Sao ví điện tử chỉ được giao dịch 20 triệu đồng/ngày?
Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài "Kinh doanh ví điện tử không dễ", đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có phản hồi trao đổi về những quy định trong dự thảo sửa đổi Thông tư 39 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó tập trung vào các quy định yêu cầu người dùng ví điện tử bổ sung thông tin, kiểm soát mở tài khoản, quy định hạn mức giao dịch.
Theo NHNN, hiện giao dịch ví điện tử bình quân chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/tháng. Ảnh: NLĐ
Cụ thể, dự thảo thông tư quy định hạn mức giao dịch qua ví đối với cá nhân là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), giải thích hiện giao dịch bình quân ví điện tử chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/tháng, nên hạn mức như đề xuất không ảnh hưởng đến giao dịch bình thường của người dùng. Quy định này nhắm đến các hoạt động bất thường chứ không phải mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời, ông Phạm Tiến Dũng cũng phân tích định danh khách hàng là yêu cầu bắt buộc tại dự thảo thông tư mới bởi vì ví điện tử có sử dụng sim rác. Nếu không định danh, khi phát sinh sự cố không biết là ai?
"Sự vô danh là nguy hiểm nhất trong thương mại, thanh toán điện tử. Các cơ quan chức năng đã cảnh báo việc này. Do đó, công ty hoạt động dịch vụ ví điện tử phải có thông tin định danh khách hàng, điều này rất quan trọng để tránh các hoạt động bất hợp pháp như chuyển tiền trái phép vào ví không định danh" – ông Dũng giải thích.
Việc định danh cũng được NHNN yêu cầu theo hướng chi tiết các thông tin người dùng phải thu thập, thông tin có thể thu thập bằng giấy, điện tử... từ nguồn khách hàng, NH thương mại.
Theo số liệu của NHNN, hiện có khoảng 5 triệu tài khoản ví điện tử đang hoạt động. Việc phát triển nhanh chóng của ví điện tử đã đặt ra vấn đề làm sao bảo đảm an ninh an toàn trong giao dịch, nhằm thúc đẩy các kênh thanh toán không tiền mặt.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã phản ánh, một số quy định trong dự thảo sửa đổi thông tư 39 khiến không ít công ty fintech lo ngại ví điện tử sẽ kém cạnh tranh, hàng triệu người dùng ví có thể phải khai lại thông tin. Một số chuyên gia cho rằng việc sửa đổi thông tư là cần thiết nhằm khuyến khích, quản lý ví điện tử và thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam nhưng theo hướng mở và dung hoà giữa kiến tạo, kiểm soát, quản lý.