|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sách lược ngành tôm 2024: Tập trung khâu nuôi và sản phẩm giá trị gia tăng

13:45 | 30/01/2024
Chia sẻ
VASEP biết năm 2024 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, do đó ngành tôm phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó cần đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng và tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2023 đạt 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2022. 

Trong năm 2024, ngành tôm đối mặt với nhiều thách thức, có thể kể đến như vụ khởi xướng điều tra chống trợ cấp của Mỹ, xung đột chính trị, căng thẳng Biển Đỏ, cạnh tranh với tôm Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung…

VASEP cho rằng trên chặng đường vượt khó, ngành tôm phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó cần đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng và tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi.

Sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40-45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Với công nghệ chế biến ngày càng phát triển, nhu cầu từ các thị trường gia tăng, việc phát triển các sản phẩm tôm giá trị gia tăng sẽ ngày càng được thúc đẩy theo chủ trương của Chính phủ và Bộ NN&PTNT.

Mục tiêu của “Đề án phát triển ngành Chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030” là phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, ngành thuỷ sản sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Theo VASEP, trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt thuộc mức cao trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh lớn. Các sản phẩm tôm giá trị gia tăng nổi bật của Việt Nam có thể kể đến như tôm bao bột, tôm chiên, tôm tẩm gia vị, tôm xẻ bướm, tôm xiên que, tôm tempura, tôm nobashi, há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, tôm thẻ xiên que đông lạnh…

Năm 2023 đầy khó khăn, việc đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm tôm gia trị gia tăng mới là một trong những sách lược giúp các doanh nghiệp trụ vững. Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến ngày càng được chú ý.

“Khi tăng trưởng sản lượng nuôi trồng chỉ có giới hạn, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng là xu thế, giúp đạt được các mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu trong tương lai”, VASEP nhận định.

Ngoài ra, VASEP cho rằng trong năm 2024, ngành tôm Việt cần tập trung vào khâu nuôi nhiều hơn để tăng được sức cạnh tranh với các nước khác.

Trong đó, mấu chốt quan trọng của mặt hàng tôm nuôi là vấn đề giống. Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT tăng cường kiểm soát chất lượng con giống tôm nuôi, đảm bảo không có con giống kém chất lượng, dịch bệnh ra thị trường.

Hoàng Anh