|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sắc đỏ bao phủ, VN-Index giảm hơn 18 điểm

15:00 | 19/04/2024
Chia sẻ
Thị trường có sự hồi phục trong những phút giao dịch cuối phiên chiều, tuy nhiên lực bán mạnh trong phiên ATC khiến VN-Index lùi xuống dưới mốc 1.175 điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm 18,16 điểm (1,52%) xuống 1.174,85 điểm, HNX-Index giảm 5,4 điểm (2,39%) về 220,8 điểm, UPCoM-Index giảm 0,99 điểm (1,13%) về 87,16 điểm.

Thị trường đầu phiên chiều có sự hồi phục nhờ nỗ lực nâng đỡ của nhóm vốn hóa lớn, VN-Index có thời điểm chỉ còn giảm hơn 3 điểm.

Dù vậy, áp lực bán giải chấp của các công ty chứng khoán về cuối phiên khiến nhiều cổ phiếu không thể thoát khỏi sắc xanh lơ, VN-Index đóng cửa rơi hơn 18 điểm, đánh dấu chuỗi giảm 4 phiên liên tục và bốc hơi gần 100 điểm. Bảng điện bị sắc đỏ chi phối với 784 mã giảm giá, 246 mã tăng giá và 193 mã đóng cửa tại giá tham chiếu.

Toàn thị trường ghi nhận 68 mã nằm sàn, trong đó chiếm chủ yếu là 32 mã trên thị trường UPCoM, đa phần đều là các mã có thanh khoản thấp. Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,27 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị 27.040 tỷ đồng, trong đó giao dịch khớp lệnh trên HOSE ghi nhận gần 22.500 tỷ đồng, tăng 32% so với phiên trước.

Tại nhóm vốn hóa lớn, VIC đóng cửa thấp nhất phiên tại 42.600 đồng/cp, tương đương giảm 5,3%. Đây cũng là “tội đồ” lớn nhất của thị trường phiên hôm nay khi chỉ riêng mã này lấy đi gần 2,3 điểm của VN-Index.

Cùng thuộc “họ Vin”, VRE và VHM lần lượt đánh mất 3,2% và 0,7% thị giá. Cùng chiều, sắc đỏ của BCM (-5%), SSI (-3,5%), CTG (-3,4%), HDB (-3,3%), POW (-3,2%), VRE (-3,2%), SAB (-2,8%), … tạo áp lực lên chỉ số.

Trong khi đó, BID là trụ đỡ chính của thị trường phiên hôm nay. Chuyển động thị trường không có nhiều thay đổi so với phiên sáng với các ngành vốn hóa lớn như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán tiếp tục là các nhóm gây sức ép chính lên chỉ số.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 23,08 điểm (1,93%) xuống 1.169,93 điểm, HNX-Index giảm 6,44 điểm (2,85%) xuống 219,75 điểm, UPCoM-Index giảm 1,1 điểm (1,25%) về 87,05 điểm.

Xu hướng giảm tiếp tục kéo dài về cuối phiên sáng.Thị trường diễn biến tiêu cực hơn với các nhịp giảm có đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Sắc đỏ áp đảo hoàn toàn trên bảng điện với số mã giảm gấp gần 6 lần số mã tăng.

Tương tự, ở nhóm VN30, duy nhất cổ phiếu SHB duy trì được sắc xanh nhẹ đến cuối phiên, trong khi các cổ phiếu còn lại đồng loạt giao dịch dưới ngưỡng tham chiếu. BCM giảm mạnh nhất rổ với tỷ lệ 5% về 51.600 đồng/cp, theo sau là VIC (-3,8%), SSI (-3,5%), CTG (-3,4%), VHM (-3,3%), …

Xét về nhóm ngành, bộ đôi bất động sản, ngân hàng tiếp tục là hai gánh nặng chính của thị trường, riêng nhóm này đã gây ra hơn một nửa số điểm giảm của VN-Index. Dòng chứng khoán cũng trở nên tiêu cực hơn trong bối cảnh chung của thị trường, trong đó AGR, APG giảm sàn, mức giảm phổ biến của các cổ phiếu khác trong nhóm là hơn 3%. Sắc xanh hiếm hoi được ghi nhận ở HAC (+0,7%), PHS (+4%).

Về thanh khoản, tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường đạt gần 631 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 13.479 tỷ đồng. Trong đó giao dịch khớp lệnh trên HOSE tiếp tục duy trì ở mức thấp với gần 11.300 tỷ đồng, gấp đôi phiên trước đó.

Tính đến 10h30, VN-Index giảm 11,1 điểm (0,93%) còn 1.181,91 điểm, VN30-Index giảm 10,84 điểm (0,9%) về 1.199,9 điểm. VN-Index duy trì diễn biến điều chỉnh về giữa phiên sáng với thanh khoản tăng mạnh so với phiên trước. Tính đến hiện tại giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt 6.578 tỷ đồng, gần gấp đôi phiên trước đó.

Mặc dù dòng tiền chuyển động nhanh nhưng lực bán chủ động chiếm ưu thế khiến thị trường gần như không có nỗ lực hồi phục đáng kể nào. VN30-Index tạm mất mốc 1.200 điểm.

Tính đến 9h30, VN-Index giảm 12,17 điểm (1,02%) về 1.180,84 điểm, HNX-Index giảm 2,79 điểm (1,23%) xuống 223,41 điểm, UPCoM-Index giảm 0,32 điểm (0,37%) còn 87,83 điểm.

VN-Index có phiên giảm gần 23 điểm trước ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Thị trường được kỳ vọng nhận được hỗ trợ từ vùng 1.176 - 1.182 điểm, tương đương vùng MA(200) ngày cũng là vùng MA(200) tuần.

Mở cửa phiên sáng nay, tâm lý giao dịch tiêu cực khiến các chỉ số đồng loạt đổ dốc, VN-Index rơi hơn 12 điểm ngay sau phiên ATO. Áp lực bán dâng cao ở tất cả các nhóm ngành khiến sắc đỏ lan rộng trên bảng điện.

Nhóm ngân hàng tiếp tục gây sức ép mạnh nhất lên thị trường với mức ảnh hưởng giảm hơn 3 điểm. Trong ngành, sắc xanh le lói được chứng kiến ở PGB (+2,3%), SHB (+2,3%), VPB (+0,3%), MSB, NVB đứng giá tham chiếu. Trong khi đó, các mã còn lại đều ghi nhận điều chỉnh, điển hình như VAB (-2,2%), LPB (-3,2%), BVB (-1,9%), BAB (-1,6%), HDB (-1,5%), ABB (-1,3%), ….

Cùng chiều, cổ phiếu bất động sản cũng giao dịch kém sắc với KDH giảm 3,4% về 32.850 đồng/cp. Loạt mã mất hơn 2% thị giá có thể kể đến như HPX, DXG, PDR, HDC, VIC, HTN, CII. Chiều ngược lại, QCG có chuỗi tăng 5 phiên liên tục, trong đó phiên sáng nay mã này tiếp tục tăng hết biên độ lên 17.850 đồng/cp, LDG và VPH cùng tăng 3%.

Tại thị trường quốc tế, S&P 500 và Nasdaq Composite đã giảm liên tiếp trong 5 phiên, ghi nhận chuỗi tiêu cực dài nhất lần lượt kể từ cuối tháng 10/2023 và tháng 1/2024.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 18/4, chỉ số S&P 500 đã mất 0,22% và đóng cửa với 5.011 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,52% xuống 15.602 điểm.

Ở chiều ngược lại, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng thêm 22 điểm, tương đương 0,06% và kết thúc với 37.775 điểm.

 

Thu Thảo

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.