Sacombank: Chi phí dự phòng thấp nhất 3 năm, chưa ghi nhận thu nhập khác từ xử lý KCN Phong Phú
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất với lợi nhuận trước thuế đạt 2.688 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ở mức 2.177 tỷ đồng, tăng 13,1%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế 5.342 tỷ đồng, tăng 12,3%; lợi nhuận sau thuế ở mức 4.288 tỷ đồng, tăng 12,1%. Như vậy, sau nửa năm, Sacombank đã thực hiện được 50,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế được Đại hội đồng cổ đông giao (10.600 tỷ đồng).
Trong quý II, cả thu nhập lãi thuần và cả khoản thu nhập ngoài lãi của Sacombank đều tăng trưởng so với cùng kỳ, giúp tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng 6,2% lên 7.154 tỷ đồng.
Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 6,3%, đạt 6,117 tỷ đồng khi chi phí lãi giảm nhanh hơn thu nhập lãi. Trong quý II/2024, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi giảm 15,6% so với cùng kỳ (giảm gần 2.300 tỷ đồng) còn chi phí lãi giảm tới 29,8% (gần 2.700 tỷ đồng).
Theo dữ liệu từ WiChart, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của Sacombank vào quý II/2023 trong khoảng từ 7% đến 7,6%/năm. Sang đến quý II năm nay, lãi suất huy động giảm chỉ còn từ 4,5% đến 4,7%/năm.
Thu nhập ngoài lãi của Sacombank được hỗ trợ bởi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối, tăng lần lượt 4,1% và 24,7%, mang về 681 tỷ đồng và 306 tỷ đồng. Lãi thuần của hoạt động chứng khoán đầu tư và hoạt động kinh doanh khác giảm so với cùng kỳ, nhưng đóng góp không đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận.
Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác chỉ ở mức 34 tỷ đồng cho thấy Sacombank vẫn chưa phản ánh khoản thu từ việc bán KCN Phong Phú trong báo cáo tài chính quý II/2024.
Theo thông tin trước đó từ Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Sacombank được kỳ vọng sẽ ghi nhận khoản thu nhập khác trị giá 1.336 tỷ đồng từ thương vụ bán Khu công nghiệp Phong Phú trong năm 2024 sau khi trích lập toàn bộ phần nợ trái phiếu VAMC.
KBSV cho biết vào đầu tháng 6, Sacombank đã thu được 20% tổng giá trị bán, dự thu tiếp 40% trong năm 2024 và 40% còn lại trong năm 2025.
Chi phí hoạt động của Sacombank tăng 31,2% so với cùng kỳ lên 3.153 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí nhân viên và chi dự phòng phải thu cao hơn. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Sacombank giảm 14,5% so với cùng kỳ, xuống 3.153 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro trong quý II/2024 cũng giảm tới 64,6%, xuống 465 tỷ đồng, giúp lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong những quý gần đây, chi phí dự phòng rủi ro của Sacombank đã cải thiện đáng kể do ngân hàng đã hoàn thành trích lập toàn bộ trái phiếu VAMC từ cuối năm 2023.
Đối với 32,5% vốn liên quan đến ông Trầm Bê đang được VAMC nắm giữ, đầu tháng 12/2023, Sacombank đã trình phương án lên NHNN để được chủ động xử lý theo hình thức bán đấu giá.
Đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của Sacombank ở mức hơn 717.300 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 7% lên 516.600 tỷ đồng; dự phòng rủi ro cho vay tăng 15,7% lên 8.752 tỷ đồng.
Số dư nợ xấu của ngân hàng vào cuối tháng 6 ở mức 12.548 tỷ đồng, tăng 14,2%, chủ yếu do nợ nhóm 5 và nợ nhóm 4 đi lên. Tỷ lệ nợ xấu lên 2,43%, cao hơn kết quả cuối quý I và cuối năm 2023. Tiền gửi khách hàng tăng 7,5%, lên gần 549.200 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6, số nhân viên của Sacombank là 18.260 người, giảm hơn 250 người so với đầu năm. Chi phí nhân viên bình quân trong nửa đầu năm đã tăng 9,2% so với cùng kỳ, đạt 35,6 triệu đồng/người/tháng.