Sản phẩm từ gỗ: Thị trường xuất khẩu lớn, nhưng...
Đồ gỗ được trưng bày tại một hội chợ.Ảnh: Quốc Hùng |
Những tín hiệu lạc quan
Thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam năm 2016 đạt 7,3 tỉ đô la Mỹ, trong đó riêng sản phẩm gỗ đạt 5,12 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,1% so với năm trước. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chỉ tăng một con số, nhưng xét trong tình hình ngành gỗ thế giới gặp nhiều khó khăn, khu vực châu Âu giảm nhập khẩu cộng với việc giảm giá trị nhập dăm gỗ Việt Nam của Trung Quốc (chỉ bằng 61% so với năm 2015) thì kết quả trên là tương đối khá. Và theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), thị trường xuất khẩu gỗ cho Việt Nam có khả năng được mở rộng trong năm nay nhờ tác động lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và đang trong quá trình triển khai. Mặt khác, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản... đều tăng.
Cũng theo ông Hạnh, hiện kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam còn chiếm một tỷ trọng quá nhỏ bé so với giá trị tiêu thụ đồ gỗ trên toàn thế giới đạt khoảng 467,7 tỉ đô la Mỹ/năm. Đáng chú ý là sức tiêu thụ của thị trường Mỹ đối với hàng Việt Nam tăng đều mỗi năm và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Theo giới thương mại gỗ, Mỹ là thị trường rất quan trọng cả về phương diện là nguồn cung nguyên liệu gỗ đầu vào lẫn thị trường tiêu thụ. Cán cân thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa hai nước đang nghiêng về phía có lợi cho Việt Nam với giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt trên 2 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, cao khoảng 10 lần so với giá trị nhập khẩu. Xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ kể từ sau khi Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ có hiệu lực, giúp cắt giảm thuế nhập khẩu từ khoảng 50% xuống thấp đáng kể, thậm chí có dòng thuế được đưa về 0%.
Bên cạnh đó, mặt hàng này của Trung Quốc bị Mỹ điều tra và áp thuế chống bán phá giá, dẫn đến xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường có giá trị tiêu thụ khoảng 30 tỉ đô la Mỹ này giảm mạnh, nhất là mặt hàng nội thất.
Một điểm thuận lợi khác là hầu hết các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ được làm từ các loại gỗ hợp pháp nên tính bền vững ở mức cao.
Theo HAWA, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm sản xuất hàng nội thất của thế giới khi sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ và ngày càng được ưa chuộng.
Đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất
“Nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Nếu đầu tư nghiêm túc, doanh nghiệp có khả năng bứt phá về doanh thu”.
Nhìn thấy tiềm năng thị trường, các doanh nghiệp chế biến gỗ đang muốn chứng minh thực lực và lợi thế cạnh tranh. Theo ghi nhận của HAWA, nhiều doanh nghiệp có sự đầu tư nhiều hơn cho thiết kế cũng như trang bị thêm công nghệ mới. Các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM đang xây dựng thêm nhà xưởng, đầu tư máy móc mới để nâng công suất thêm 20-30%. Có doanh nghiệp còn tăng diện tích nhà xưởng và khả năng sản xuất lên gấp đôi.
Theo ông Cao Duy Tâm, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại Vĩ Đại - doanh nghiệp cung cấp máy móc thiết bị chế biến gỗ đã 25 năm qua, từ năm ngoái đến nay, nhiều nhà máy chế biến gỗ ở khu vực Đông Nam bộ đã mở rộng dây chuyền sản xuất. Các doanh nghiệp còn lắp đặt những công nghệ thiết bị hiện đại mang tính tự động hóa cao mà trước đây rất ít doanh nghiệp trong nước dám đầu tư. Năm ngoái doanh thu của Vĩ Đại tăng hơn 50% so với năm 2015 và ông Tâm dự báo năm nay sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng này.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, chế biến gỗ là ngành xuất siêu cao, tăng trưởng ổn định, ít phụ thuộc và có giá trị gia tăng trên 40%. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, doanh nghiệp không thể kỳ vọng phát triển bằng nhân công giá rẻ mà phải bằng công nghệ hiện đại và chất xám để tạo giá trị gia tăng. “Nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Nếu đầu tư nghiêm túc, doanh nghiệp có khả năng bứt phá về doanh thu”, ông Hạnh nhận định và dự đoán kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2017 sẽ đạt khoảng 8 tỉ đô la Mỹ.
Đầu tư nước ngoài gia tăng, nguyên liệu thiếu hụt
Nhận thấy thị trường Trung Quốc không còn nhiều tiềm năng, các doanh nghiệp cung cấp gỗ ở châu Âu đang chuyển hướng vào Việt Nam bằng hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp trong nước. Nhanh nhảu hơn là các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang chuyển dây chuyền sản xuất đến Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi thuế suất xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường châu Âu và Mỹ chỉ từ 0-4% và vì sản phẩm đồ gỗ Việt Nam vốn được đánh giá cao. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam còn nhằm tận dụng nguồn lao động có tay nghề nhưng chi phí thấp...
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), trong tổng số khoảng 500 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động chế biến gỗ ở Việt Nam hiện nay thì các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan chiếm khoảng một phần ba và con số này chưa dừng lại. Bình Dương là một trong những địa phương ghi nhận sự đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp Trung Quốc vào ngành này. Theo giới phân tích, mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu 12 tỉ đô la sản phẩm gỗ sang Mỹ - một thị trường mà họ không thể bỏ qua và họ sẽ chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam sản xuất. Một số doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư thông qua việc mua lại các doanh nghiệp Việt thua lỗ hoặc đã phá sản, thậm chí, đầu tư dưới “mác” doanh nghiệp Việt Nam và đem hàng hóa có sẵn từ Trung Quốc sang, chỉ làm thêm khâu lắp ráp, phủ sơn... Tình hình này không chỉ dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp nội địa (quy mô nhỏ lẻ chiếm đa số) bị mất đơn hàng vào tay doanh nghiệp Trung Quốc mà ngành gỗ trong nước có thể sẽ bị áp thuế chống bán phá giá như đối với Trung Quốc do lượng gỗ và sản phẩm gỗ tăng đột biến.
Một trở ngại đáng lo nữa là từ cuối năm 2016 tới nay, việc mua nguyên liệu chế biến đồ gỗ xuất khẩu gặp khó khăn. Theo Vifores, bình quân mỗi năm Việt Nam sử dụng 24-25 triệu mét khối gỗ các loại, trong đó, nhập khẩu 6 triệu mét khối. Nhưng gần đây, nhiều quốc gia trong khu vực (có cả Việt Nam) ban hành chính sách đóng cửa rừng tự nhiên và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô dẫn đến doanh nghiệp chế biến không dám nhận đơn hàng vì thiếu nguồn nguyên liệu đủ “chuẩn”, đủ giấy tờ hợp lệ theo yêu cầu sản xuất hàng xuất khẩu.