Sẵn sàng đón 'đại bàng'
Hiện nay, ngày càng nhiều tập đoàn lớn đã và đang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam như Microsoft, Google, Pegatron… Việc thành lập Tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI chính là đổi mới cách làm để đón bắt cơ hội đó.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - cho rằng, không phải ngẫu nhiên Thủ tướng thành lập Tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI và giao các cơ quan chức năng xây dựng ngay đề án này nhằm đón làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Nếu nhanh, sẽ đón được “đại bàng tới làm tổ”, còn đi chậm có thể chỉ đón được “chim sẻ”.
Vì vậy, thay vì ngồi chờ nhà đầu tư nước ngoài sang tận nơi tìm hiểu, đặt vấn đề hợp tác đầu tư như thông lệ trước đây, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác sẽ chủ động bằng các biện pháp linh hoạt, phù hợp để có thể tiếp cận, đàm phán với các tập đoàn lớn, có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành chuỗi giá trị; đồng thời, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn… tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực...
Bên cạnh đó, tổ chức điều phối liên ngành, liên cấp và liên vùng để thúc đẩy việc hình thành các chuỗi dự án liên kết và hỗ trợ, triển khai thuận lợi, hiệu quả.
Tuy nhiên, việc thành lập Tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI chỉ là một trong những động thái quan trọng đầu tiên. Để thu hút được các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một biện pháp quan trọng là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa ra chính sách nhanh chóng, ổn định, minh bạch và dễ tiên lượng.
Ngoài ra, đang có nghịch lý trong thu hút FDI, đó là nhà đầu tư EU, Hoa Kỳ rót vốn vào Việt Nam còn rất khiêm tốn. Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/5/2020, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 9,3 tỷ USD, 27 nước châu Âu (EU) đầu tư tại Việt Nam hơn 26 tỷ USD, trong khi đó, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam hơn 68 tỷ USD, Nhật Bản 59,9 tỷ USD.
Theo GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI, nguyên nhân là Việt Nam chưa thỏa mãn yêu cầu của những nhà đầu tư lớn. Cách thức làm ăn của doanh nghiệp EU, Hoa Kỳ khác. Họ cần sự rõ ràng, công khai, minh bạch, thể chế thực thi nghiêm minh; đòi hỏi cao về các vấn đề như an toàn lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ...
Để thúc đẩy mối quan tâm của EU đầu tư vào Việt Nam, theo ông Giorgio Aliberti - Đại sứ EU tại Việt Nam, chính sách thu hút FDI của Việt Nam cần đặt trong bối cảnh có sức hút mang tính toàn diện chứ không chỉ là ưu đãi, cắt giảm thuế.
Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng. Tổ phó Thường trực là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó. Tổ có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.