Sacombank trình kế hoạch 2017 tăng trưởng tín dụng 18%, danh sách ứng cử HĐQT chưa được NHNN thông qua
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - Mã: STB) công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông năm tài chính 2016 - 2015.
Theo chương trình đại hội được công bố, sẽ có 12 tờ trình tại đại hội liên quan đến bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2017 - 2021; kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015 - 2016, kế hoạch phương hướng nhiệm kỳ 2017 - 2021, ngoài ra còn có tờ trình về kế hoạch sử dụng vốn chủ sở hữu, tái xác nhận chủ trương thành lập các Công ty trực thuộc và liên doanh…
Theo đó, số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 là 7 thành viên, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. BKS có 4 thành viên đều là thành viên chuyên trách. Hiện danh sách ứng cử vẫn chưa được Sacombank công bố.
Sacombank cho hay, ngay sau khi nhận được văn bản phê duyệt danh sách ứng cử viên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Sacombank sẽ tiến hành công bố thông tin nội dung chính thức của tờ trình này.
Đánh giá giai đoạn 2015 - 2016 đối với Sacombank, HĐQT cho rằng đây là những năm đầu của giai đoạn tái cơ cấu toàn diện Sacombank sau sáp nhập, được xác định là gặp rất nhiều khó khăn nên HĐQT tập trung chỉ đạo duy trì ổn định nhưng kết quả hoạt động kinh doanh đạt được chưa như mong muốn, nợ xấu còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Kế hoạch 2017 dư nợ tín dụng tăng 18%
Sacombank nhận diện năm 2017 tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngành Ngân hàng vẫn có thể tiếp tục đối mặt với những khó và khăn thách thức đến từ sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường bán lẻ, lợi nhuận biên thu hẹp, các vấn đề nợ xấu, áp lực trích lập dự phòng và đặc biệt chi phí trích lập dự phòng sẽ càng tăng cao. Sau sáp nhập, Sacombank đối diện với giải quyết hiệu quả nguồn nhân lực, tái bố trí các điểm giao dịch trên toàn hệ thống, và quan trọng nhất là quyết liệt xử lý, thu hồi nợ quá hạn và nợ xấu.
Theo đó, chỉ tiêu kinh doanh đề ra trong năm 2017 với tổng tài sản đạt 384.600 tỷ đồng, tăng 16% so năm 2016. Tổng nguồn vốn huy động đạt 356.100 tỷ đồng, tăng 17%. Trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư là 351.400 tỷ đồng, tăng 20%. Tổng dư nợ tín dụng 277.000 tỷ đồng, tăng 19%; trong đó cho vay khách hàng đạt 235.500 tỷ đồng, tăng 18%.
Lợi nhuận trước thuế 585 tỷ đồng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định.
Để đạt được các mục tiêu trên, Sacombank củng cố và kiện toàn hoạt động của Ngân hàng sau sáp nhập, hoàn thiện cấu trúc tổ chức và chuẩn hóa các Đơn vị sáp nhập. Xây dựng chi tiết kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt.
Xử lý dứt điểm các vấn đề tài chính còn tồn tại trước đây, tái cấu trúc tài sản có và tài sản nợ để giảm dần các khoản phải thu, tăng tài sản sinh lợi thông qua việc đẩy nhanh tiến trình xử lý tài sản cấn trừ nợ, giảm dần lãi dự thu. Kiểm soát hiệu quả và ngăn chặn nợ quá hạn, quyết liệt xử lý nợ xấu và nợ cơ cấu để nhanh chóng thu hồi vốn, tăng tài sản có sinh lời nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của Ngân hàng.
Tận dụng các ưu thế, cơ hội để tăng tốc phát triển, gia tăng nguồn lực tài chính nhằm khắc phục các điểm yếu, duy trì vị thế của Sacombank trong nhóm các NHTMCP lớn nhất Việt Nam;
Đẩy mạnh phát triển kinh doanh trong mọi hoạt động, đồng bộ tại tất cả các Đơn vị, đặc biệt tại các Đơn vị mới sau thời gian sáp nhập đã được đầu tư về nguồn lực, cơ sở vật chất, công nghệ.
Tăng trưởng tín dụng với cơ cấu phù hợp để củng cố nguồn thu chính, tăng lợi nhuận trong bối cảnh các nguồn thu khác có sự tăng trưởng tốt nhưng quy mô chưa cao;Tiếp tục phát huy lợi thế huy động vốn, với cơ cấu kỳ hạn và giá thành hợp lý, đảm bảo tính ổn định và đáp ứng an toàn thanh khoản;
Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và nợ bán VAMC; tăng cường xử lý tài sản nhận cấn trừ nợ, gán nợ; giảm dần các khoản phải thu nhằm tạo hiệu quả tối ưu nhất;
Tăng cường khai thác hệ khách hàng tại các đơn vị mới để đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, bán chéo sản phẩm, đảm bảo tốc độ tăng trưởng thu dịch vụ cao hơn năm trước;
Lập và sử dụng chi phí điều hành trên quan điểm đúng mục đích, đủ nhu cầu, tránh lãng phí; Ưu tiên chi phí đầu tư cho phát triển kinh doanh trực tiếp, gắn liền chi phí với hiệu quả hoạt động;
Nhanh chóng hoàn tất công tác tái cấu trúc mạng lưới hoạt động, khai thác tiềm năng thị trường để phục vụ nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới;
Chăm sóc nhân sự bằng các cơ chế phù hợp nhằm giữ chân lực lượng nhân sự, cải thiện điều kiện làm việc, các hoạt động đoàn thể tạo không gian làm việc nghiêm túc và thân thiện;
Duy trì ưu thế về công nghệ, tăng cường bảo mật, tạo nền tảng vững chắc phát triển sản phẩm mới.
Trình mức thù lao 18 tỷ đồng cho HĐQT và BKS trong năm 2017
Về thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT và BKS năm 2015, theo Nghị Quyết ĐHĐCĐ bất thường 2015, ĐHĐCĐ đã thống nhất phê duyệt mức thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT, BKS năm 2015 là 40 tỷ đồng. Mức chi thực tế thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT, BKS năm 2015 là 39,9 tỷ đồng.
Năm 2016, vì lý do khách quan, Sacombank chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên nên mức thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT, BKS năm 2016 chưa được trình để Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.
Tại đại hội sắp tới, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua mức thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT, BKS năm 2016 bằng 50% mức chi của năm 2015 tương ứng với số tiền là 20 tỷ đồng. Kế hoạch 2017 là 18 tỷ đồng.
Giai đoạn 2017 - 2020 xử lý dứt điểm các tồn đọng
Định hướng 2017 - 2020, Sacombank phấn đấu trở thành Ngân hàng bán lẻ hiện đại và đa năng hàng đầu khu vực, trong đó xác định tăng trưởng bền vững là định hướng chủ đạo, củng cố nhân sự, sắp xếp lại vị trí các điểm giao dịch, giải quyết các tồn đọng sau sáp nhập và kiện toàn mô hình hoạt động.
Các mục tiêu về tài chính, Sacombank tập trung tái cấu trúc cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững; chú trọng tái cấu trúc tài sản có và tài sản nợ để giảm dần các khoản phải thu, tăng tài sản sinh lợi thông qua việc đẩy nhanh tiến trình xử lý tài sản cấn trừ nợ, giảm dần lãi dự thu.
Tiếp tục gia tăng minh bạch tài chính và xử lý dứt điểm các tồn tại trước đó. Cân bằng giữa hiệu quả và tiến trình xử lý tài chính để hài hòa lợi ích của cổ đông, đồng thời tuân thủ các chuẩn mực tài chính.
Về các mục tiêu về thị trường, thực hiện tái bố trí mạng lưới các điểm giao dịch, tận dụng lợi thế mạng lưới để nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển từ phát triển chiều rộng sang tập trung chiều sâu, tăng cường quy mô và hiệu quảtừng điểm giao dịch. Tập trung thị trường bán lẻ, tập trung vào đối tượng khách hàng đại chúng, gia tăng nguồn vốn huy động từ dân cư và đẩy mạnh cho vay phân tán.
Liên quan đến kế hoạch sử dụng vốn chủ sở hữu năm 2017 với con số dự kiến cuối năm là 22.541 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận chưa phân phối là 1.923 tỷ đồng, kế hoạch sử dụng trong năm khoảng 12.978 tỷ đồng.
Kế hoạch sử dụng vốn chủ sở hữu 2017 của Sacombank |
Ngoài ra, Sacombank trình cổ đông kế hoạch tái xác nhận chủ trương thành lập các công ty hoạt động trong các lĩnh vực này trong giai đoạn năm 2017- 2020.
Cụ thể, thành lập Công ty Tài chính dưới hình thức Công ty TNHH một thành viên trực thuộc Sacombank, với chức năng hoạt động bao gồm cả nghiệp vụ bao thanh toán, tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính, thẻ tín dụng... và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật; hoặc chuyển đổi/ sáp nhập hoạt động của Công ty Cho thuê tài chính (Sacombank Leasing) hiện hữu thành Công ty tài chính với mô hình hoạt động tổng hợp. Dự kiến vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Thành lập Công ty bảo hiểm nhân thọ dưới hình thức liên doanh với đối tác nước ngoài, theo một trong các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm mà Pháp luật cho phép. Dự kiến vốn góp là 500 tỷ đồng.
Mua lại hoặc thành lập mới Công ty bảo hiểm phi nhân thọ, theo một trong các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm mà Pháp luật cho phép. Dự kiến vốn đầu tư là 300 tỷ đồng.
Giai đoạn 2015 - 2016, lợi nhuận tăng bình quân 8%/năm
Về việc trả cổ tức, trong năm 2015, HĐQT đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tổng tỷ lệ 2015 là 38,75% trên vốn cổ phần có quyền biểu quyết. Trong đó, trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại của năm 2013 với tỷ lệ 8%; trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2014 với tỷ lệ 12%; chia cổ phiếu quỹ kết hợp thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 10%; Chia cổ phiếu hoán đổi từ giao dịch sáp Southern Bank vào Sacombank với tỷ lệ 8,75%.
Sau sáp nhập, đến tháng 4/2016, hệ thống mạng lưới giao dịch trong nước, Sacombank đã có 552 điểm giao dịch với 109 Chi nhánh và 443 Phòng giao dịch cùng 04 công ty con; hệ thống mạng lưới giao dịch ngoài nước, Sacombank có 02 ngân hàng con tại Lào và Campuchia với 10 Chi nhánh. Tổng số nhân viên Sacombank đạt 17.296 người.
Bên cạnh đó, sau sáp nhập Sacombank đã đăng ký bổ sung vào Giấy phép hoạt động và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp một số ngành nghề kinh doanh theo Nghị quyết số 02/2015/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11/07/2015 của ĐHĐCĐ (Tư vấn tài chính doanh nghiệp; tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư; Dịch vụ môi giới tiền tệ), đến nay các ngành nghề kinh doanh bổ sung đã được khai thác và phát huy hiệu quả. Việc tiếp tục mở rộng ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh sẽ được HĐQT nghiên cứu để trình ĐHĐCĐ thông qua.
Mặt khác, tồn đọng trong hai năm qua là việc chưa hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh đại hội đồng cổ đông đề ra, chưa hoàn thành việc thành lập Công ty trực thuộc và liên doanh trong lĩnh vực tài chính và Bảo hiểm nhân thọ; chưa hoàn thành việc bổ sung vào Giấy phép Đăng ký kinh doanh đối với một số ngành nghề kinh doanh đã được ĐHĐCĐ bất thường năm 2015 thông qua như: các nghiệp vụ uỷ thác, nhận uỷ thác và đại lý. Tại đại hội sắp tới, Ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông kế hoạch bổ sung các giấy phép kinh doanh này.
Kết quả giai đoạn 2011 - 2015, vốn điều lệ Sacombank tăng từ 10.740 lên 18.852 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng bình quân 12,4%/năm; tổng huy động tăng 15,6%/năm; tổng tín dụng tăng 16,7%/năm, trong đó cho vay khách hàng tăng 15,6%/năm; lợi nhuận trước thuế tăng 8%/năm. Tính đến ngày 31/12/2016 lợi nhuận lũy kế giữ lại chưa thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông là 1.014 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh Sacombank. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/