Sắp chuyển sang HOSE, vì đâu Licogi 14 gây nhiều chú ý?
Licogi 14 nộp hồ sơ ‘chuyển nhà’ sang HOSE |
Thay đổi ban lãnh đạo
CTCP Licogi14 (Mã: L14) chỉ thực sự bắt đầu gây chú ý khi Đại hội cổ đông thường niên 2016 của công ty bầu bổ sung ông Nguyễn Mạnh Tuấn vào Hội đồng quản trị thay cho ông Hà Minh Tiến có đơn từ nhiệm.
Tại cuộc họp HĐQT ngày 19/5/2016, ông Nguyễn Mạnh Tuấn và một ủy viên HĐQT khác là ông Nguyễn Văn Tuấn đã đề xuất bãi nhiệm và bầu lại chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT công ty.
Lý do được nhóm cổ đông đưa ra là ông Vũ Duy Quang - Chủ tịch đương nhiệm khi đó là đại diện của Tổng công ty Licogi – CTCP sở hữu 26,4% vốn điều lệ của Licogi 14 nên ông Quang không tự quyết định chính sách của Licogi 14 mà phải xin ý kiến nhiều cấp, để lỡ cơ hội và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty.
Một lý do khác được đưa ra là ông Vũ Duy Quang đang kiêm nhiệm nhiều chức vụ tại Tổng công ty Licogi, công ty tư vấn Licogi, Licogi 14, Licogi 17 nên không có nhiều thời gian cho Licogi 14, khó sắp xếp họp HĐQT khi cần, khó đưa ra quyết định kịp thời.
Ông Vũ Duy Quang lên tiếng phản đối, cho rằng mình luôn thực hiện tốt trách nhiệm Chủ tịch HĐQT của Licogi 14, rồi sau đó rời cuộc họp giữa chừng.
Các thành viên dự họp còn lại biểu quyết bãi nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT với tỷ lệ tán thành 75%. Sau đó, ông Phạm Gia Lý – vị Phó Chủ tịch vừa được bãi nhiệm – lại được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT mới của Licogi 14.
Đáng chú ý, sau khi thay đổi chủ tịch, cổ phiếu L14 của công ty tăng gấp đôi chỉ sau một tháng, từ vùng giá 40.000 đồng/cp lên khoảng 80.000 đồng/cp (giá trước điều chỉnh).
Ngày 16/8/2017, HĐQT Licogi 14 tiếp tục miễn nhiệm chức danh ủy viên HĐQT đối với ông Vũ Duy Quang và bổ nhiệm bổ sung ông Phùng Văn Thanh vào ghế ủy viên HĐQT.
Diễn biến giá cổ phiếu L14 từ đầu năm 2015 đến nay. Nguồn: VNDIRECT. |
Thay đổi chính sách cổ tức
Từ khi thay đổi chủ tịch và một số vị trí lãnh đạo, chính sách cổ tức của Licogi 14 có sự thay đổi rõ rệt, từ trả cổ tức tiền mặt sang trả cổ tức bằng cổ phiếu. Đáng chú ý, đầu năm 2018, Licogi chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 100% với giá chỉ 12.000 đồng/cp trong khi cổ phiếu L14 khi đó đang được giao dịch với giá 87.000 đồng/cp, tức là cao gấp 7 lần giá chào bán.
Sau những đợt phát hành và chào bán này, vốn điều lệ và cùng với đó là số cổ phiếu lưu hành của Licogi 14 hiện nay đã cao gấp 5,2 lần so với thời điểm cuối năm 2014.
Trên khía cạnh này, Licogi 14 có nhiều điểm tương đồng với CTCP Nông dược H.A.I (Mã: HAI). Tháng 9/2014, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn khỏi HAI, một số cá nhân là lãnh đạo của CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) và CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (Mã: KLF) đã gom cổ phiếu HAI để trở thành cổ đông lớn và nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại HAI.
Trước 2014, năm nào HAI cũng đều đặn trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15-30% và chỉ 2 lần trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, khi có sự tham gia của FLC và KLF, HAI thay đổi hẳn chiến lược trả cổ tức sang bằng cổ phiếu, bên cạnh phát hành cổ phiếu thưởng, chào bán cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn. Từ 2006 - 2013, số lượng cổ phiếu HAI lưu hành chỉ tăng tổng cộng 26%. Từ khi thay đổi ban lãnh đạo vào tháng 9/2014 đến năm 2017, số lượng cổ phiếu HAI đã tăng gấp 10 lần từ 18,3 triệu lên 183 triệu.
Quyền mua giá hời, cổ đông nội bộ vẫn bán?!
Trong đợt chào bán cổ phiếu với giá “hời” chỉ bằng 1/7 thị giá đầu năm nay, nhiều cổ đông nội bộ và cổ đông có liên quan với người nội bộ đã đăng ký bán quyền mua của mình. Cụ thể, bà Nguyễn Thúy Ngư - chị gái ông Nguyễn Mạnh Tuấn (Ủy viên HĐQT) bán 120.000 quyền mua. Con ông Nguyễn Văn Tuấn (Ủy viên HĐQT) bán gần 56.000 quyền mua, hai người em của ông Phạm Gia Lý (Chủ tịch HĐQT) bán toàn bộ gần 8.000 quyền mua.
Ngược lại, ông Phạm Gia Lý mua vào 220.500 quyền mua. Tuy nhiên xu thế chung từ đầu năm 2015 đến nay, ngoại trừ giao dịch mua quyền mua của ông Phạm Gia Lý, tất cả các giao dịch khác của người nội bộ và người có liên quan đến người nội bộ của Licogi 14 (bao gồm kế toán trưởng, ủy viên HĐQT, trưởng ban kiểm soát, phó TGĐ, …) đều là các giao dịch bán cổ phiếu L14, không có ai mua thêm.
Hiện tượng này ít nhiều gây ra những nghi vấn về lòng tin của cổ đông nội bộ vào tiềm năng dài hạn của công ty.
Doanh thu đi xuống, chủ yếu đến từ bất động sản
Năm 2017, mảng bất động sản đóng góp gần 76% cho tổng doanh thu 336 tỷ đồng của Licogi 14. Theo sau là mảng kinh doanh xăng dầu với tỉ lệ 13,18% và nhóm xây lắp 10,85%.
Mức doanh thu này của năm 2017 thấp hơn khá nhiều so với mức 640 tỷ đồng của năm 2015. Mục tiêu doanh thu của năm 2018 cũng ở mức khiêm tốn là 300 tỷ đồng, thấp hơn 11% so với thực hiện năm trước.
Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán L14. |
Dự án khu đô thị Nam Minh Phương 1.500 tỉ đồng liệu có quá sức?
Tính đến cuối quý II/2018, Licogi 14 có 5,5 tỉ đồng nợ vay dài hạn. Nợ vay ngắn hạn của công ty liên tục giảm dần qua các quý, đến giữa năm nay đã về 0. Như vậy có thể thấy, Licogi 14 có rất ít nợ vay.
Thay vào đó, tài sản của công ty chủ yếu được tài trợ bằng 266 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (trong đó có 150 tỷ đồng vốn điều lệ và 82 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối) và khoảng 120 tỷ đồng tiền do người mua nhà trả trước.
Theo bản cáo bạch chào bán cổ phiếu năm 2018 của Licogi14, công ty dự kiến đầu tư dự án Khu đô thị Nam Minh Phương với quy mô 54,43 ha, tổng mức đầu tư dự kiến trên 3.000 tỉ đồng, thời gian đầu tư dự kiến 10 năm. Trong giai đoạn một, công ty dự kiến đầu tư 1.477 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xây dựng công trình dự kiến.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán nửa đầu năm 2018, nguồn tiền mặt của công ty chỉ có chưa đầy 46 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu 266 tỉ đồng. Trong tương lai để có khoảng 1.500 tỉ đồng đầu tư cho dự án Nam Minh Phương, Licogi 14 có thể sẽ phải vay nợ rất lớn hoặc chào bán cổ phiếu.
Trong trường hợp dự án được tài trợ bằng nợ vay, gánh nặng lãi vay sẽ tăng lên và ăn mòn vào lợi nhuận. Nếu phát hành thêm cổ phiếu, cổ đông sẽ phải chịu rủi ro pha loãng.