Sáng 15/4, giá vàng SJC tăng cùng chiều thế giới
Cụ thể, tại thời điểm 8 giờ 30 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 81,6 – 83,82 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), tăng 400 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 81,2- 83,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 600 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tuy nhiên, so với thời điểm cao nhất trong tuần, giá vàng SJC đã giảm khoảng 1, 2 triệu đồng/lượng. Trong tuần qua, giá vàng trong nước và thế giới liên tục chinh phục các đỉnh cao mới. Giới phân tích đánh giá, nhu cầu vàng sẽ rất mạnh trong năm nay do hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương.
Trong tuần, theo đà tăng kỷ lục của giá vàng thế giới, có thời điểm giá vàng SJC đã chạm ngưỡng 85 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn chinh phục mốc 78,25 triệu đồng/lượng. Nhưng có những thời điểm, mỗi lượng vàng SJC mua ngày hôm sau giảm tới 800 nghìn đến 1 triệu đồng; vàng nhẫn giảm từ 2,28-2,4 triệu đồng so với hôm liền trước.
Điểm nhấn đáng chú ý trong tuần qua, đó là trước diễn biến giá vàng biến động tăng, giảm mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ (Nghị định 24), trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, với các công cụ, điều kiện đã có, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…
Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước có những thông báo về việc quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, đối với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới. Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp triển khai sử dụng hoá đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, xứ lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túc giá vàng.
Đối với riêng hoạt động thanh tra, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và triển khai ngay trong tháng 4 này.
Giá vàng trong nước sáng nay tăng cùng diễn biến giá vàng tăng trên thị trường thế giới. Giá vàng châu Á sáng 15/4 tăng do khi nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng sau những diễn biến leo thang căng thẳng tại Trung Đông. Giá vàng tăng 0,7% lên 2.359,92 USD/ounce, sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục 2.431,29 USD/ounce trong phiên trước đó. Kim loại quý này đã tăng khoảng 14% trong năm nay.