|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp tăng nhẹ trong năm 2016

17:36 | 06/01/2017
Chia sẻ
Tính đến hết năm 2016, sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp chủ lực như điện, than, thép cơ khí, đều tăng trưởng cao hơn so với năm trước, trong đó sản lượng điện và dầu khí đều vượt kế hoạch, theo ước tính của Bộ Công thương. 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, sản xuất điện trong cả năm 2016 tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với năm trước, nhờ đó ngành điện có thể đảm bảo cung ứng điện an toàn và ổn định để phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và các sự kiện chính trị.

Cụ thể tính đến hết năm 2016, sản lượng điện sản xuất ước tăng 11% so với năm trước, lên 176,99 tỷ kWh và vượt kế hoạch được giao là 1,09 tỷ kWh. Với mức tăng tương tự, sản lượng điện thương phẩm cả năm ngoái đạt 159,31 tỷ kWh.

Tuy nhiên, ngành điện vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề, như thời tiết không thuận lợi; công tác khởi công xây dựng chậm chạp, đóng điện do vướng mắc giải phóng mặt bằng và đền bù; thiếu vốn đầu tư...

Đối với ngành dầu khí, tổng khai thác dầu trong và ngoài nước cả năm vượt 1,19 triệu tấn so với kế hoạch, lên 17,23 triệu tấn. Sản xuất xăng dầu cả năm cũng đạt 6,87 triệu tấn, vượt 1,18 triệu tấn so với kế hoạch. Ngoài ra, khai thác khí cả năm ngoái đạt 10,61 tỷ m3, vượt 1,0 tỷ m3 so với kế hoạch.

Đối với ngành sản xuất sắt thép, sản lượng cũng tăng trưởng mạnh cả trong năm ngoái. Trong đó, sản lượng sắt thép thô ước tăng 21% lên gần 5,2 triệu tấn; thép cán tăng 27% gần 5,4 triệu tấn; thép thanh và thép góc tăng 10% lên 4,7 triệu tấn.

Sản xuất sản phẩm thép dù tăng nhưng mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sắt thép nội địa, nên đây tiếp tục là ngành nhập siêu lớn.

Theo Bộ Công thương, với năng lực sản xuất hiện tại, ngành thép có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu phôi thép và thép xây dựng và thép cán nguội cho nhu cầu nội địa (khoảng 7 - 8 triệu tấn/năm). Trong khi đó, chủng loại thép tấm cán nóng là nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như sản xuất thép cán nguội, tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo, có nhu cầu lớn (khoảng 10 triệu tấn/năm) trong nước lại chưa sản xuất được, bởi vậy hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Trong khi đó, sản xuất và xuất khẩu dệt may trong năm 2016 vẫn chưa đạt được 100% kế hoạch năm, dù vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Trong đó, sản xuất vải dệt từ sợi bông, sợi tổng hợp hoặc sợi nhân đạo ước tăng 4%; quần áo mặc thường tăng 6%. Kết quả là, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng khoảng 6% lên 28,5 tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, nguyên nhân là, nhu cầu tiêu thụ suy yếu tại các nước nhập khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản. Bên cạnh đó, hàng dệt may của Việt Nam vấp phải sự cạnh tranh với hàng từ các nền kinh tế mới nổi như Campuchia, Bangladet, Pakistan...

Trái lại, than và hóa chất phân bón lại là hai mặt hàng chủ lực có sản lượng giảm trong năm 2016.

Cụ thể, sản xuất than tiếp tục gặp khó khăn với lượng than sạch ước giảm 3% xuống 39,6 triệu tấn. Nguyên nhân là, giá bán thấp, chi phí sản xuất tăng, các loại thuế, phí liên quan đến ngành tăng khiến doanh nghiêp sản xuất gặp khó.

Bên cạnh đó, sản xuất hóa chất phân bón năm 2016 cũng giảm so với năm trước, với lượng phân đạm urê ước giảm 13% và phân NPK giảm 11%. Nguyên nhân khiến sản xuất phân bón trong nước sụt giảm là, nguồn cung phân đạm từ thế giới và khu vực tăng mạnh nên áp lực cạnh tranh từ phân bón nhập khẩu rất lớn. Trong khi đó, giá than tăng cao và chiếm tới 60% chi phí giá thành sản xuất phân bón.

Hồng Vũ