Sắp tới thời điểm nói lời tạm biệt với hệ thống ngân hàng truyền thống?
Nhiều người cho rằng điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã sẵn sàng cho đồng Bitcoin của riêng mình? Nhưng không.
Đó là một thứ lớn hơn thế. Giống như các loại tiền ảo khác, đồng nhân dân tệ điện tử mới sẽ được chuyển hoá thành một loại tiền kĩ thuật số. Đồng tiền này có thể sẽ được đưa ra sớm vào năm 2020 và được hỗ trợ từ ngân hàng trung ương (NHTW) của nền kinh tết lớn thứ hai thế giới. Các nhà chức trách quốc gia khác chắc chắn sẽ nắm bắt lấy ý tưởng mạnh mẽ này.
Người ta biết rất ít về đồng nhân dân tệ kĩ thuật số ngoại trừ việc nó đã được nghiên cứu trong 5 năm và Bắc Kinh đã gần như sẵn sàng để ra mắt nó. Một điểm đồng nhất nhận thấy là các mã này sẽ là một blockchain riêng biệt, một mạng kết nối ngang hàng (P2P) để chia sẻ thông tin và xác thực giao dịch và PBoC sẽ kiểm soát những người tham gia.
Theo dự kiến, đồng tiền kĩ thuật số này ban đầu sẽ được cung cấp qua hệ thống ngân hàng và thay thế một phần tiền mặt. Vấn đề này không hề khó khi sự hiện diện của các ví điện tử và QR code như Alipay và Wechat Pay được sử dụng phổ biến tại Trung Quốc.
Đồng tiền điện tử có khả năng phá vỡ cả hệ thống ngân hàng truyền thống
Đồng nhân dân tệ điện tử có thể bắt đầu như một thứ rất nhỏ nhưng lại có khả năng phá vỡ cả hệ thống ngân hàng truyền thống và hệ thống tỷ giá thả nổi đã được áp dụng từ năm 1973.
"Blockchain và đồng tiền nhân dân tệ điện tử là một chiến lược quan trọng của Trung Quốc, gần như sự quan trọng của internet", Nhà phân tích fintech Gautam Chhugani của Sanford C. Bernstein & Co. nói.
Ngân hàng truyền thống được ra đời vào thế kỉ 17 tại London và điều quan trọng nhất trong hệ thống là sổ cái (một kho ghi nhận giao dịch) và tạo sự tin tưởng trong những trường hợp mà niềm tin không tồn tại.
Khi một người ở Vancouver đồng ý gửi tiền cho người khác ở Singapore, họ đã buộc phải sử dụng một chuỗi các trung gian liên kết với nhau vì không có sổ cái nào trên thế giới có tên của cả hai người trên đó. Sự phân tán sổ cái khó tạo ra niềm tin cho những người thực hiện giao dịch.
Và giờ đây với việc tạo ra một mã bí mật và chia sẻ phiên bản mã hoá của nó với người khác, mạng lưới các ngân hàng đại lí cồng kềnh và đắt đỏ trở nên dư thừa, đặc biệt là khi giá trị được chuyển qua biên giới hàng năm lên tới 124.000 tỉ USD. Đây thực sự là mối đe doạ cho ngân hàng truyền thống.
Trung Quốc không phải là duy nhất thử nghiệm về đồng tiền điện tử quốc gia. JP Morgan cũng đã xây dựng một nền tảng thanh toán nhằm xử lí nhanh, chi phí thấp những giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Cơ quan tiền tệ của Singapore cũng đang triển khai một nền tảng dựa trên đồng Ethereum, nghiên cứu về tiền kĩ thuật số của ngân hàng trung ương.
Không chỉ thay cho tiền mặt, tiền kĩ thuật số có thể thay thế cho cả dự trữ ngân hàng
Nếu công nghệ blockchain hứa hẹn khả năng xử lí đồng thời một số lượng lớn giao dịch, thì các loại tiền kĩ thuật số có thể thay thế không chỉ cho tiền mặt thực tế mà còn cho dự trữ ngân hàng.
Dự trữ tại một NHTW được duy trì bởi tiền gửi những ngân hàng. Một đồng nhân dân tệ điện tử (hoặc một đồng tiền nước khác trong tương lai) có thể bỏ qua hệ thống này và cho phép bất kì người nào cũng có thể gửi tiền tại NHTW và có khả năng khiến Nhà nước trở thành nhà cung cấp tiền độc quyền cho khách hàng.
"Nếu ngân hàng trung ương trở thành người nhận tiền gửi của mọi người, họ cũng có thể trở thành người cho vay của họ", Ông Agustin Carstens, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đã lưu ý.
Nhưng tại sao các ngân hàng trung ương muốn hạ cấp hệ thống ngân hàng của riêng họ? Một câu trả lời, nhìn vào châu Âu và Nhật Bản, là lãi suất âm đang làm điều đó. Người cho vay bị bỏ đói lợi nhuận vì trong khi ngân hàng trung ương tính phí cho họ để giữ tiền gửi, họ có thể dễ dàng chuyển những mức lãi suất âm đó cho người gửi tiền của mình.
Nếu nền kinh tế toàn cầu bị sa lầy trong dài hạn, tiền tệ kĩ thuật số chính thức ít nhất sẽ là một cách nới lỏng tiền tệ hiệu quả mà không liên quan đến các ngân hàng.
Một lí do khác cụ thể hơn đó là sự phát triển công nghệ đang trở nên khó có thể đo lường được. Và không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc lại đẩy nhanh sự phát triển tiền điện tử quốc gia sau khi Facebook công bố dự án Libra, được quảng cáo là đồng tiền thay thế đồng đô la Mỹ (USD).
Libra đã giáng một đòn vào bức tường các qui định pháp lí của các quốc gia. Hãy hình dung bạn có thể sở hữu đồng tiền ổn định về giá trị so với các giỏ tiền tệ quốc gia và có thể sử dụng trong thanh toán, thương mại và đầu tư toàn cầu.
Sự thay đổi sẽ là không ngừng trong lĩnh vực ngân hàng và tiền tệ. Các giao dịch qua đồng tiền điện tử quốc gia có thể ghi nhận danh tính và NHTW sẽ là người quản lí nó. Sự ẩn danh trong giao dịch sẽ biến mất khi không dùng tiền mặt. Điều này sẽ gây khó khăn cho những kẻ rửa tiền và khủng bố và cũng có thể trở thành một công cụ để trừng phạt chính trị.