|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Sale Alibaba đã dụ cả bạn bè, người thân vào tròng như thế nào?

17:00 | 30/09/2019
Chia sẻ
Bằng việc đưa ra những mức cam kết lợi nhuận hấp dẫn, nhiều sale Alibaba dụ cả bạn bè, họ hàng và thậm chí là người thân trong gia đình đồng sở hữu tài sản với mình.

Trao đổi với VietNamNet, Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP HCM), một trong những luật sư đang bảo vệ quyền lợi cho khách hàng tại các dự án của Alibaba cho biết đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 1.000 khách hàng đến trụ sở Công An TP HCM để trình báo về việc bị Alibaba lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Con số khách hàng bị mất khoảng 200-300 triệu là ít, phần đa là từ 700 triệu – 1 tỷ đồng, có người mua đến 7, 8 lô đất với mỗi lô từ 200-400 triệu.

Ông Cường cho biết khách hàng của Alibaba chia làm 2 dạng: Một dạng là khách vãng lai, vì tin vào cam kết lợi nhuận khủng từ Alibaba nên bỏ qua độ tin cậy về pháp lý. Một dạng khác là người quen, bạn bè, cô, dì, chú bác, thậm chí là cả anh chị em ruột… của các môi giới làm việc cho Alibaba. 

Họ một phần vì tín nhiệm người quen, một phần vì ham lợi nhuận cao nên sẵn sàng bỏ tiền mua đất nhưng đứng tên đồng sở hữu cùng sale để có mức lợi nhuận lớn hơn.

Chiêu thức “bẫy” người quen của môi giới Alibaba

Để dụ dỗ được các sale hết lòng phục vụ cho công ty, CEO Nguyễn Thái Luyện đã tự tay soạn thảo một cuốn bí kíp hướng dẫn môi giới cách dụ dỗ người thân vào tròng. Theo đó, Alibaba áp dụng mô hình kinh doanh đa cấp, nhân viên cứ mỗi lần dụ thành công một người vào đội ngũ sẽ được ghi nhận công trạng và thăng cấp từ từ theo thứ tự F1, F2, F3, F4, F5… Sau mỗi cấp độ quyền lợi của nhân viên sẽ tăng lên, và tiền hoa hồng cứ được cộng vào theo cấp số nhân.

Sale Alibaba đã dụ cả bạn bè, người thân vào tròng như thế nào? - Ảnh 1.

Nhiều nhân viên của Alibaba đã dụ cả bạn bè, người thân quen vào tròng mà không biết rằng chính họ cũng là nạn nhân

Vậy làm thế nào để biến nhân viên của mình thành nhà đầu tư thứ cấp F1? Cẩm nang của Alibaba đã chỉ họ cách đầu tiên là tiếp cận bạn bè, người quen, cô, dì chú bác. Tuy nhiên, nếu ngay lần đầu tiên mà đã tiếp thị cho họ mua đất thì rất khó, các sale của Alibaba sẽ mượn mỗi người 10 triệu là bước khởi đầu. 

“Mua lô đất 400 triệu đồng, mượn 10 triệu đồng, thì sẽ có nhiều người thân cho mượn. Anh chị sale Alibaba đừng mượn một lúc 400 triệu đồng, sẽ không ai cho mượn’’, nội dung trong cuốn sách chỉ dạy.

Sau khi đã mượn thành công mỗi người 10 triệu đồng, nhân viên của Alibaba sẽ liên tục diễn thuyết, dụ dỗ người thân của họ tham gia đầu tư cùng mình. 

Tuy nhiên, thay vì đầu tư riêng lẻ thì các sale này sẽ khuyên người thân, bạn bè của họ cùng đứng tên đồng sở hữu tài sản cùng mình để có mức lợi nhuận cao hơn khi mua riêng lẻ. Do đó, có môi giới đã dụ thành công đến 9 người quen và cùng đứng tên đồng sở hữu với họ trên hợp đồng chuyển nhượng 9 lô đất này.

Theo Luật sư Trần Minh Cường, sở dĩ bị rơi vào lưới là vì nhà đầu tư quá tham lợi nhuận mà quên đi rủ ro đang rình rập. Thậm chí có người biết các dự án chưa hoàn chỉnh pháp lý nhưng vẫn chấp nhận rủi ro vì tin vào cam kết lợi nhuận khủng. 

Khi Alibaba vẽ ra cam kết có sổ, hứa sẽ mua lại sản phẩm và đưa ra mức lợi nhuận theo quý, theo năm lên tới hơn 28%, nhiều người đã không ngần ngại rót tiền. Thậm chí, trước thời điểm Alibaba bị phanh phui thì rất đông khách hàng vẫn còn đứng ra che chắn cho họ.

Được biết, để dụ được một người quen tham gia đầu tư cùng mình các môi giới bỏ rất nhiều thời gian thuyết phục. Họ hứa hẹn và cam kết về lợi nhuận khủng, trả đúng hạn, trình cho khách xem những clip livestream trả tiền lợi nhuận liên tục trên Fanpage công ty để khách hàng tin tưởng. 

Do không hiểu nhiều về pháp lý, lại tin tưởng người quen nên hàng ngàn khách hàng Alibaba trở thành con mồi của chính người mà họ thân thiết.

Mua vì tin Alibaba có thế lực chống lưng?

PV trao đổi với khoảng gần chục khách hàng là nạn nhân của Alibaba, hầu hết họ đều mới đi kinh doanh bất động sản nên chưa có quá nhiều khái niệm về đầu tư bất động sản. Nhiều người còn mơ hồ về pháp lý các dự án, thậm chí có người đi đầu tư đất nền nhưng không hề biết phải tìm hiểu những gì, phải đến đâu để có thông tin chính xác về các dự án đó. 

Đa số họ là nghe qua người quen giới thiệu, hoặc môi giới nói gì thì nghe theo như vậy. Một số người cẩn thận hơn thì tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, tìm hiểu về chủ đầu tư nhưng cuối cùng vẫn rót tiền vì nghĩ rằng với một công ty lớn (có cả 2.500 nhân viên) như Alibaba thì “chắc là không lừa đảo được đâu”.

Sale Alibaba đã dụ cả bạn bè, người thân vào tròng như thế nào? - Ảnh 2.

Trụ sở của Alibaba trên đường Kha Vạn Cân, Quận Thủ Đức, TP HCM

Anh Nguyễn Minh H, một khách hàng của Alibaba tại TP HCM cho biết anh đầu tư vào Alibaba 4 lô đất vào năm 2017. Đến đầu năm 2018, anh H bắt đầu phát hiện Alibaba có dấu hiệu lừa đảo nên đã rút 3 lô + 28% lợi nhuận nên may mắn lấy lại được vốn. 

Tuy nhiên đây là một trong số ít khách hàng lấy lại được tiền bởi thời điểm còn lớn mạnh, Alibaba vẫn trả lợi nhuận vì còn dùng cái đó để “câu” những con mồi kế tiếp. Tuy nhiên, bên cạnh nhưng khách hàng mới đi kinh doanh thì cũng có không ít khách hàng là “chân rết” lâu năm trong ngành vẫn bị Alibaba chiêu dụ thành công. 

Chị Trần Thị L, một khách hàng của Alibaba tại Đồng Nai cho biết, ban đầu chị L đắn đo không muốn đầu tư vào các lô đất của Alibaba bởi chưa có sổ nhưng do nghĩ rằng Nguyễn Thái Luyện có thế lực chống lưng nên vẫn đánh liều.

“Tôi chỉ nghĩ đơn giản là đất chưa có sổ thì chờ đến khi có sổ rồi lấy thôi chứ không hề biết đó là đất nông nghiệp. Với cả khi đến trụ sở của nó to như vậy, ai mà nghĩ đây là công ty lừa đảo. Lừa đảo kiểu gì mà giữa ban ngày không ai thấy.

Khi mua, nhân viên cũng nói với tôi là bây giờ chẳng có dự án đất nền nào mà chờ có sổ mới bán cả. Mua khi chưa sổ nó mới rẻ, đất Alibaba có nhiều sự lựa chọn, 500 triệu vẫn có thể đi đầu tư chứ trên thị trường bây giờ toàn trên 1 tỉ cả rồi”, chị H nhớ lại.

Đáng nói là nhiều người biết rõ Alibaba “đánh lận con đen” nhưng do có nhận được lợi nhuận thực tế từ công ty nên tính đường liều, mua xong ngồi chờ đất lên giá để hưởng chênh cao hơn. Thậm chí có người được trả lợi nhuận đến vài lần vẫn không chịu rút hết vốn về.

Theo Luật sư Trần Minh Cường, những câu chuyện trên cho thấy các nhà đầu tư bất động sản phần lớn vẫn chưa trang bị đầy đủ về pháp lý khi đinh kinh doanh bất động sản. Đây sẽ là bài học sâu sắc để họ cẩn trọng hơn về sau. 

Tuy nhiên, vị Luật sư cho biết để xảy ra sự việc đáng tiếc như trên cho thấy Luật pháp vẫn còn nhiều kẽ hở, trong đó trách nhiệm của các cơ quan Quản lý tại những khu vực Alibaba dựng trụ sở và đặt bánh vẽ dự án cũng cần phải xem xét rõ ràng.

“Vụ việc trên cho thấy pháp luật về kinh doanh bất động sản còn nhiều khe hở để các cá nhân/tổ chức lợi dụng để trục lợi cho cá nhân. Do đó tôi nghĩ chính quyền, Nhà nước cần xem xét điều chỉnh quy định về việc huy động vốn đối với các bất động sản hình thành trong tương lai, đồng thời cũng cần xem xét trách nhiệm quản lý Nhà nước của 1 số cơ quan, tỉnh thành trong việc để Alibaba ‘tung hoành’ trong một thời gian rất dài mà không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, dẫn đến hậu quả to lớn cho xã hội hiện nay", Luật sư Cường nhấn mạnh.

Khánh Hòa

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.