|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản xuất công nghiệp dần phục hồi nhưng vẫn gặp khó

07:36 | 24/03/2024
Chia sẻ
Khác với mức giảm 6,8% của năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 2 tháng đầu năm 2024 đã có sự phục hồi trở lại, tăng 5,7%. Liệu sự phục hồi này có thực sự bền vững?

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê công bố đã thể hiện nhiều dấu hiệu tích cực về "sức khỏe" của ngành sản xuất. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%), trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9%, đóng góp 5,2 điểm %. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm trước, IIP tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước.

Ghi nhận tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu và Mỹ, nhiều đơn hàng đã trở lại ngay trong những tháng đầu năm 2024. Đến nay doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II/2024.

“Năm ngoái, tăng trưởng của doanh nghiệp giảm 5%. Tuy vậy, với những tín hiệu tích cực từ đầu năm, doanh nghiệp đặt kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng 10% đã đề ra”, ông Trịnh kỳ vọng.

Tương tự, chuyên xuất khẩu các sản phẩm gỗ nội thất sang các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, đại diện Công ty Cổ phần Woodsland cũng cho biết, từ cuối năm 2023 đến nay, doanh nghiệp đã ký thêm được các đơn hàng mới, hồi phục đạt 70 - 80% so với cùng kỳ những năm trước. Doanh nghiệp lạc quan khi các khách hàng đã trở lại và thông báo về lượng hàng dự định sẽ đặt sắp tới.

“Bên các các khách hàng truyền thống, chúng tôi đã đẩy mạnh mở rộng các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đến thời điểm hiện tại, một số dòng sản phẩm đã có đơn hàng đến hết năm”, đại diện doanh nghiệp gỗ chia sẻ.

Phục hồi nhưng vẫn còn yếu

Nhìn nhận về những con số này, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, chỉ số IPP tăng gần 6% hiện đang so sánh với cùng kỳ năm ngoái với mức giảm 6,3% cho thấy, sản xuất công nghiệp dù có tín hiệu phục hồi nhưng ở mức yếu.

“Các doanh nghiệp khu vực sản xuất chế biến chế tạo cũng như vừa mới ốm gượng dậy và bước đầu phục hồi sức khỏe. Đây là yếu tố cần cận trọng cần xem xét đánh giá trong điều hành kinh kinh tế vĩ mô còn nhiều yếu tố khó lường.”, ông Việt lưu ý.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR). (Ảnh: N.N).

Ông Việt cho rằng, năm 2023, do kinh tế khó khăn, các đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất và cho lao động nghỉ việc. Vì vậy, đầu năm 2024, khi đơn hàng quay trở lại, nhiều doanh nghiệp cần có một nguồn lực vốn lớn để nhập nguyên phụ liệu và mở rộng sản xuất kinh doanh và trả lương lao động.

Trong bối cảnh này, chỉ có doanh nghiệp có tiềm lực, có khả năng tiếp cận nguồn vốn từ phía ngân hàng mới có thể tiếp nhận những đơn hàng này. Còn những doanh nghiệp đã và đang gắng gượng sau những cú sốc về COVID-19, sau đó cú sốc về suy giảm kinh tế trong trường hợp có đơn hàng thì cũng không có khả năng tiếp cận được nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

 “Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm 2024 âm đã chứng minh rõ. Dù ngân hàng hạ lãi suất liên tiếp và lãi suất phù hợp để doanh nghiệp thể tiếp cận, nhưng cuối cùng doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Bằng chứng là dư cung tín dụng rất lớn trong hai tháng đầu năm.”, ông Việt nêu rõ.

Đáng chú ý, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong tháng 2, đạt kết quả 50,4 điểm, tăng nhẹ so với 50,3 điểm của tháng 1, khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng tháng thứ hai liên tiếp. Đà tăng trưởng duy trì đã giúp việc làm tăng trở lại, trong khi niềm tin kinh doanh tăng thành mức cao của một năm.

Tuy nhiên, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cũng cho rằng, mức tăng trưởng tổng thể vẫn tương đối yếu, và điều này khiến các công ty tiếp tục thận trọng trong hoạt động mua hàng và duy trì hàng tồn kho. Tương tự như vậy, mặc dù giá cả đầu ra đã tăng sau khi giảm trong tháng 1, mức độ tăng giá chỉ là nhẹ khi một số công ty vẫn ngần ngại trong việc tăng giá trong một môi trường cạnh tranh.

“Các nhà sản xuất sẽ cần có số lượng đơn đặt hàng mới duy trì và tăng mạnh hơn trước khi họ có thể đủ tự tin mua hàng hóa đầu vào và bắt đầu tăng thêm giá bán hàng tương ứng với gánh nặng chi phí.”, ông Andrew Harker nêu rõ.

Tạo đà phục hồi và phát triển

Còn theo ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, trong nhiều năm qua, sản xuất công nghiệp luôn đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, việc đo lường chỉ số IIP sẽ nắm bắt sự tăng trưởng của từng ngành hàng, từ đó nhìn nhận những khó khăn và đưa ra những chính sách hỗ trợ  rõ ràng và cụ thể hơn.  

Theo đó, từ cuối tháng 11/2023 và đến nay, nhờ hoạt động xuất nhập khẩu có sự tăng trưởng trở lại khiến khu vực sản xuất công nghiệp có sự hồi phục mạnh mẽ và tác động tích cực đến của tăng trưởng kinh tế.

Ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: NVCC).

Tuy vậy, trong năm 2024, Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chững lại năm thứ 3 liên tiếp, GDP dự kiến giảm từ mức 2,6% trong năm 2023 xuống còn 2,4%. Trong đó, nhiều nền kinh tế đối tác của Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn năm trước đôi chút như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có thể khiến nhu cầu về hàng hóa từ các thị trường này giảm xuống.

Để bù đắp, theo ông Thịnh, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống như tập trung vào các thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại song phương và đa phương và tập trung vào thị trường nội địa tìm cơ hội.

“Doanh nghiệp cần phải giảm thiếu tối đa các chi phí để giảm giá thành sản xuất, cung ứng sản phẩm với chất lượng và giá cả phù hợp, từ đó có thể đẩy mạnh hoạt động tiêu dùng trong nước và xuất, tạo đà cho hồi phục và phát triển tốt hơn”, ông Thịnh nêu rõ.

Về lâu dài, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phải đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng cao, những điều kiện, quy định khắt khe mới từ các thị trường nhập khẩu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần có nguồn vốn lớn để đầu tư bài bản từ công nghệ đến quy trình sản xuất, giúp xuất khẩu bền vững.

“Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn huy động từ cổ phiếu, trái phiếu và ngân hàng để có nguồn vốn trung và dài hạn phục phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Về phía ngân hàng, phải làm sao để có thể cho vay được theo dòng tiền, theo dự án, theo hợp đồng để từ đó đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chứ không phải chỉ là tài sản đảm bảo”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Ngọc Bảo