô thị trường chuỗi nhà hàng và đồ uống tại Việt Nam ước tính đến khoảng 1,3 tỷ USD mỗi năm. Điều này tạo ra sức hấp dẫn của thị trường đồ uống Việt, giúp các mô hình mới như Nước Lê kể trên hay hiện tượng Mixue, dù đến sau vẫn có chỗ đứng để phát triển.