|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản xuất thép thế giới đang rất gần mức 'đỉnh' chu kỳ tăng trưởng

07:00 | 29/10/2018
Chia sẻ
Giám đốc điều hành Voestalpine Wolfgang Eder cho hay các công ty đang đổ tiền vào xây dựng các nhà máy mới nhằm tăng cường sản xuất, trong bối cảnh nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng cao.

Phát biểu về tình hình giá thép thế giới tăng cao tại một hội nghị mới đây ở Tokyo (Nhật Bản), Giám đốc điều hành Voestalpine Wolfgang Eder cho hay các công ty đang đổ tiền vào xây dựng các nhà máy mới nhằm tăng cường sản xuất, trong bối cảnh nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng cao.

Giá thép tăng 70% kể từ khi xuống mức thấp kỷ lục vào cuối năm 2015, nhờ chu kỳ tăng trưởng quay trở lại, chủ nghĩa bảo hộ tăng cao và Trung Quốc, nước vốn sản xuất gần một nửa trong tổng số 1,6 tỷ tấn thép của thế giới, tiến hành cắt giảm sản xuất gần 150 triệu tấn thép.

Theo Giám đốc điều hành Voestalpine Wolfgang Eder, vấn đề dư thừa nguồn cung ứng thép đã gần như biến mất nhờ đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong vòng 2-3 năm vừa qua. Tuy nhiên, ông nhận định rằng tình trạng dư nguồn cung ứng thép sẽ trở lại bởi ngành sản xuất thép thế giới đang rất gần tới mức “đỉnh” của chu kỳ tăng trưởng.

Hiệp hội ngành công nghiệp thép thế giới hy vọng nhu cầu thép thế giới, một ngành công nghiệp trị giá 900 tỷ USD và được xem như một thước đo sức khỏe kinh tế, sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm nay và 1,4% trong năm tới. Hiệp hội không dự báo tỷ lệ tăng trưởng ngành thép thế giới cho năm 2020, nhưng nhiều người nhận thấy đà tăng trưởng nhu cầu kim loại này sẽ đi xuống.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sản lượng thép thế giới từ nay đến năm 2020 sẽ tăng từ 52 đến 91 triệu tấn, tương ứng mức tăng trưởng từ 2,3-4%. Điều này tương đương với mức tăng trưởng khoảng 1% mỗi năm.

Tuy nhiên, OECD cho rằng khả năng sản xuất thép giảm năm thứ hai liên tiếp khi xuống còn 2,25 tỷ tấn, thu hẹp khoảng cách giữa năng lực sản xuất và sản lượng từ 730 triệu tấn trong năm trước đó xuống còn 561 triệu tấn. Ở cấp độ toàn cầu, khoảng cách giữa khả năng (công suất) sản xuất thép và sản lượng ở khoảng 450 triệu tấn được coi là quá mức, cho thấy các nhà máy có hơn 20% công suất nhàn rỗi.

Đầu năm nay, Mỹ đã thực hiện hành động đơn phương, đánh thuế nhập khẩu 25% đối với thép nhập khẩu. Các mức thuế gây ra sự trả đũa, cuối cùng leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn cầu và có thể làm giảm đà tăng trưởng kinh tế thế giới.

Xem thêm

Q.Chung (Theo Reuters)