|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sân chơi tỷ đô mới của các startup sau fintech

07:54 | 17/12/2021
Chia sẻ
Với tỷ lệ sở hữu bảo hiểm còn thấp, thị trường Đông Nam Á mở ra cơ hội chục tỷ USD cho các công ty insurtech.

So với các mảng khác của công nghệ tài chính (fintech) tại Đông Nam Á, công nghệ bảo hiểm (insurtech) thu hút được ít sự chú hơn bởi thị trường này vốn đang bị chi phối bởi một số công ty truyền thống lớn, theo Tech in Asia.

Theo một báo cáo từ công ty tư vấn công nghệ Capgemini, thị trường insurtech có thể chia làm ba phân khúc: bảo hiểm toàn diện, hỗ trợ bảo hiểm và phân phối bảo hiểm.

Cuộc chơi công nghệ bảo hiểm (insurtech) tiềm năng ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

(Nguồn: Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

Các công ty bảo hiểm toàn diện vừa phát triển vừa phân phối sản phẩm bảo hiểm và phần lớn các công ty bảo hiểm truyền thống được xếp vào nhóm này. Các công ty phân phối có nhiệm vụ "đảm bảo" sản phẩm bảo hiểm đến tay người dùng, trong khi đó các công ty hỗ trợ bảo hiểm cung cấp các giải pháp giúp các công ty bảo hiểm truyền thống có thể cải thiện hoạt động bằng công nghệ.

Vì rào cản thấp mà không có nhiều yêu cầu về giấy phép, phần lớn các công ty insurtech Đông Nam Á thuộc nhóm hỗ trợ hoặc phân phối bảo hiểm. Ví dụ, phát triển một sàn giao dịch bán sản phẩm bảo hiểm không cần giấy phép hoạt động bảo hiểm.

Dù vậy, các công ty bảo hiểm toàn diện là người nắm giữ toàn bộ chuỗi giá trị và có mức độ linh hoạt cao hơn với sản phẩm mà họ phân phối tới người dùng. Đây là lý do vì sao các công ty insurtech và các nhà đầu tư đều hướng đến mô hình này.

Sự quan tâm tăng dần

Sự quan tâm dành cho mảng insurtech tại Đông Nam Á đang tăng dần, với chiều hướng tăng dành cho cả số lượng thương vụ đầu tư và giá trị thương vụ đầu tư tăng lên từ năm 2016.

Cuộc chơi công nghệ bảo hiểm (insurtech) tiềm năng ở Đông Nam Á - Ảnh 2.

(Nguồn: Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

Các công ty insurtech Singapore nhận được nhiều sự ưu ái của các nhà đầu tư nhất từ năm 2017 đến 2020. Tuy nhiên, điều này bắt đầu thay đổi từ năm nay khi các startup Thái Lan và Indonesia cũng rất được quan tâm.

Nhiều tiềm năng hứa hẹn

Tỷ lệ người dùng bảo hiểm ở Đông Nam Á vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các thị trường Châu Á – Thái Bình Dương khác.

Cuộc chơi công nghệ bảo hiểm (insurtech) tiềm năng ở Đông Nam Á - Ảnh 3.

Tỷ trọng phí bảo hiểm trên GDP (2020). (Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Trên phương diện toàn cầu, Hong Kong và Đài Loan là hai thị trường có mức độ thâm nhập bảo hiểm cao nhất.

Singapore là thị trường duy nhất ở Đông Nam Á có mức độ thâm nhập bảo hiểm cao hơn trung bình toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam, Indonesia và Philippines có mức độ thâm nhập rất thấp.

Dù vậy, sự phát triển nhanh ở nền kinh tế internet trong khu vực đang mở ra cơ hội mới trị giá 10 tỷ USD cho các công ty bảo hiểm trên thị trường hiện tại và các công ty insurtech.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng sự đa dạng ở khu vực Đông Nam Á đồng nghĩa với việc các công ty bảo hiểm cần cần nhắc kỹ các đặc điểm của mỗi thị trường trước khi quyết định gia nhập, lựa chọn phân khúc khách hàng và sản phẩm cung cấp.

Hướng tiếp cận của các startup

Nhiều startup insurtech Đông Nam Á đặt mục tiêu thúc đẩy tính toàn diện tài chính. Một trong những chiến lược được lựa chọn là thông qua bảo hiểm vi mô, tức là nhóm sản phẩm hướng đến nhóm người dùng chưa tiếp cận được các sản phẩm truyền thống. Giá trị bảo vệ của các sản phẩm này thấp hơn nên phí bảo hiểm thấp hơn.

Ví dụ, công ty bảo hiểm Igloo (Singapore) đang cung cấp bảo hiểm cho các nhân viên của công ty giao hàng AhaMove với mức phí tối thiểu chỉ 2 USD/tháng. Với giá trị bảo hiểm thấp, liệu một công ty tập trung vào bảo hiểm vi mô có thể có lãi hay không? Dù điều này khó, nó không phải vấn đề bất khả thi. Các công ty cần tăng quy mô và tự động hoá quy trình. Tự động hoá quy trình là điều rất khó trong quá trình đòi bồi thường bảo hiểm, theo Tech in Asia.

Thực tế này giới hạn các sản phẩm mà các công ty insurtech có thể cung cấp. Ví dụ, để tự động hoá các quá trình bồi thường dựa trên một sự kiện mang tính chất "đúng hay sai" rõ ràng có thể được thực hiện khá nhanh chóng. Ngược lại, việc tự động hoá bồi thường với bảo hiểm bệnh hiểm nghèo rất khó vì cần nhiều bằng chứng và xác thực từ các đơn vị thứ ba, ví dụ như đơn vị cung cấp dịch vụ y tế.

Sản phẩm bảo hiểm thường không phải một loại sản phẩm mà người dùng chủ động tìm kiếm. Đây là lý do vì sao các công ty bảo hiểm thường phải làm việc với các đại lý bên thứ ba để thúc đẩy bán hàng.

Vì thế, xây dựng độ phủ của sản phẩm bảo hiểm với các sản phẩm dịch vụ khác, còn gọi là "bảo hiểm nhúng", là một trong những cách tiếp cận giải quyết vấn đề. Ví dụ, bảo hiểm xe có thể bán kèm với những người mua xe cũ.

Mặc dù khái niệm "bảo hiểm nhúng" không có gì mới mẻ song nó lại đang được thúc đẩy mạnh mẽ do dịch vụ số phát triển. Một trong những áp lực trong tăng trưởng mảng insurtech là nhân lực vì đội ngũ sáng lập cần cả những người giỏi về công nghệ và có nền tảng kiến thức ở lĩnh vực bảo hiểm.

"Vì mảng bảo hiểm chịu sự kiểm soát chăt chẽ, nếu chỉ có kiến thức công nghệ là không đủ cho một dự án thành công", Theresa Blissing, người sáng lập Asia InsurTech Podcast, chia sẻ. "Bạn cần cả kiến thức về ngành", bà khẳng định.

Nam Khánh