|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sàn giao dịch kim cương lớn nhất thế giới ở Dubai

09:00 | 22/12/2019
Chia sẻ
Cũng như rất nhiều lĩnh vực khác tại Dubai, ngành kinh doanh kim cương đang phát triển với tốc độ tên lửa.

"Hồi thập niên 90, Dubai còn không có ngành công nghiệp kim cương", Martin Leake - cố vấn đặc biệt về đá quý tại Trung tâm Hàng hóa Dubai (DMCC) cho biết. Đây là khu vực thương mại tự do được chính quyền Dubai thành lập và cũng là nơi quản lý sàn giao dịch kim cương Dubai Diamond Exchange.

Năm ngoái, giá trị giao dịch kim cương tại Dubai đã vượt 25 tỷ USD, theo DMCC. Từ gần như không có tên trên bản đồ thế giới, ngành kim cương Dubai hiện đặt mục tiêu chiếm ngôi thủ phủ thế giới của Antwerp (Bỉ). Ngành công nghiệp kim cương tại Antwerp có quy mô 46 tỷ USD năm 2018.

Martin Leake cho biết, mục tiêu này của Dubai được hỗ trợ bằng chính sách thuế thấp và địa điểm thuận lợi. Dubai nằm giữa các nước sản xuất kim cương lớn ở châu Phi và các thị trường kinh doanh chính của mặt hàng này, như Ấn Độ.

Một yếu tố khác là sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng thương mại của thành phố này, trong đó có Dubai Diamond Exchange - sàn giao dịch kim cương lớn nhất thế giới đặt tại tháp Almas gần Vịnh Ba Tư. 

Sàn này có 41 bàn xem kim cương với camera và thiết bị chiếu sáng chuyên nghiệp, cabin riêng và cửa số bằng pha lê trắng để đánh giá chính xác màu sắc đá quý.

Sàn giao dịch kim cương lớn nhất thế giới ở Dubai - Ảnh 1.

Bên trong sàn giao dịch kim cương Dubai Diamond Exchange. Ảnh: CNN

Qua nhiều lần cải tiến trong vài năm gần đây, sàn này hiện đủ sức chứa cho hơn 1.000 công ty tham gia giao dịch. Nơi này có đủ cơ sở vật chất cho quá trình chế tác kim cương, cho hoạt động của các nhà buôn và cả một văn phòng giám định quá trình khai thác có đảm bảo tính đạo đức hay không.

Xử lý kim cương thô là quá trình mất rất nhiều công sức, nhưng cho lợi nhuận rất cao. Leake cho biết: "Khi kim cương được đưa lên khỏi mặt đất, chúng thường dính dầu, hoặc đá, nên cần được làm sạch".

Đá quý sau đó được xử lý bằng hỗn hợp axit, và đun nóng trong một lò chuyên dụng. Phần lớn sẽ được vận chuyển sang Ấn Độ để cắt và đánh bóng, trừ những viên xuất sắc sẽ được xử lý tại chỗ bằng công nghệ hiện đại, nhằm làm tăng giá trị.

"Chúng tôi làm cả mô hình 3D", Jan de Henau – Giám đốc Dịch vụ Kim cương Almas cho biết. Về cơ bản, Almas vẽ lại toàn bộ vết nứt bên trong, và tích hợp thuật toán để ước tính giá trị cao nhất của các viên đá bên trong".

Họ còn dùng các công cụ mới, như máy cắt tia nước, giúp kim cương luôn mát và trong trạng thái ổn định khi được cắt ra. "Giá trị của chiếc máy này là 1 triệu USD. Nghe thì rất đắt đỏ, nhưng lợi nhuận bạn kiếm được từ 1, 2 đường cắt với một viên đá có thể lên tới hàng chục triệu USD", de Henau cho biết.

DMCC đặt mục tiêu thu hút nhiều công ty đến sàn giao dịch kim cương hơn nữa, nhằm tăng sức ép lên Antwerp. Dubai giờ đã có vị thế hàng đầu. Tuy nhiên, Leake cho biết: "Vị trí duy nhất anh muốn có được là số một".

Hà Thu