Vietcap: Sacombank sẽ ghi nhận 2.000 tỷ từ bán KCN Phong Phú trong nửa cuối năm
Sẽ ghi nhận 2.000 tỷ tiền bán KCN Phong Phú trong năm 2024
Thông tin về việc xử lý tài sản là Khu công nghiệp Phong Phú là một trong những điểm nhấn được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB). Giá trị của tài sản này được nhiều công ty chứng khoán ước tính khoảng 7.900 tỷ đồng.
Trước đó chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết sau 18 lần thì đến nay đã đấu giá thành côngquyền khai thác KCN Phong Phú, đã thu được 20% số tiền đấu giá. Việc đấu giá hiện trạng khoản nợ cần thời gian để hoàn thiện pháp lý, phần nợ còn lại được hoàn trả trong 2 năm với điều kiện ngân hàng hỗ trợ thời gian để họ hoàn thiện.
Trong báo cáo phân tích được cập nhật ngày 2/8, Chứng khoán Vietcap dự báo rằng Sacombank sẽ ghi nhận khoản 2.000 tỷ đồng thu nhập ngoài lãi từ việc bán các khoản nợ liên quan tới KCN Phong Phú trong nửa cuối năm 2024.
Trước đó, trong dự báo đầu năm Chứng khoán SSI kỳ vọng Sacombank sẽ bán được KCN Phong Phú trong năm 2024 và giúp hoàn nhập khoản dự phòng gần 1.600 tỷ đồng. Hai lần thanh toán tiếp theo với giá trị được ước tính là 3.174 tỷ đồng vào cuối năm 2025 và cuối năm 2026.
Trong quý II/2024, ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác chỉ ở mức 34 tỷ đồng nên nhiều khả năng khoản thu này chưa được hạch toán trong nửa đầu năm.
Theo thông tin chúng tôi có được, thông tin bán đấu giá 18 khoản nợ liên quan KCN Phong Phú được đưa ra lần gần nhất là vào ngày 19/1/2023 từ Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group. Những khoản nợ này đều được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú. Đây là lần thứ 5 khoản nợ này được rao bán với giá khởi điểm là 7.934 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Sacombank, tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng. Các khoản nợ phát sinh liên quan đến tài sản này đã được bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2024 của Sacombank, số dư trái phiếu đặc biệt VAMC ròng (đã trừ phần trích lập dự phòng) là 623 tỷ đồng, thấp hơn mức 1.800 tỷ đồng vào cuối năm 2023 trong khi mức dự phòng giảm giá cho trái phiếu này xấp xỉ con số cuối năm trước với 14.563 tỷ đồng.
"Sacombank đã gần như không cần trích lập thêm chi phí dự phòng cho VAMC phần nào giúp giảm gánh nặng trích lập dự phòng trong kỳ", Vietcap cho hay. Trong quý II, chi phí dự phòng rủi ro trong đã giảm 64,6%, xuống 465 tỷ đồng; chi phí dự phòng nửa đầu năm giảm 50,7% xuống 1.143 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm trong nửa cuối năm
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu lên của Sacombank lên mức 2,43% vào cuối quý II, cao hơn kết quả cuối quý I và cuối năm 2023. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 1.564 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do nợ nhóm 5 (tăng 34%).
Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm, do đó các chuyên gia của Vietcap cho rằng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2024.
Vào cuối tháng 6, ngân hàng cho biết đã thu hồi, xử lý được 4.822 tỷ đồng nợ xấu toàn hệ thống và tài sản tồn đọng.
Trong quý II, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.688 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng là 5.342 tỷ đồng, tăng 12,3%.
Tăng trưởng tín dụng của Sacombank trong nửa đầu năm đạt 7%, cao hơn so với trung bình toàn hệ thống. Vietcap cho biết thêm rằng hầu hết các khoản vay được phân bổ cho kỳ hạn dưới một năm. Biên lãi thuần (NIM) 6 tháng đầu năm của ngân hàng giảm 0,33 điểm % so với cùng kỳ, xuống 3,93%.
Vietcap cho rằng mức giảm này là do nhu cầu tín dụng thấp của khách hàng bán lẻ và sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng dẫn đến lợi suất tài sản của Sacombank giảm nhiều hơn chi phí huy động vốn.
Tổng thu nhập ngoài lãi 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.950 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Vietcap đánh giá kết quả này là do doanh thu từ mảng bancassurance liên tục ở mức thấp và thu nhập từ việc thu hồi các khoản nợ xấu đã xử lý ở mức thấp. Các chuyên viên phân tích kỳ vọng kết quả trong nửa cuối năm sẽ tích cực hơn nhờ khoản thu từ KCN Phong Phú.