Sara tiếp tục đặt kế hoạch lợi nhuận hơn trăm tỉ, bất ngờ trả cổ tức tiền mặt 10%
Hội đồng quản trị CTCP Sara Việt Nam (Mã: SRA) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu thuần 350 tỉ đồng, giảm 11% so với năm 2018; biên lợi nhuận gộp ở mức 36%. Kế hoạch chi phí bán hàng chỉ 500 triệu đồng (tăng 3,4 lần), chi phí quản lý doanh nghiệp 2,5 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 110 tỉ đồng, tăng trưởng 5%.
Tại thời điểm 31/12/2018, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của SRA là 107 tỉ đồng, công ty có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông tỉ lệ 30% vốn điều lệ và đáng chú ý là trả cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ 10% vốn điều lệ.
Năm 2018, SRA đạt doanh thu kỷ lục 392 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 105 tỉ đồng, tăng gấp 10 lần năm trước đó. Dù hoạt động chính là kinh doanh thiết bị y tế, tuy nhiên dòng tiền luân chuyển của công ty trong năm không đáng kể, báo cáo cũng tỏ ra khá sơ sài.
Tại thời điểm 31/12/2018, các khoản phải thu lớn của SRA gồm Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ Thuật Tài Lộc hơn 39 tỉ đồng và Công ty TNHH IDS Medical Systems Việt Nam (chi nhánh Hà Nội) 13 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh của SRA đột biến kể từ năm 2018
Cuối quý I/2019, tổng tài sản của Sara tăng gần gấp đôi so với đầu năm lên 326 tỉ đồng. Khoản trả trước cho người bán tăng từ 38 tỉ đồng lên 157 tỉ đồng; tiền mặt tăng hơn 8 lần lên 47 tỉ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm, vốn điều lệ của công ty tăng 9 lần từ 20 tỉ đồng lên 180 tỉ đồng và không có nợ vay. Doanh thu quý I đạt 94 tỉ đồng, lãi sau thuế 27 tỉ đồng.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy tiền thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ đạt 119 tỉ đồng, ngược lại tiền chi trả cho người cung cấp 220 tỉ đồng, đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Các khoản phải thu tại thời điểm 31/3/2019 có sự xuất hiện của thêm những cái tên như Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Tùng Bách (16,5 tỉ đồng) và Công ty TNHH TM và DV TMC Việt Nam (5 tỉ đồng)… đều là các công ty có địa chỉ trong ngõ, ngách TP Hà Nội.
Chiều ngược lại, Sara có các khoản trả trước người bán lớn với Công ty TNHH Thiết bị Y học Nhật (83 tỉ đồng), CTCP Sara Phú Thọ (28 tỉ đồng), CTCP Kanpeki Nhật Bản (33 tỉ đồng) và Công ty TNHH Thiết bị và Dụng cụ Y khoa 3P (9 tỉ đồng).
Quý III/2018, SRA từng được giới đầu tư gọi với cái tên "siêu cổ phiếu" bởi màn tăng sốc từ 3.700 đồng/cp lên 29.000 đồng. Tuy nhiên ngay sau đó, cổ phiếu này rơi thảm hại về mức 9.250 đồng trước khi tiếp tục tạo một "cơn sóng thần" khác tăng lên mức đỉnh cũ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/5, cổ phiếu SRA giảm sàn còn 15.800 đồng/đơn vị.