|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sập bẫy lừa 'nhà tuyển dụng VIP' trên trang tìm kiếm việc làm

08:15 | 10/03/2024
Chia sẻ
Minh Tú, 28 tuổi, tự tin với tuổi trẻ, trình độ đại học và luôn cập nhật tin tức an ninh trật tự sẽ không bao giờ thành nạn nhân lừa đảo song vẫn "sập bẫy".

Sau hai năm làm việc tại công ty cách nhà gần 15 km, Tú (trú quận Hoàng Mai) quyết định sau Tết "rải hồ sơ" tìm việc gần nhà. Như 3 lần trước, Tú tiếp tục tin tưởng gửi hồ sơ điện tử lên nền tảng tuyển dụng trực tuyến TopCV, ứng tuyển vào vị trí nhân viên truyền thông hoặc trợ lý dự án tại 3 công ty.

Ngay chiều hôm đó, 22/2, Tú nhận được cuộc gọi từ nhà tuyển dụng đầu tiên. Sau khi đọc chính xác thông tin của Tú nêu trong hồ sơ, người này tự giới thiệu tên Hải Yến, nhân viên Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines JSC.

"Chị thấy hồ sơ của em trên TopCV, xem qua và cảm thấy khá phù hợp. Giờ chị sẽ gửi thư mời phỏng vấn vào mail của em, khi nào có thời gian, em check rồi phản hồi nhé", người này nói.

Email gửi qua cho Tú hẹn thời gian vòng sơ tuyển online ngay sáng hôm sau, kèm đường link của app Telegram. Cuối email, ngoài địa chỉ còn có logo Vietnam Airlines, khiến Tú rất tin tưởng.

Thư mời phỏng vấn giả mạo được gửi cho Tú. (Ảnh: Danh Lam).

Đúng hẹn, 8h ngày 23/2, Tú truy cập vào link Telegram được cung cấp và được thêm vào một nhóm có tên "Sơ tuyển Vietnam Airlines", được "chị Hải Yến nhân sự" lập cho 6 ứng viên khác như Tú.

Sau khi trải qua bài kiểm tra đầu tiên, trả lời bảng câu hỏi chung về văn hóa doanh nghiệp, họ được chuyển sang một nhóm khác do "anh Hưng nhân sự Vietnam Airlines" hướng dẫn vòng sơ tuyển 2: Trải nghiệm khách hàng.

Mê cung "đặt lệnh"

Hưng hỏi số tài khoản ngân hàng để chuyển cho Tú 150.000 đồng, là "hỗ trợ ứng viên làm trải nghiệm kinh doanh", kèm một đường link.

"Mở ra thì dẫn đến một website có tên đại loại là Kiến thiết Việt Nam, hay kiến thiết gì đó, mình chỉ còn nhớ nó xanh đỏ nhấp nháy như một trang đánh bạc hoặc xổ số", Tú sau này kể lại.

Các ứng viên được yêu cầu tạo tài khoản trên đó và nạp 150.000 đồng vừa được công ty hỗ trợ, như dạng nạp tiền vào tài khoản game online.

Khi có người trong nhóm thắc mắc việc "VietnamAirlines làm việc với đơn vị xổ số?", Hưng giải thích "đang hỗ trợ cho đối tác chạy doanh thu". Sau khi nạp tiền thành công, Tú được yêu cầu chụp màn hình, ghi kèm tên và vị trí ứng tuyển gửi cho người tên Đức để xác nhận đã qua vòng sơ tuyển 2.

Tú thừa nhận không học chuyên ngành tài chính hay kinh tế, nên khi được anh Đức yêu cầu "đặt lệnh" đã khá khó hiểu. Tú kể đã hỏi: "Tại sao em ứng tuyển trợ lý dự án nhưng lại được yêu cầu mấy kỹ năng kỳ lạ này, liên quan gì đâu?".

Vẫn qua Telegram, Đức đáp đây là bài test thao thác, tất cả ứng viên phải làm, "cũng như bài test chung ban đầu ấy". Tú làm theo chỉ dẫn vì cho rằng "cũng chả mất gì".

"Có 5 hàng, 4 hàng đầu em không cần quan tâm, chỉ cần biết hàng cuối, anh bảo điền số nào thì em điền số đó, bấm xác nhận. Khi nào hệ thống báo giao dịch thành công, tức là thắng lệnh thì em chụp màn hình gửi anh", Đức nói.

Sau khi đặt lệnh 150.000 đồng từ số tiền công ty hỗ trợ, Tú "thắng lệnh" và được hệ thống báo về tài khoản trên web đã lên 350.000 đồng. Đức chúc mừng và nói Tú rút 350.000 đồng đó về tài khoản ngân hàng của cô.

Tưởng vòng sơ tuyển 2 đã xong, Tú lại được anh Đức "bàn giao" về cho Hưng và thông báo, thao tác khi nãy chỉ là thử cho quen, bây giờ mới vào sơ tuyển 2 thực sự.

Hưng gửi cho Tú một "hóa đơn phúc lợi", với 4 gói lệnh 1-10 triệu đồng, tương ứng với số tiền "thắng lệnh" 2-30 triệu đồng và yêu cầu cô chọn. Tú cảnh giác hỏi "thao tác xong, sẽ được trả lại tiền đúng không?" và được Hưng đảm bảo sẽ trả lại, thậm chí còn rút được tiền về như ban nãy cô vừa rút thành công 350.000 từ trang "Kiến thiết Việt Nam".

Tú quyết định đặt gói một triệu đồng để "lỡ mất cũng không sao". Do tài khoản website "Kiến thiết Việt Nam" của Tú khi này là 0 đ, cô phải nạp tiền từ tài khoản ngân hàng. Sau khi thắng lệnh, tài khoản web của Tú tăng thành 2 triệu đồng. Cô chụp màn hình gửi cho Hưng.

Hưng sau đó thêm Tú vào một nhóm Telegram do anh ta làm nhóm trưởng, có thêm một ứng viên và hai "hội viên" lâu năm. Nhiệm vụ của nhóm vẫn là những câu lệnh với các thao tác giống hệt, nhưng giá trị "gói phúc lợi" đã tăng: 3, 10, 20 và 50 triệu đồng.

Tú và ứng viên còn lại vẫn muốn chọn gói thấp nhất nhưng hai "hội viên" lại muốn chọn gói 50 triệu đồng. Vấn đề đặt ra, nếu cùng nhóm, giá trị gói của các thành viên phải giống nhau mới thực hiện được, theo giải thích của Hưng.

"Anh để mọi người tự thảo luận chọn ra gói phù hợp nhé", Hưng nói rồi thoát ra khỏi hội thoại. Sau một hồi tranh luận qua lại, hai hội viên nói sẽ "nhân nhượng" rút xuống gói thứ hai, 10 triệu đồng.

"Tiền trong tài khoản web của mình không đủ, không thể đặt lệnh. Nhưng nếu không đặt luôn thì sẽ lỡ mất lệnh, ảnh hưởng cả nhóm", Tú giải thích tình thế khi đó.

Cuộc phỏng vấn khi này đã kéo dài gần 5 tiếng, kể từ bài kiểm tra đầu tiên. Hai hội viên tỏ ra sốt ruột, giục Tú và ứng viên còn lại "khẩn trương lên em, quá trưa rồi, nhanh cho được việc của anh chị nữa".

Tú bỗng mang tâm lý tội lỗi, sợ vì mình mà hỏng việc của người khác, cuống quýt "vâng" và mở Internet banking nạp thêm hơn 8 triệu đồng vào tài khoản web.

Ba bức ảnh chụp màn hình của Tú và 2 hội viên lần lượt được gửi vào nhóm. Sau khi "thắng lệnh", số tiền trong tài khoản web của Tú lên thành gần 30 triệu đồng.

Nhưng ứng viên còn lại không kịp đặt lệnh, nên vì thế theo Hưng, kết quả cả nhóm không thể đồng bộ. Giờ nhóm phải đặt một "lệnh bù": Người đặt sai sẽ phải đặt lệnh bù 30 triệu đồng, những người còn lại sẽ chỉ cần đặt lệnh 10 triệu đồng.

Do các "lệnh" trước đó đều thao tác đặt toàn bộ tiền có trong tài khoản web, nên lần này, Tú quen tay, đặt cả 30 triệu. Bấm nút đặt "lệnh" xong, cô mới giật mình nhận ra làm sai.

Thành viên của nhóm khi này tỏ ra mất kiên nhẫn khi vì Tú thao tác sai mà cả nhóm sẽ tiếp tục phải đặt một lệnh bù mới, giá trị lên tới hơn 60 triệu đồng. Hai hội viên bắt đầu cằn nhằn vì phải làm việc cùng nhóm 2 người "gà mờ".

Hưng làm dịu không khí bằng việc an ủi mọi người "thôi cố lên các bạn, có lệnh bù cho mình sửa sai đã là tốt lắm rồi, khẩn trương không lại lỡ".

Nhưng để có đủ 60 triệu đồng nạp vào, Tú cần hơn 30 triệu đồng nữa. Chỉ còn gần 20 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng, cô đi vay bạn bè.

Tú nói ít khi vay mượn nên khi vay mỗi người 1-2 triệu đồng, các bạn đều đồng ý ngay mà không hỏi lý do. "Vay được đồng nào, mình nạp vội vào website đồng đó", Tú nói.

Nhưng chỉ vài phút sau, hai hội viên đã gửi ảnh chụp màn hình "thắng lệnh" lên nhóm. Tú càng lúc càng cuống, quyết định cầu cứu em họ, một nhân viên ngân hàng.

"10 triệu? Chị cần gì lắm tiền mà gấp thế?", người em hỏi. Để được cho vay tiền, Tú đành nói thật.

"Mới nghe vài câu, em họ thốt lên: Chị bị lừa rồi, làm gì có công ty nào tuyển dụng kiểu đấy. Báo nói suốt là không có công ty nào tuyển nhân viên mà bắt chuyển tiền nhé, chỉ có lừa đảo", Tú kể.

Tú nói khi đó vẫn cố chấp, bảo không phải, tiền nạp vào vẫn rút ra được, "như lần rút 350.000 vẫn ra mà". Nhưng lúc này vào website kiểm tra, cô mới nhận ra, khi không có phê duyệt của "anh Hưng", hay "anh Đức", cô không thể tự rút tiền về tài khoản ngân hàng.

Tú dần tỉnh ra và sợ hãi thoát ngay khỏi nhóm Telegram đó. "Nếu mình vẫn nạp đủ tiền vào để đặt lệnh tiếp, chắc vẫn bị bòn rút đến khi nào không thể chi tiền được nữa mới thôi", Tú nói.

Dù đã trình báo công an nhưng các bằng chứng cô cung cấp hầu như không có gì. Các tin nhắn tại các nhóm Telegram đã được quản trị viên cài đặt chế độ tự xóa sau khi gửi. Tú đã mất tổng cộng gần 40 triệu đồng.

Cảnh giác thế nào mới đủ?

Trả lời VnExpress, đại diện Vietnam Airlines khẳng định "không bao giờ yêu cầu ứng viên nộp phí khi ứng tuyển, phỏng vấn hay nạp tiền vào bất cứ tài khoản website nào để thực hiện thao tác đặt lệnh ".

Gần đây, ngoài lừa tuyển dụng như trên, còn có chiêu mạo danh doanh nghiệp này để tặng voucher vé máy bay, vé du lịch, thẻ quà tặng... Vị đại diện khuyến cáo, tất cả hình thức này đều là lừa đảo, độc giả cần cảnh giác, không làm theo yêu cầu chuyển tiền hay tiết lộ thông tin cá nhân mà cần gọi ngay cho Tổng đài Vietnam Airlines để được tư vấn, hoặc báo công an.

Đại diện TopCV nói đã triển khai loạt phương án bảo vệ quyền lợi của cả doanh nghiệp tuyển dụng và ứng viên như triển khai 5 cấp độ xác thực danh tính nhà tuyển dụng; xây dựng hệ thống kiểm duyệt tin đăng chặt chẽ.

5 cấp độ xác thực tài khoản nhà tuyển dụng đang được TopCV áp dụng. (Ảnh: TopCV).

Công ty đã thông qua hình thức định danh và xác thực khách hàng để gia tăng mức độ sàng lọc đối với các tài khoản có độ xác thực chưa cao. TopCV đồng thời hợp tác với doanh nghiệp xã hội chống lừa đảo để cùng rà soát công ty, tin tuyển dụng, cảnh báo về các công ty từng bị mạo danh (như trường hợp của Vietnam Airlines)

Trên trang chủ, TopCV cũng đã cung cấp cảnh báo với ứng viên về tình trạng lừa đảo để họ có thêm thông tin về các hình thức lừa đảo hiện nay, giúp tỉnh táo cân nhắc trước khi đưa ra quyết định ứng tuyển bất cứ vị trí nào.

Riêng Tú, nhận bài học lần này giúp cô nhận ra một điều "cảnh giác không khi nào thừa, dù mình tự tin mình trẻ, hiểu biết, chăm cập nhật tin tức thế nào chăng nữa". Cô thừa nhận những kẻ lừa đảo "quá nhanh, quá chuyên nghiệp và giỏi thao túng tâm lý".

"Một điều đã cũ nhưng luôn đúng: Nhà tuyển dụng không bao giờ yêu cầu ứng viên nộp tiền", Tú nói.

Nhà chức trách thời gian qua liên tục cảnh báo về các cách thức lừa đảo đang bủa vây người dân trên không gian mạng. Gần đây nhất, nhiều người kinh doanh đã sập bẫy chiêu giả quân nhân mua hàng cho đơn vị để chiếm đoạt tiền.

Thanh Lam