|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sacombank vẫn chưa ghi nhận thu nhập từ bán KCN Phong Phú

12:49 | 30/10/2024
Chia sẻ
Sau 9 tháng, Sacombank ghi nhận lợi nhuận gần 8.100 tỷ đồng, thực hiện 76,4% kế hoạch cả năm. Báo cáo quý III cho thấy công ty vẫn chưa ghi nhận thu nhập khác từ bán KCN Phong Phú

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với lợi nhuận trước thuế đạt 2.752 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ở mức 2.201 tỷ dồng, tăng 34,7%. 

Lũy kế 9 tháng, Sacombank đạt lợi nhuận 8.094 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế là 6.489 tỷ đồng. Ngân hàng đã thực hiện 76,4% kế hoạch cả năm sau 9 tháng. 

 

Trong quý III, thu nhập lãi thuần của Sacombank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trong khi thu nhập ngoài lãi quay đầu giảm. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đã tăng 31,2%, lên 6.365 tỷ đồng khi chi phí lãi giảm nhanh hơn thu nhập lãi. 

Ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự ở mức 12.521 tỷ đồng, giảm 8,2% so với cùng kỳ (giảm 1.130 tỷ đồng). Trong khi đó, chi phí lãi giảm tới 30% (2.635 tỷ đồng) xuống 6.156 tỷ đồng. 

Theo dữ liệu từ WiChart, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của Sacombank vào quý III/2023 trong khoảng từ 6% đến 7,4%/năm. Sang đến quý III năm nay, lãi suất huy động giảm chỉ còn từ 4,7% đến 4,9%/năm. 

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, thu nhập ngoài lãi của Sacombank lại giảm 18,9% so với cùng kỳ, đem về 873 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 5,1%, lên 756 tỷ đồng và đóng góp phần lớn vào thu nhập ngoài lãi của ngân hàng.

Sacombank ghi nhận khoản lỗ 111 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh khác, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 30 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy Sacombank vẫn chưa phản ánh khoản thu từ việc bán KCN Phong Phú trong báo cáo tài chính quý III. 

Trong báo cáo phân tích được cập nhật ngày 2/8, Chứng khoán Vietcap từng dự báo rằng Sacombank sẽ ghi nhận khoản 2.000 tỷ đồng thu nhập ngoài lãi từ việc bán các khoản nợ liên quan tới KCN Phong Phú trong nửa cuối năm 2024. 

Trước đó chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết sau 18 lần thì đến nay đã đấu giá thành công quyền khai thác KCN Phong Phú, đã thu được 20% số tiền đấu giá. Việc đấu giá hiện trạng khoản nợ cần thời gian để hoàn thiện pháp lý, phần nợ còn lại được hoàn trả trong 2 năm với điều kiện ngân hàng hỗ trợ thời gian để họ hoàn thiện. 

 

Trong quý III, chi phí hoạt động của Sacombank tăng 9% so với cùng kỳ lên 3.287 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí nhân viên và chi dự phòng phải thu cao hơn. Tuy nhiên, nhờ tổng thu nhập hoạt động cao hơn cùng kỳ, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Sacombank vẫn tăng 35,7%, lên 3.950 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro trong quý II/2024 lại tăng tới 45% lên 1.199 tỷ đồng. Đây là quý có chi phí dự phòng cao nhất của Sacombank trong hơn một năm qua. Tuy nhiên nhìn chung, chi phí dự phòng của ngân hàng đã giảm đáng kể so với giai đoạn 2022, giúp lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng. 

 


Đến cuối quý III/2024, tổng tài sản của Sacombank ở mức 702.986 tỷ đồng, tăng 4,2% so với đầu nă,. Tuy nhiên nếu so với thời điểm giữa năm, tổng tài sản của ngân hàng đã đi xuống. Sau 9 tháng, các khoản phải thu của Sacombank đa giảm từ 42.000 tỷ đồng xuống 8.392 tỷ đồng. 

Cho vay khách hàng của Sacombank tăng 8,9% so với đầu năm lên 525.500 tỷ đồng, tương đương với tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế. Dự phòng rủi ro cho vay tăng 29% lên 9.755 tỷ đồng. 

Số dư nợ xấu của ngân hàng vào cuối tháng 6 ở mức 12.999 tỷ đồng, tăng 18,3%, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng vọt. Tỷ lệ nợ xấu lên 2,47%, cao hơn kết quả cuối quý II, quý I và cuối năm 2023. Tiền gửi khách hàng tăng 11%, lên gần 566.700 tỷ đồng. Sacombank là một trong số ít các ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi cao hơn cho vay sau ba quý. 

Tại ngày 30/9, số nhân viên của Sacombank là 18.215 người, giảm gần 300 người so với đầu năm. Chi phí nhân viên bình quân trong nửa đầu năm đã tăng 13,7 % so với cùng kỳ, đạt 35,6 triệu đồng/người/tháng. 

Minh Quang

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.