Sắp tới, vốn tiếp tục được bơm ra mạnh
Trong sáu tháng đầu năm, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, với tỷ trọng khoảng 80% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Ảnh: ĐÀO LOAN |
Nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Số liệu từ NHNN cho biết: tính đến ngày 30-6-2017, tín dụng tăng trưởng 9,06%, huy động vốn tăng 7,43% so với cuối năm 2016. Con số này đã có sự cải thiện mạnh so với thời điểm cách đó 10 ngày, khi đến ngày 20-6-2017, tín dụng mới chỉ tăng 7,54%. Như vậy, chỉ trong hơn một tuần cuối tháng 6, tín dụng đã có mức tăng 1,52%, tương đương 84.000 tỉ đồng.
Mức tăng đột biến này khiến nhiều nhà đầu tư hình dung đến kịch bản các ngân hàng có thể đã có những động thái “làm đẹp” số liệu, phục vụ cho việc chốt các chỉ tiêu kinh doanh trong sáu tháng đầu năm. Suy đoán này càng có cơ sở hơn khi tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 vừa qua đã chậm lại đáng kể. Theo báo cáo về tình hình kinh tế tháng 7-2017 và bảy tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì tín dụng tính đến hết tháng 7-2017 ước tăng 9,3% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,8%). Điều này đồng nghĩa với việc dư nợ cho vay chỉ tăng 0,24% riêng trong tháng 7. Cũng theo báo cáo này, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn trong bảy tháng đầu năm có xu hướng giảm, chiếm khoảng 53,9% tổng tín dụng (cuối năm 2016 chiếm 55,1%) trong khi tỷ trọng tín dụng ngắn hạn có xu hướng tăng, chiếm 46,1% (cuối năm 2016 chiếm 44,9%). Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tiếp tục duy trì ổn định. Tín dụng tiền đồng (VND) chiếm khoảng 91,7% còn tín dụng ngoại tệ chiếm 8,3% tổng quy mô tín dụng.
Nới tín dụng trong bối cảnh nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước đang được đẩy nhanh tiến độ giải ngân có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thanh khoản hệ thống ngân hàng vì Kho bạc Nhà nước sẽ phải rút dần 143.000 tỉ đồng đang được gửi tại các ngân hàng. |
Trước khả năng hệ thống ngân hàng sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 18% đặt ra hồi đầu năm, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra vào ngày 3-8-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất cho vay, đồng thời đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trong năm nay, trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô. Đề xuất này không có gì là bất ngờ, đặt trong bối cảnh lạm phát vẫn đang ở mức khá thấp trong khi động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP còn gặp nhiều trở ngại. Hiện tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng đạt khoảng 6 triệu tỉ đồng. Nếu tăng trưởng tín dụng đạt 20% nghĩa là cả năm 2017 dư nợ phải tăng thêm 1,2 triệu tỉ đồng. Như vậy, trong năm tháng cuối năm, một lượng vốn không hề nhỏ (khoảng 642.000 tỉ đồng) sẽ được tiếp tục bơm ra nền kinh tế.
Vấn đề đặt ra là khi các ngân hàng được khuyến khích tăng cung vốn cho nền kinh tế thì thanh khoản của hệ thống có gặp khó khăn? Câu trả lời là điều này có thể sẽ diễn ra tại một số thời điểm nhất định, nhất là trong giai đoạn cao điểm chi trả nhu cầu thanh toán vào cuối quí 4-2017. Một yếu tố khác nhiều khả năng cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thanh khoản hệ thống chính là việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước. Tại thời điểm cuối tháng 5 năm nay, ước tính có 143.000 tỉ đồng đang được Kho bạc Nhà nước gửi vào hệ thống ngân hàng. Trong các tháng tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lượng vốn này sẽ được rút ra dần và không loại trừ khả năng sẽ gây biến động mạnh về thanh khoản của toàn hệ thống. Đây là yếu tố cần được quan sát chặt chẽ trên thị trường tiền tệ.
Tiền chảy vào đâu?
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại sao tín dụng tăng trưởng khá tốt trong nửa đầu năm nay nhưng GDP lại không tăng tương ứng? Có hai khả năng dẫn đến hiện tượng trên.
Một là mức độ tác động của tín dụng đến tăng trưởng của nền kinh tế luôn có độ trễ. Tức là doanh nghiệp sau khi vay vốn của ngân hàng cần thời gian để xây nhà xưởng, mua sắm máy móc, thuê nhân công rồi mới bắt đầu tiến hành sản xuất được. Khoảng thời gian trễ này có thể tính bằng quí, thậm chí là bằng năm, tùy đặc thù hoạt động của từng doanh nghiệp.
Nguyên nhân thứ hai có thể do cơ cấu các khoản cho vay không chảy vào lĩnh vực sản xuất thực mà chủ yếu chảy vào các lĩnh vực đầu cơ mua đi bán lại thứ cấp, điển hình như cho vay chứng khoán hay bất động sản.
Tuy nhiên, báo cáo của NHNN cho biết: trong sáu tháng đầu năm, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, với tỷ trọng khoảng 80% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Trong đó, tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống. Như tín dụng đối với ngành công nghiệp ước tăng khoảng 10,5% (chiếm tỷ trọng 22,5%) với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 13%; ngành xây dựng tăng khoảng 15% (chiếm tỷ trọng gần 10%); tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và các nhu cầu vốn trên địa bàn nông thôn tăng gần 10% (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 19,5%). Trong khi đó, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro đều tăng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống như cho vay kinh doanh bất động sản ước tăng 5,5% (chiếm tỷ trọng khoảng 6,9%); cho vay các dự án BOT, BT giao thông chỉ tăng 1,75% (chiếm tỷ trọng chỉ 1,54%). Đáng chú ý là các khoản cho vay tiêu dùng tiếp tục xu hướng tăng cả về quy mô và tốc độ (năm tháng đầu năm 2017 ước tăng 7%, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 15,2% tổng dư nợ tín dụng) và vẫn tập trung chủ yếu vào các nhu cầu về nhà ở, phương tiện đi lại, học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể thao…