Sản lượng vụ sầu riêng đầu tiên của Trung Quốc có thể chỉ đạt 50 tấn
Trang South China Morning Post mới đây dẫn lời một chuyên gia về trái cây nhiệt đới cho biết dù vụ sầu riêng đầu tiên của Trung Quốc chuẩn bị cho thu hoạch trong tháng này nhưng có thể mất nhiều năm nữa sản phẩm này mới đến được tay người tiêu dùng đại chúng vì sản lượng thấp hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu.
Tại hòn đảo Hải Nam, nông dân chuẩn bị cho thu hoạch sầu riêng nội địa quy mô lớn đầu tiên sau hơn 4 năm canh tác. Họ rất muốn khai thác tiềm năng kinh tế từ loại trái cây này bởi nhu cầu của Trung Quốc tăng rất nhanh nhưng lại phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam.
Nhưng ông Feng Xuejie, giám đốc Viện Cây ăn quả Nhiệt đới tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam và là nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam, dự đoán rằng hòn đảo này sẽ chỉ sản xuất khoảng 50 tấn sầu riêng, thấp hơn rất nhiều so với ước tính sản lượng 2.450 tấn mà kênh truyền hình quốc gia CCTV đưa ra hồi tháng 3 và chỉ phục vụ được 0,005% tổng nhu cầu sầu riêng tại Trung Quốc trong năm nay.
Tháng trước, hãng truyền thông Red Star News dẫn lời Feng rằng con số tháng 3 đã được "đánh giá quá cao", vì "chưa có diện tích lớn nào ra quả".
Hôm thứ Bảy (3/6), ông nói với CCTV: “Người Trung Quốc tiêu thụ 1 triệu tấn sầu riêng mỗi năm”. Ngoài ra, ông cho biết: “Một số cây sầu riêng đang ra hoa và kết trái ở Hải Nam vẫn chưa trưởng thành, không thể cho nhiều trái.”
Do đó, ông Feng cho rằng có thể mất vài năm Hải Nam mới có thể sản xuất đủ sầu riêng để giảm giá trong nước. Đồng thời, chi phí trồng cũng sẽ đắt hơn nhiều so với các nước khu vực Đông Nam Á.
CCTV cũng đã báo cáo vào tháng 3 rằng các đồn điền sầu riêng trải dài gần 700 ha ở Tam Á, thành phố cực nam trên đảo Hải Nam. Nhưng ông Feng cho biết vào tháng 5 rằng “tổng diện tích cây sầu riêng đậu hoa” chỉ khoảng 70 ha.
Feng kỳ vọng diện tích trồng sẽ cải thiện đáng kể trong vòng 3 đến 5 năm tới. Giá sầu riêng trong nước có thể không bị ảnh hưởng cho đến khi tổng diện tích trồng trọt vượt quá 20.000-30.000 ha.
Số sầu riêng thu hoạch trong tháng này sẽ được phân bổ cho các khách hàng tiềm năng ở Hải Nam để phát triển thị trường và phần còn lại có thể sẽ được tiêu thụ bởi khách du lịch địa phương, ông Feng cho biết thêm vào thứ Bảy. Vì vậy, người tiêu dùng ở phần còn lại của đất nước có thể không mua được lứa sầu riêng đầu tiên được trồng tại Trung Quốc.
Ông nói thêm: “Hệ thống nhân giống cây trồng độc lập của Trung Quốc đang được thiết lập và họ đang cố gắng trồng các giống sầu riêng có quyền sở hữu trí tuệ độc lập để hỗ trợ ngành này phát triển”.
Trung Quốc việc tự chủ một phần nguồn cung có thể hạ giá sầu riêng. Đồng thời, họ tận dụng nhu cầu tiêu thụ trái cây ngày càng tăng và thúc đẩy thương mại nông nghiệp quốc tế của quốc gia.
Nhưng mấu chốt thành công của sầu riêng nội địa là người tiêu dùng có thấy ngon miệng khi so sánh với sầu riêng nhập khẩu từ Đông Nam Á hay không.
Giá sầu riêng đã tăng đáng kể ở Trung Quốc và thường bán được hết nhanh chóng tại các chợ.
Trong quý đầu tiên của năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng trị giá 153 triệu USD – gấp 7,3 lần so với một năm trước. Và Trung Quốc chiếm 87% trong tổng số đó.
Người tiêu dùng hiện có thể phải trả khoảng 349 nhân dân tệ (50 USD) cho 7kg sầu riêng từ Việt Nam trên trang thương mại điện tử JD.com và phải đặt hàng trước. Sầu riêng từ Thái Lan và Malaysia hiện đang cháy hàng trên siêu thị Tmall, nền tảng mua sắm trực tuyến do Taobao điều hành.
Các quốc gia khác cũng đang khai thác nhu cầu sầu riêng ngày càng tăng của Trung Quốc. Vào tháng 1, Philippines đã ký một hiệp định thương mại với Trung Quốc trong chuyến thăm của Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr tới Bắc Kinh , và thỏa thuận này dự kiến sẽ mang lại doanh thu 260 triệu USD cho ngành sầu riêng địa phương của Philippines.
Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, chuyến hàng sầu riêng đầu tiên của nước này, tổng cộng 28 tấn, đã đến Trung Quốc vào ngày 6/4.